Thị trường ôtô sẽ ra sao sau khi bãi bỏ Thông tư 20?

Thứ Năm, 01/09/2016, 09:59
Sau một thời gian dài tranh cãi, tại cuộc họp với các thành viên Chính phủ hôm 31-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo bỏ Thông tư 20 quy định về nhập khẩu ôtô.


Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với một sự “cởi trói” hoàn toàn cho các DN nhập khẩu ôtô, bởi Thủ tướng đã chỉ đạo có biện pháp thay thế để quản lý ngành này, bảo vệ sản xuất trong nước.

Ra đời từ năm 2011 với yêu cầu các DN muốn nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ phải có ủy quyền chính hãng, Thông tư 20 đã góp phần “dọn dẹp” từ hơn 200 nhà nhập khẩu xe xuống còn vỏn vẹn 20 nhà nhập khẩu. 

Nhiều chuyên gia kinh tế, thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng Thông tư này đã tạo ra độc quyền cho một số hãng xe khiến người tiêu dùng mất quyền lựa chọn và đẩy giá xe trong nước lên cao.

Cuộc tranh luận xung quanh thông tư này một lần nữa rộ lên vào thời điểm 1-7-2016, khi theo Luật Đầu tư mới, các thông tư về điều kiện kinh doanh sẽ tự động hết hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ Công Thương, cơ quan ban hành Thông tư 20 bảo lưu quan điểm đây không phải là điều kiện kinh doanh mà quy định về thủ tục thông thường.

Tại buổi họp ngày 31-8, Thủ tướng đã chính thức nêu quan điểm “Thông tư 20 cũng có những mặt không tốt, nhưng có mặt cũng phải ràng buộc để xử lý vấn đề”. Thủ tướng nhấn mạnh phải xem xét 2 mặt để tăng cường quản lý, “mở ra không gian mới cho phát triển, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải quản lý được, đặc biệt phải tạo điều kiện cho sản xuất trong nước”. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh “biến đất nước thành nơi tiêu dùng hay đất nước sản xuất, mà ôtô không phải chỉ là ôtô mà là bộ mặt quốc gia. Theo luật chơi chúng ta đã biết trên thế giới, thu nhập trên trung bình như Việt Nam bắt đầu sử dụng ôtô rất lớn. Không thể biến đất nước chúng ta thành đất nước chỉ tiêu thụ ô tô toàn thế giới. Không thể tự do kinh doanh, 90 triệu dân này, 45 triệu hộ này, mỗi hộ gia đình một đăng ký kinh doanh nhập ôtô. Rồi còn vấn đề bảo dưỡng, bảo hành, đăng ký quản lý giá cả, chuyển giá… cho nên phải có cái gì đó để quản lý tốt hơn”.

Tại báo cáo ngày 18-8 gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã nêu quan điểm đồng ý bãi bỏ Thông tư 20, nhưng lại kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định “có tác dụng tương đương Thông tư 20”, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không giới hạn chỉ ở ôtô dưới 9 chỗ), bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam. 

Ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đưa ra dự thảo Thông tư mới về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là điều kiện bắt buộc, yêu cầu các DN nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đây cũng sẽ là một “cửa ải” khó vượt qua đối với các DN muốn tham gia thị trường này.

V. Hân
.
.
.