Khánh thành nhà máy xe bus hiện đại nhất Đông Nam Á tại Quảng Nam

Thứ Sáu, 08/12/2017, 11:08
Sáng 8-12, tại Chu Lai (Quảng Nam), Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco – nhà máy có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ ngành và Quảng Nam.

Theo ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco): Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9-2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm.

Nhà máy được đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, trong đó đáng chú ý là dây chuyền sơn tĩnh điện có thể nhúng toàn bộ thân vỏ xe có chiều dài 13,7 mét, gồm 10 bể, được vận hành tự động. Đây là dây chuyền sơn tĩnh điện duy nhất tại Đông Nam Á và là 1 trong 22 dây chuyền sơn tĩnh điện đang có trên thế giới tính đến thời điểm này. 

Nhà máy cũng có dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các “robot tự hành”. Đặc biệt, đường thử xe với chiều dài 2,4 km mô phỏng đầy đủ các địa hình như thực tế bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra chất lượng của xe trước khi xuất xưởng.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) với nhiều trang thiết bị và phần mềm thiết kế hiện đại cùng đội ngũ kỹ sư giỏi và chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có thể nghiên cứu thiết kế các sản phẩm với đầy đủ các chủng loại xe từ trung cao cấp đến cao cấp và theo mục đích sử dụng với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

Nhà máy có quy mô đầu tư 7.000 tỷ đồng, được Thaco hoàn thành trong hơn 1 năm

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao đóng góp của Trường Hải trong ngân sách của Quảng Nam – biến tỉnh từ phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Quảng Nam hiện là một trong số các địa phương có đóng góp cho ngân sách Trung ương. “Đặc biệt, tôi biểu dương Công ty Ô tô Trường Hải đã tiên phong để tạo ra những sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu những hạn chế của công nghiệp ô tô Việt Nam: Chưa tự thiết kế, sản xuất được những mẫu xe phù hợp với điều kiện giao thông, nhu cầu sử dụng của người Việt; mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hoá 60% đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đã không thực hiện được; giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực; Các doanh nghiệp trong ngành mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp...

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng đề nghị 3 điểm: DN Việt Nam cần tập trung để tạo ra thương hiệu ô Việt Nam có chất lượng, với giá hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực; tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị; Thaco tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp để tạo thêm nhiều sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

Thaco cùng với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô trong nước phải là những động lực chính để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm ô tô Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong buổi lễ này, Thaco cũng tổ chức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các nước: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.

Vũ Hân
.
.
.