Fed tăng lãi suất 0,25%: Tỷ giá USD/Việt Nam đồng đối mặt áp lực tăng

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:36
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã chính thức tăng lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0% lên thêm 0,25%. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% đến 0,5%.

Phân tích ý nghĩa của việc Fed nâng lãi suất, chuyên gia ngân hàng - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc tăng lãi suất đồng USD của Mỹ đã dự báo từ lâu, thị trường đã chiết khấu nó.

“Sau nhiều lần chờ đợi, gần đây, thị trường lại chuyển sang hướng khác: Fed tăng lãi suất mới đúng. Nếu Fed không tăng, thị trường sẽ thất vọng. Hành động của Fed chứng tỏ Fed đánh giá tăng trưởng kinh tế Mỹ, giảm thất nghiệp của Mỹ, phục hồi lại các thị trường tài sản của Mỹ là đúng chứ không phải là ảo, điều đó cực quan trọng. Nếu Fed chần chừ giới đầu tư sẽ lo ngại thị trường chưa ổn. Thứ hai, trong phiên họp trước, người đứng đầu Fed đã lên tiếng việc Fed điều chỉnh lãi suất hay không còn xem thái độ của Trung Quốc và đặc biệt là thái độ với phục hồi kinh tế Trung Quốc như thế nào.

Tỷ giá USD/VNĐ ngày 17-12 tiếp tục neo sát trần.

Giờ đây, khi Fed điều chỉnh lãi suất khiến người ta yên tâm hơn về chính sách tiền tệ của Trung Quốc và khả năng phục hồi kinh tế của nước này, không để rơi xuống như Nhật Bản cách đây 2-3 năm, từ 9-10% xuống còn 0%. Đó là đánh giá của Fed về thể trạng kinh tế của Trung Quốc và khả năng duy trì tăng trưởng của Trung Quốc là tốt. Thứ ba, qua đó Fed đưa ra thông điệp: kinh tế thế giới dù khó khăn nhưng sẽ phục hồi, nhất là kinh tế của châu Âu, Nhật Bản vốn đang có rất nhiều vấn đề, nhưng cũng khẳng định là khả năng phục hồi khá vững chắc”, ông Nghĩa phân tích.

Với riêng thị trường Việt Nam, thực tế, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính toán điều chỉnh tỷ giá cũng như lãi suất, thì đã cân nhắc Fed sẽ điều chỉnh tỷ giá và sẽ điều chỉnh ít. Chính vì vậy, NHNN cũng như thị trường không có bất ngờ nào về việc này. Thậm chí, nhiều người còn thở phào vì cuối cùng cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới cũng khẳng định kinh tế Mỹ và kinh tế các nước phát triển có khả năng phục hồi lại. Còn sở dĩ mấy ngày gần đây, tỷ giá USD/VNĐ tăng kịch trần, theo TS Lê Xuân Nghĩa nó phản ánh nhiều thứ: Thứ nhất, thanh khoản ngoại tệ cuối năm rất lớn. Thứ hai, có thể tác động từ chương trình chống đô la hóa của Chính phủ. Thứ ba, không loại trừ tác động Fed điều chỉnh lãi suất, nhưng biến động 50 -30 đồng với tỷ giá là không lớn.

Đồng quan điểm về những lý do khiến USD tăng mạnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc Fed tăng lãi suất lên 0,25% cơ bản sẽ có tác động lên bốn lĩnh vực tại Việt Nam. Thứ nhất, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như năm 2016. NHNN đã khẳng định quyết tâm giữ tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa, và khi đó, các nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, nhất là các nước có mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Tác động thứ hai, theo TS Lực, là nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta liên quan nhiều đến đồng USD. Dĩ nhiên, khi lãi suất đồng USD tăng có thể sẽ khiến lãi suất hoặc tỷ giá một số đồng tiền khác (ví dụ Euro) giảm, do đó tác động chung về nợ nước ngoài sẽ không lớn, song lãi suất USD tăng sẽ khiến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cũng như vậy, nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, làm chi phí vốn vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn.

Tác động thứ ba là dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Năm vừa qua, lường trước khả năng tăng lãi suất của Fed, dòng vốn đầu tư đã có dấu hiệu chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tác động thứ tư, mới đây, đồng nhân dân tệ đã được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Do đó, việc Fed tăng lãi suất cùng với sự kiện trên sẽ làm cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc năm tới sẽ rất linh hoạt, đòi hỏi NHNN phải bám sát động thái thị trường thế giới, nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, Trung Quốc để có những điều chỉnh kịp thời.

“Quan hệ cung cầu ngoại tệ hiện nay cơ bản ổn định, cầu ngoại tệ có tăng lên vào dịp cuối năm nhưng cung ngoại tệ dồi dào nên tỷ giá hoàn toàn có khả năng ổn định đến vài tháng đầu năm sau. Nhưng như tôi đã nói, năm 2016, áp lực với tỷ giá rõ ràng là rất lớn và NHNN cần theo dõi sát thị trường, cần điều chỉnh linh hoạt.

Tỷ giá USD/VNĐ tăng do tâm lý

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trước hiện tượng “dâng sóng” bất thường của USD trong thời gian qua, đặc biệt là 2 ngày trước quyết định của Fed, USD đã lên kịch trần. Qua tổng hợp, nghiên cứu đánh giá thông tin của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đại diện NHNN nhận định: “Thứ nhất là việc tỷ giá tăng chủ yếu do diễn biến tâm lý, bởi xét yếu tố cung cầu trong mấy ngày vừa qua rõ ràng trên thị trường nhu cầu mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến.

Thực tế, mặc dù tỷ giá tăng lên kịch trần nhưng nhu cầu của doanh nghiệp và nguời dân đối với ngoại tệ vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời, đầy đủ”, bà Hồng khẳng định và thông tin thêm: “Sáng nay (17-12) khi Fed công bố tăng lãi suất, thị trường ít giao dịch. Chúng tôi cập nhật liên tục cho thấy tỷ giá có tín hiệu giảm liên tục, các giao dịch mua bán lại diễn ra. Điều này cho thấy diễn biến tỷ giá chịu tác động của yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó, tháng 10 và tháng 11 chúng ta xuất siêu, trong khi đó, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, ngoài ra còn có lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về. Qua đó cho thấy, cung cầu ngoại tệ trong thời gian vừa qua không có đột biến”.

Tái khẳng định liên quan tới vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Diễn biến thị trường trong những ngày gần đây là do yếu tố tâm lý, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Còn giải pháp điều hành của NHNN là sẽ thực hiện các biện pháp, công cụ cần thiết để ổn định thị trường tỷ giá và ngoại hối”. (Hà An)

Lệ Thúy
.
.
.