Lãi suất USD 0%: Người gửi tiết kiệm VNĐ yên tâm 'kê cao gối'

Thứ Ba, 29/09/2015, 10:09
Bắt đầu từ ngày 28/9, tất cả các ngân hàng sẽ không được trả lãi suất cho các tổ chức gửi tiền USD. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp để USD càng lâu trong ngân hàng, càng lãng phí.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định: mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Như vậy, NHNN đã chính thức quy định không trả lãi cho tiền gửi USD của các tổ chức, thay vì mức trần 0,25%/năm áp dụng trong thời gian qua. Với tiền gửi USD của các cá nhân, mức trần mới chỉ còn 0,25%/năm thay vì 0,75%/năm. NHNN lý giải, quyết định trên là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015 và trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trước quyết định này của NHNN, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý đã dùng đến biện pháp gần như cuối cùng về phía lãi suất USD tại Việt Nam để trực tiếp nới chênh lệch với lãi suất VND theo hướng có lợi hơn cho đồng nội tệ, qua đó tác động đến tỷ giá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngại việc lãi suất USD hạ sẽ khiến cho tình trạng găm giữ ngoại tệ tăng lên, vì nhiều người sẽ “ngại” gửi vào ngân hàng, khi phải chịu thủ tục phiền hà mà không đi kèm với quyền lợi. Một chiều hướng khác, theo các chuyên gia, với mức lãi suất bằng 0%, xu hướng gửi ngoại tệ của các doanh nghiệp có thể giảm. 

Thay vào đó, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang gửi tiền đồng với mức lãi suất cao hơn (5,5%). Điều này cũng có thể giúp ngân hàng tăng huy động vốn bằng VNĐ, giảm áp lực với nguồn vốn huy động trong khi vốn cho vay đang được đẩy mạnh, nhất là vào dịp cuối năm. Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động cho thấy áp lực về nguồn vốn đầu vào.

Lãi suất USD giảm, gửi tiết kiệm bằng VND đồng càng có lợi.

Trong báo cáo phát đi sáng 28/9, Ngân hàng ANZ cho rằng động thái điều chỉnh lãi suất đồng USD của NHNN là nhắm thực hiện chính sách chống đô la hóa, ngăn chặn việc tích trữ ngoại tệ.  ANZ cũng kỳ vọng, Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn nữa vào năm 2016.

Trao đổi với báo chí, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng quyết định trên của NHNN là hoàn toàn hợp lý về thời điểm, và cần được đặt trong cả một quá trình, cũng như đích đến của chính sách chống đô la hóa trong nền kinh tế. Đây là chủ trương mà Việt Nam đã theo đuổi chục năm qua, với mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng tiền Việt Nam, sâu xa hơn nữa là từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND.

Ông Phước cho rằng không nên lo các tổ chức, doanh nghiệp rút tiền gửi ngoại tệ mà ảnh hưởng đến thanh khoản, vì họ sẽ tính toán lợi ích để chuyển đổi: ngoại tệ vẫn nằm ở ngân hàng, thì khi doanh nghiệp chuyển đổi, nó vẫn là một khoản mục nằm trong cơ cấu vốn của ngân hàng.

Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới hai mục đích: thực hiện lộ trình chống đô la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD. Thứ hai, giảm một phần áp lực tỷ giá, nếu có. Việc giảm lãi suất huy động USD của NHNN  không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ như suy đoán của một số người, bởi mức giảm lãi suất huy động USD không nhiều (giảm từ 0,25% xuống còn 0%).

Bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ chỉ chiếm chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi, cho nên hạ lãi suất USD cũng không tác động nhiều đến tín dụng chung của cả hệ thống. Việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% cũng không tác động nhiều đến lượng cung USD trên thị trường. Bởi dù lãi suất USD giảm còn 0% nhưng các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá.

Nhìn nhận từ phía người gửi tiền, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương phân tích: thời gian vừa qua, trước áp lực có thể bị mất giá của tiền đồng, thị trường đã bắt đầu có hiện tượng găm giữ hay dịch chuyển từ VND sang USD. Vì vậy, chính sách này sẽ nỗ lực làm giảm dịch chuyển nói trên, bởi, về nguyên tắc, khi lãi suất USD giảm, ít nhất là ở thị trường Việt Nam, thì áp lực lên tỷ giá sẽ bớt đi, vì nó sẽ khiến cho người dân và doanh nghiệp cảm thấy rằng cầm tiền Việt sẽ có lợi hơn. Đây cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Ông Hiếu cho rằng kể cả khi lãi suất USD chưa hạ, thì với mức chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, đặc biệt là mức lạm phát rất thấp cũng đã giúp người có tiền nhàn rỗi bằng VNĐ có lãi suất thực dương- thậm chí vẫn có lợi nhất trong các kênh đầu tư truyền thống. Đến bây giờ, khi lãi suất USD tiếp tục hạ- thêm một lý do để người gửi VNĐ có thể “kê cao gối” ngủ mà không phải lo lắng gì.

Sáng 28/9, các ngân hàng thương mại đồng loạt giữ nguyên mức niêm yết mua – bán USD so với cuối tuần trước, giá bán nằm trong khoảng 22.505 – 22.520 đồng.

Lệ Thúy
.
.
.