Bóng bàn trẻ Việt Nam: Tìm lối đi mới

Thứ Ba, 18/06/2019, 08:42
Sau Giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á -2019 vào đầu tháng 6 này ở Thái Lan, đội tuyển trẻ Việt Nam lại trở về tập luyện tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và chờ đến năm sau để được góp mặt ở một giải quốc tế. Tất cả cho thấy bóng bàn Việt Nam cần những thay đổi mang tính đột phá thay vì giữ cách làm như hiện nay.


Có vàng mới lạ!

Kết thúc giải trẻ Đông Nam Á – 2019, đội tuyển Việt Nam giành 1 Huy chương bạc (HCB), 4 Huy chương đồng (HCĐ) trong đó tấm HCB ở nội dung đôi nữ U15 thuộc về Trần Mai Ngọc – Nguyễn Mai Phương. 4 tấm HCĐ thuộc các nội dung đồng đội nữ U18, đồng đội nam U15, đồng đội nữ U15 và đôi nam U15. Như thế, các tay vợt Việt Nam chỉ đoạt huy chương ở một số nội dung đôi và đồng đội trong khi trắng tay ở nội dung đơn.

So với năm ngoái, thành tích của đội tuyển trẻ Việt Nam nhỉnh hơn. Năm trước, đội tuyển chỉ giành 5 HCĐ trong khi năm nay giành 1 HCB, 4 HCĐ. Cũng có tiếc nuối về việc đội tuyển đã không thể giành tấm HCV ở giải năm nay dù đã lọt vào chung kết nội dung đôi nữ. Ở đó, đôi của Việt Nam đã dẫn trước đôi của Thái Lan nhưng lại thua ngược.

Tuy nhiên, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam Bùi Xuân Hà nhìn nhận, đôi của Thái Lan thắng hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục. Sẽ là bất ngờ nếu đôi nữ Việt Nam đăng quang ở nội dung này. Hiểu theo cách khác, sẽ là lạ nếu bóng bàn Việt Nam giành HCV ở giải năm nay.

Các tay vợt trẻ Việt Nam cần được đầu tư mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Bùi Xuân Hà, thực lực hiện tại của bóng bàn trẻ Việt Nam bộc lộ rõ qua thành tích tại giải. Không ngẫu nhiên khi bóng bàn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore thi đấu nổi bật tại giải năm nay. Ông Bùi Xuân Hà dẫn ra ví dụ, trong 8 nước tham dự giải chỉ có các tay vợt của Việt Nam, Myanmar, Brunei là chưa có thứ hạng trên bảng xếp hạng bóng bàn trẻ thế giới.

Trong khi đó, các tay vợt của các nước còn lại, trong đó có Thái Lan, Singapore liên tục được tham dự các giải quốc tế để tích lũy điểm trên bảng xếp hạng thế giới đồng thời nâng cao trình độ. 5 ngày trước giải vô địch trẻ Đông Nam Á-2019, các tay vợt Thái Lan vừa tham dự một giải quốc tế ngay tại Thái Lan. Đấy là chuyện trong mơ với các tay vợt Việt Nam.

Bóng bàn Việt Nam chỉ thi đấu quốc tế chính thức 1 giải/năm, chủ yếu tập luyện trong nước và đến gần đây mới được đi tập huấn nước ngoài trong thời gian ngắn hoặc được chuyên gia nước ngoài. Thế nên, các tay vợt Việt Nam khó có thể so đọ về kinh nghiệm trận mạc và đẳng cấp so với các đối thủ. Ngay cả Trần Mai Ngọc, tay vợt Á quân giải vô địch quốc gia - 2019 cũng thất thế trước các tay vợt cùng lứa hoặc ít tuổi hơn ở giải năm nay mỗi khi thi đấu đơn. Điều này càng dấy lên lo ngại về sự tụt hậu của bóng bàn trẻ Việt Nam và có thể là các tay vợt Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Tìm hướng đi đột phá

