Đối thoại là biện pháp hữu hiệu cho Bán đảo Triều Tiên

Thứ Sáu, 30/03/2018, 09:24
Trong những ngày gần đây, Bán đảo Triều Tiên liên tục nhận những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên liên quan. Điều này là minh chứng cho thấy, thúc đẩy đối thoại đã, đang và sẽ là biện pháp hữu hiệu mở đường cho một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.


Trong khuôn khổ cuộc đối thoại liên Triều được tổ chức vào ngày 29-3 tại làng đình chiến Panmunjom, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4 tới. 

Cụ thể, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Nhà Hòa bình ở phía Nam làng đình chiến Panmunjom. Ngoài ra, cả hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc tiếp xúc cấp cao vào ngày 4-4 tới nhằm thảo luận về nghi thức ngoại giao và an ninh liên quan tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Nếu cuộc gặp này diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây là lần thứ 3 hai bên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kể từ khi ký Hiệp định đình chiến năm 1953 tới nay. 

Trước đó, sự kiện này đã diễn ra hai lần vào các năm 2000 và 2007. Cùng với đó, CHDCND Triều Tiên đang cân nhắc khả năng tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với lãnh đạo các nước tham gia đàm phán 6 bên. Trong đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra vào tháng 6 tới. 

Nhật Bản đã thăm dò ý định của Chính phủ CHDCND Triều Tiên về một hội nghị thượng đỉnh song phương và vấn đề đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp gần đây của Đảng Lao động Triều Tiên. Nếu Hội nghị này diễn ra, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Nhật Bản đầu tiên kể từ tháng 12-2011. 

Trước đó, chính quyền CHDCND Triều Tiên cũng đã giải thích kế hoạch ngoại giao song phương của Bình Nhưỡng với cả Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. 

Về phía Nhật Bản, Tokyo từng bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc họp lãnh đạo, thông qua Hiệp hội các cư dân Hàn Quốc tại Nhật Bản hoặc Tổng hội Liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản (Chongryon).

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: abc.net.au

Thông tin đưa ra trong bối cảnh, Bán đảo Triều Tiên những ngày qua liên tục nhận những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên liên quan, từ khả năng một cuộc gặp cấp cao liên Triều vào tháng 4 tới đến cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều dự kiến vào tháng 5 hay mới đây nhất là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc và đã thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. 

Tại cuộc gặp này, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng tiến hành hội đàm với Mỹ và phi hạt nhân hóa Triều Tiên với điều kiện Hàn Quốc và Mỹ áp dụng các biện pháp đồng bộ và tiến bộ để đạt được hòa bình. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc cũng đánh giá cao chuyến thăm và khẳng định động thái này chứng tỏ Bình Nhưỡng coi trọng quan hệ với Bắc Kinh. 

Chủ tịch Trung Quốc cũng nhận lời mời của Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp này, miêu tả đây là sự phát triển đáng kể, sẽ giúp phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. 

Seoul nhấn mạnh, việc ông Kim Jong-un tại cuộc gặp này bày tỏ rõ ràng rằng ông sẵn sàng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Triều - Mỹ là điều “rất ý nghĩa”. 

Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Triều cũng cho thấy Trung Quốc tham gia các nỗ lực loại bỏ những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc hy vọng việc Trung Quốc tham gia đối thoại vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, thể hiện qua cuộc gặp thượng đỉnh nói trên, sẽ giúp ổn định tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Không chỉ Hàn Quốc, Mỹ và Nga cũng có những đánh giá tích cực về cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Triều. Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ: “Trong nhiều năm và qua nhiều đời chính quyền, mọi người đều cho rằng hòa bình và việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, giờ đã có cơ hội tốt để Nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm điều đúng đắn cho người dân nước này và nhân loại”. 

Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời cho biết đã nhận được thông điệp từ Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã diễn ra tốt đẹp, và ông Kim Jong-un cũng hướng tới cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt và áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng sẽ vẫn được duy trì. 

Bày tỏ hoan nghênh cuộc hội đàm giữa ông Kim Jong-un với Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh, cũng như nỗ lực tích cực để “thúc đẩy giải quyết tổng thể vấn đề của khu vực chỉ bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan”. 

Đề cập khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, thời điểm này người đứng đầu Điện Kremlin chưa có kế hoạch nào cho một cuộc gặp như vậy.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.