Bảo vệ bí mật Nhà nước vẫn phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân

Thứ Hai, 13/11/2017, 17:09
Trao đổi với các ĐBQH tại phiên thảo luận tổ chiều 13-11, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: Được phân công chủ trì, soạn thảo dự luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước, Bộ Công an đã làm việc hết sức thận trọng, vì đây là dự luật có liên quan rất lớn đến sự phát triển của đất nước, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn và liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia mà chưa được công bố công khai thì phải được bảo vệ đến cùng, nhưng cũng phải hài hòa với quyền tiếp cận thông tin của người dân, huy động sức dân giám sát các hoạt động của Nhà nước. Điều quan trọng là phải xác định ranh giới để mọi người dân hiểu được quy định đó, vận dụng vào thực tiễn. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong xây dựng dự án luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt việc cân bằng giữa nhiệm vụ bảo đảm bí mật nhà nước và quyền lợi của người dân, chứ không phải tối đa hóa những thứ gọi là bí mật.

Thượng tướng Tô Lâm lắng nghe ý kiến góp ý của các ĐB để hoàn thiện dự án luật

“Có một vấn đề rất lớn phải xử lý là chúng ta đang trong quá trình công khai, minh bạch. Những thông tin của nhà nước phục vụ lợi ích đất nước, phục vụ đời sống người dân thì người dân phải được biết; những hoạt động của Nhà nước, nhân dân phải được giám sát, nên điều chỉnh khái niệm thế nào để đảm bảo sự tham gia quản lý của nhân dân, sự giám sát của nhân dân trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước cũng là vấn đề trong xây dựng dự án luật này. Chứ còn đưa tất cả vào bí mật Nhà nước thì không có tác dụng gì trong minh bạch thông tin và huy động sức dân, sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội. Chúng tôi đã quán triệt trong việc xây dựng luật này như vậy” – Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh.

Thượng tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, việc rất khó để đưa ra một phạm vi cứng đâu là bí mật nhà nước. “Trong pháp lệnh cũ, chúng tôi có thống kê ra những vấn đề cụ thể là bí mật quốc gia, nhưng xây dựng luật này có bước tiến bộ là khái quát được vấn đề trên. Chúng tôi rất lắng nghe góp ý của các ĐBQH xung quanh khái niệm, vì nếu không xác định được điều này, đến lúc chúng ta không biết phạm vi bí mật ở đâu để bảo vệ, không biết cái gì là cái đã vi phạm luật đến mức phải xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục tham khảo kinh nghiệm thế giới. Tất nhiên, mỗi chế độ, mỗi nhà nước quan niệm lợi ích quốc gia khác nhau thì khái niệm bí mật nhà nước khác nhau, nên chúng tôi chọn lọc những gì phù hợp với chúng ta”. 

Vũ Hân
.
.
.