Luật hoá kinh doanh ô tô: Thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh

Thứ Bảy, 17/06/2017, 18:02
Người tiêu dùng bị hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm, nhiều doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và xe nhập cũ cạnh tranh sòng phẳng với xe nhập chính hãng… là những hình ảnh đang thể hiện sự bất cập ở mảng thị trường ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam.


Từ một “cái chợ” thiếu kiểm soát, thị trường ô tô Việt Nam đặc biệt ở mảng kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc, đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi thông tư 20 quy định về điều kiện ô tô nhập khẩu dưới 10 chỗ ngồi (Thông tư số 20/2011/TT-BCT) được Bộ Công thương ban hành, ra đời vào giữa năm 2011.

Từ hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu, thị trường ô tô bước sang một giai đoạn mới, với một bên là “sân chơi” của các doanh nghiệp có giấy uỷ quyền của nhà nhập khẩu, còn bên kia là những doanh nghiệp sót lại sau khi rào cản Thông tư 20 dựng lên. Kể từ đó, khái niệm xe nhập khẩu chính hãng và không chính hãng bắt đầu xuất hiện và tồn tại cho đến thời điểm hiện tại.

Không thể phủ nhận, Thông tư 20 đã sàng lọc và làm chỗ dựa cho những doanh nghiệp đủ năng lực và đầu tư nghiêm túc có thêm thời gian để phát triển. Bên cạnh đó, hiệu quả thu được từ hai tiêu chí hạn chế nhập siêu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của với Thông tư 20 đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ. 

Trong khi đó, quy định ràng buộc điều kiện kinh doanh trong Thông tư 20 lại vô tình làm mất đi cơ hội của một số doanh nghiệp đủ năng lực kinh doanh xe nhập khẩu nhưng chưa đủ tiềm lực để tham gia vào mảng sản xuất lắp ráp.

Ngoài ra, “giấy phép con” này còn được ví như “lá bùa” ngăn chặn các thương nhân khác có hơi hướng tiếp cận với thương hiệu mà doanh nghiệp đang sở hữu. Chính bởi vậy, thị trường ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam gần như không tồn tại quy luật cạnh tranh cùng thương hiệu, người tiêu dùng bị phụ thuộc vào năng lực và sự điều tiết sản phẩm của doanh nghiệp, thay vì được tự do lựa chọn theo nhu cầu, bởi không còn sự lựa chọn nào khác.

Hưởng nhiều ưu đãi và thu được nguồn lợi khổng lồ từ hoạt động nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc, nhưng thay vì thể hiện trách nhiệm với xã hội, không ít doanh nghiệp còn bị chứng minh đã lừa dối, làm tổn hại cho người tiêu dùng và gây thất thu ngân sách Nhà nước với số tổng số tiền lên đến gần 1.000 tỷ đồng.

Song hành trên thị trường với số lượng hạn chế, một vài doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng vẫn tìm mọi cách lách Thông tư 20 để tồn tại trong suốt 5 năm vừa qua. Theo quy định, những doanh nghiệp không có giấy uỷ quyền của nhà nhập khẩu sẽ không được phép đưa xe mới vào Việt Nam, nên mặt hàng mà các doanh nghiệp kinh doanh xe không chính hãng cung cấp đều phải “đóng nhãn” xe đã qua sử dụng.  

Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất đã trao quyền phân phối cho một doanh nghiệp tại Việt Nam kèm những cam kết hỗ trợ cụ thể, cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng. Chính bởi vậy, nguồn hàng mà những doanh nghiệp này đưa về Việt Nam thường từ một nước thứ 3, nên tiêu chuẩn sản phẩm và trang bị đi kèm có nhiều khác biệt so với xe được các doanh nghiệp xe chính hãng đặt hàng riêng cho thị trường Việt Nam. 

Sau khi biến xe mới thành cũ để đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam (sử dụng tối thiểu 6 tháng hoặc thuê người chạy xe đủ 10.000 km), những chiếc xe này còn phải chịu mức thuế đối áp với xe đã qua sử dụng, khiến tổng tiền thuế cao hơn so với xe mới cùng chủng loại.

Mặc dù phải đi đường vòng và chịu thuế cao, nhưng không vì thế mà những chiếc xe này mất đi tính cạnh tranh với xe chính hãng. Ngược lại, nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này luôn cao hơn khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, dù chủng loại xe bị hạn chế.

Ở thời điểm hiện tại, ô tô chắc chắn trở thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện và được luật hoá bằng Nghị định. Môi trường đầu tư và kinh doanh mặt hàng ô tô sẽ phải tuân theo những quy định mới. Tuy nhiên, chỉ khi xoá bỏ được những bất cập đã thể hiện từ Thông tư 20 và Nghị định thể hiện được vai trò hỗ trợ cho sản xuất, kiểm soát nhập khẩu,… thì mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh và giảm sự chi phối từ các nhà sản xuất nước ngoài,… mới có cơ sở thực hiện và thị trường xe nhập sẽ không còn méo mó như hiện tại.

Phúc Lâm
.
.
.