“Lượng” Hoàng Anh Gia Lai và “chất U19+” ở U23 Việt Nam

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:09
Với việc có đến 9 cầu thủ góp mặt ở tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế tại Thái Lan và VCK U23 châu Á 2018, quân Hoàng Anh Gia Lai đang chiếm số lượng áp đảo trong số danh sách 32 cầu thủ.

Cùng với đó, người ta cũng thấy hình bóng của đội hình U19 từng tạo ra cơn sốt cách đây 3 năm.

Dưới thời HLV Miura, đã từng có thời điểm ông gọi đến 9 cầu thủ HAGL lên tập trung cho ĐT U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á và SEA Games. Thế nhưng, trong triết lý bóng đá thiên về thể lực và ưa chuộng bóng dài, bóng bổng, các cầu thủ HAGL không phải sự lựa chọn phù hợp. Và thực tế, chỉ 1,2 cầu thủ HAGL thường xuyên được ông Miura sử dụng. 

Trong số đó, chỉ duy nhất Công Phượng là chơi nổi bật và để lại dấu ấn rõ rệt nhất. Tiền đạo xứ Nghệ cũng là quân bài chiến lược được ông thầy người Nhật sử dụng hiệu quả trong các trận đấu ở vòng loại U23 châu Á 2016 và SEA Games 2015. 

Việc quân HAGL rơi rụng lần lượt ở các giải đấu quan trọng trong đội hình U23 năm đó đã đi ngược lại với quan điểm của lãnh đạo VFF. Bởi lẽ, sau khi lứa U19 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL tạo ra cơn sốt với khán giả ở VCK U19 Đông Nam Á 2014 tại Mỹ Đình, đích thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã tuyên bố rằng sẽ lấy quân U19 là lực lượng nòng cốt cho SEA Games 28. 

Những cầu thủ HAGL từng làm nòng cốt ở đội tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games 29. Ảnh: Đ.Đ.

Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức cũng đưa ra quan điểm rằng nếu sử dụng thì nên chọn cả tập thể, tuyệt nhiên không xé lẻ đội hình gắn kết này. Nhưng rốt cuộc thì chính cái triết lý của HLV Miura sau này lại được ông Dũng ủng hộ và phần nào khiến cho nội bộ lãnh đạo VFF chia rẽ.

Sau khi U23 Việt Nam bị loại khỏi bán kết SEA Games 28 trên đất Singapore và kết thúc VCK U23 2016 với kết quả không như ý, ông Miura bị VFF chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 2 tháng. Người châm ngòi cho làn sóng đòi sa thải ông thầy người Nhật trước đó chính là bầu Đức. 

Lý do được đưa ra vì triết lý bóng đá của HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Nhưng người hiểu chuyện dễ “ngửi” ra rằng việc quân HAGL thất sủng chính là nguyên nhân khiến ông Miura bay ghế sớm. Và chính bầu Đức đã hậu thuẫn để HLV Hữu Thắng lên cầm quân ở ĐTQG. Đây là thời kỳ mà quân HAGL được trọng dụng ở cả cấp độ ĐTQG lẫn U22. Đó cũng là thời điểm mà lối chơi chơi nhỏ, nhuyễn, bóng ngắn, ban bật được Hữu Thắng xây dựng đã giúp cầu thủ HAGL phát huy tối đa sở trường của mình.

Nhưng với thất bại của tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2016, U22 cũng “vỡ” ở SEA Games 29 khi không qua nổi vòng bảng, giấc mơ của bầu Đức chấm hết. Đến lúc này, ông bầu phố Núi mới nhận ra rằng không thể xây dựng một đội tuyển chỉ dựa trên những cầu thủ chất lượng mà thiếu HLV giỏi.

Và dù đã xin rút khỏi VFF, thế nhưng việc bầu Đức hậu thuẫn để HLV Park Hang-seo dẫn dắt ĐT Việt Nam và đưa HLV Chung Hae-seong – người từng cùng ông Park làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink dự World Cup 2002 về dẫn dắt HAGL chính là để “giải cứu” những cầu thủ HAGL ở ĐTQG.

Trong đợt tập trung của U23 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế tại Thái Lan và VCK U23 châu Á 2018, ông Park đã gọi đến 9 cầu thủ HAGL, nếu tính thêm cả Xuân Trường (Gangwon FC) thì đây là lực lượng hùng hậu nhất của đội bóng phố Núi từ trước đến nay. Số lượng thâm chí còn hơn cả thời điểm cao nhất mà HLV Miura triệu tập.

Và cùng với sự góp mặt của những cầu thủ từng góp mặt trong đội hình U19 từng tạo ra cơn sốt 2014 là: Quang Hải (Hà Nội), Tiến Dũng (Viettel), Phan Văn Long (Đà Nẵng), có thể hình dung ra một bộ khung mang đậm chất “U19+”. Đó là cơ sở để người hâm mộ kỳ vọng vào một ĐT U23 hoa mỹ được kết hợp với triết lý bóng đá của HLV Park Hang-seo là thiên về kỹ thuật và kiểm soát.

Rõ ràng đây là một đội tuyển U23 rất đáng để chờ đợi. Thế nhưng, tất cả sẽ chỉ có thể được đánh giá dựa trên kết quả cụ thể. Hy vọng, với sự xuất hiện của thầy Hàn,  sự trở lại của chất “U19+” và lượng quân đông đảo của HAGL, bầu Đức và người hâm mộ Việt Nam sẽ được mãn nguyện.

Giải giao hữu quốc tế M-150 Cup 2017 diễn ra từ ngày đến 15-12 tại Buriram (Thái Lan) quy tụ 6 đội bóng là: chủ nhà U23 Thái Lan, U23 Nhật Bản, U23 Triều Tiên, U23 Việt Nam, U23 Myanmar và U23 Uzbekistan. 

Theo đó, 6 đội bóng sẽ thi đấu vòng tròn một lượt tại mỗi bảng tính điểm xếp hạng. Hai đội nhất bảng sẽ giành quyền vào chung kết tranh ngôi vô địch, hai đội đứng thứ 2 tại mỗi bảng sẽ gặp nhau tranh vị trí thứ 3. 

Sau khi kết thúc giải, ĐT U23 Việt Nam sẽ trở về nước và tập luyện trở lại vào ngày 18-12 để chuẩn bị cho trận giao hữu quốc tế gặp CLB Ulsan Hyundai (xếp thứ 4 tại K.League Classic 2017), diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21-12. Đây là trận đấu được HLV Park Hang-seo đánh giá là tập dượt cần thiết của U23 Việt Nam cho trận đấu với U23 Hàn Quốc tại VCK U23 châu Á 2018. 

Tiếp đó, dự kiến ngày 28 hoặc 29-12, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ có thêm 1 trận giao hữu quốc tế nữa với đối tượng là một đội bóng có chất lượng và lối chơi tương tự như U23 Australia – đối thủ cùng bảng D với U23 Việt Nam trước khi lên đường sang Trung Quốc vào đầu tháng 1-2018 để tập huấn trước thềm VCK U23 châu Á 2018.

L.T.

Hưng Hà
.
.
.