Một trong những vấn đề của đội tuyển trẻ Việt Nam chính là không tập hợp đầy đủ các tay vợt trong suốt quá trình tập huấn. Một số câu lạc bộ không đưa vận động viên lên tập huấn ở đội tuyển và chỉ đến khi thi đấu giải trẻ Đông Nam Á mới cử vận động viên góp mặt. Thực trạng này kéo dài trong nhiều năm và đến bây giờ vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, đấy không hẳn là câu chuyện đáng quan tâm nhất. Như chuyên gia người Trung Quốc từng chỉ ra, vấn đề của bóng bàn trẻ Việt Nam chính là ở khâu kỹ thuật cần phải sửa chữa rất nhiều. Trong khi đó, đấy là phần việc dành cho vận động viên ở lứa tuổi 12-13 chứ không phải là lứa tuổi 15-18 như trong làng bóng bàn Việt Nam hiện nay.

Vì vậy, đã có gợi ý rằng cần đầu tư dài hạn tại nước ngoài cho những tay vợt trẻ hội đủ tố chất phát triển lên đỉnh cao thay vì để các em tập luyện trong nước. Ông Bùi Xuân Hà nhận định, thực tế, có thể tìm được nguồn kinh phí để đầu tư theo kiểu này cho 2 tay vợt nam, 2 tay vợt nữ. Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới các cấp độ đội tuyển bóng bàn quốc gia, trong đó có đội tuyển trẻ quốc gia.

Đơn cử như cách đây gần 5 năm, khi đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia chuẩn bị dự giải trẻ Đông Nam Á năm 2015, Ban huấn luyện đã rất vất vả để xin tài trợ trang phục cho đội tuyển. Thậm chí, có doanh nghiệp đã thẳng thừng từ chối vì thương hiệu của đội tuyển trẻ không đáng để đầu tư. Sau đó, đội cũng nhận được hỗ trợ trang phục từ hãng DHS theo diện “giúp đỡ nhau là chính”. Nhưng sau đó 1-2 năm, đội tuyển đã có hẳn nhà tài trợ trang phục là World Sport bên cạnh hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp khác. Như thế, khả năng huy động xã hội hóa để nâng chất bóng bàn trẻ Việt Nam là khả thi.

 Ngoài ra, để các tay vợt trẻ hiện nay không bỡ ngỡ mỗi khi thi đấu quốc tế thì phải tạo điều kiện để họ được tham dự nhiều giải quốc tế hơn. Việc thu hút nguồn lực xã hội hóa để các tay vợt thuộc đội tuyển trẻ quốc gia dự giải cũng không ngoài tầm với của bóng bàn Việt Nam.

Tại Thái Lan, mỗi năm có khoảng trên chục giải quốc tế có tính điểm xếp hạng quốc tế.  Vì vậy, đây là địa điểm lý tưởng để cử các tay vợt trẻ Việt Nam tham dự do chí phí sinh hoạt, đi lại không quá đắt đỏ. Từ trước đến nay, bóng bàn trẻ Việt Nam chưa bao giờ đi theo hướng này. Nhưng trong xu hướng lấy thi đấu quốc tế để nâng trình độ như hiện nay, bóng bàn trẻ Việt Nam buộc phải tính đến.

Vấn đề là phải có một chủ trương đầu tư, với định hướng rõ ràng từ Tổng cục Thể dục Thể thao cũng như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Nếu không, mọi chuyện khó có thể vận hành trơn tru.

Tạm bằng lòng với tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài

Theo ông Bùi Xuân Hà, trước mắt đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia vẫn sẽ theo hướng đầu tư là tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài thông qua nguồn kinh phí xã hội hóa cũng như sự hợp tác giữa Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh với Học viên Bóng bàn Trung Quốc tại Thượng Hải (Trung Quốc). Dù sao, đây cũng là bước đột phá của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam trong 2-3 năm gần đây. Trước đó, các tay vợt hoàn toàn tập huấn dài hạn trong nước. (Minh Khuê)

Minh Nhật
.
.
.