“Sáng tối” thương trường: Thận trọng với hóa chất

Thứ Bảy, 11/03/2017, 09:24
Chạy theo số lượng, không chịu đầu tư vào chất lượng; thiếu kiến thức về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), lạm dụng hóa chất cấm... đã khiến nhiều lô hàng xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị trả về trong thời gian gần đây. Hệ quả này là một trong những nguyên nhân dẫn đến kim ngạch XK bị giảm sút nghiêm trọng và XK trong thời gian tới cũng sẽ gặp không ít khó khăn...

Bộ NN&PTNT cho biết, XK gạo trong tháng 1-2017 giảm 32% về khối lượng và giảm 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện, lượng gạo tồn kho ở nhiều nước tăng cao dẫn đến việc dư thừa nguồn cung hàng hoá. Ngoài ra, các nước cũng đang có xu hướng tự túc lương thực, hạn chế NK, tăng tiêu thụ các loại lương thực khác ngoài gạo như ngô, lúa mì... và xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của các quốc gia vốn là bạn hàng NK gạo truyền thống của Việt Nam (như Trung Quốc, Philippines, Indonesia...) buộc chúng ta phải điều chỉnh chính sách.

Với thực tế đó, cơ hội cho ngành XK gạo trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm hơn nữa so với những đối thủ, cũng như cần có những định hướng về thị trường tốt hơn.

Nhận xét về gạo nội và gạo ngoại bán trong nước, anh Trần Văn Tình (42 tuổi, làm nghề thu mua lúa gạo ở Tiền Giang) cho hay: “Tôi thấy gạo ngoại giá đắt gấp 2-3 lần, thậm chí gấp nhiều lần giá gạo nội địa. Nhưng chẳng hiểu sao nhiều nơi vẫn thích và mua rất nhiều, mặc dù trong nghề này tôi biết chắc rằng chất lượng hay giá trị dinh dưỡng gạo Việt Nam không hề thua kém”. Đó cũng chính là trăn trở lớn của ngành về vấn đề xây dựng thương hiệu và marketing dành cho gạo Việt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thủy sản, gạo đã gặp không ít khó khăn tại thị trường xuất khẩu.

Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã xác định mục tiêu đến năm 2020, chúng ta chỉ sản xuất khoảng 41-43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK chỉ khoảng 4 triệu tấn gạo/năm. Nhưng sau đó, lượng gạo XK vẫn cứ tăng liên tục, mỗi năm khoảng 6-7 triệu tấn. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” chưa liên kết, hợp tác với nhau vẫn tồn tại. Trong khi đó, do không có thương hiệu nên gạo Việt khó lọt vào các thị trường khó tính.

Cũng với tư duy “ăn xổi ở thì”, trong năm 2016, đã có không ít lô gạo Việt Nam XK sang Mỹ đã bị trả về do dính một số hóa chất bị cấm ở thị trường Mỹ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có tới 95 container (hơn 1.700 tấn) gạo bị thị trường Mỹ từ chối NK. Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8-2016, có tổng cộng 16 DNXK gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container (gần 10.000 tấn gạo). Việc không đảm bảo ATTP cho gạo XK cũng là lý do XK trong năm 2016 giảm mạnh.

Thực trạng trên đã khiến các chuyên gia lo ngại, đã đến lúc cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo cho phù hợp với nhu cầu của thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT cho biết: Đến năm 2030, lúa gạo vẫn còn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam do điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho canh tác lúa nước cùng với cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm sản xuất đã được hình thành qua nhiều năm.

Tuy nhiên, do sự phát triển và tái cơ cấu của nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp của lúa gạo trong kinh tế nông nghiệp sẽ giảm dần do sự gia tăng của các ngành sản xuất có giá trị tăng thêm cao hơn và nhu cầu tiêu dùng gạo trên đầu người cũng giảm do thu nhập gia tăng. Vì vậy, ngành lúa gạo cần phát triển theo chiều sâu về chất lượng hơn là theo chiều rộng về số lượng trong sản xuất cũng như XK như thời gian qua.

Với ngành thủy sản, ngay từ tháng đầu tiên của năm 2017 đã “gặp nạn” ngay khi Chính phủ Úc ban hành lệnh cấm NK tôm và tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam (hiệu lực thi hành từ ngày 9-1-2017). Nguyên nhân là do Úc phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại bang Queensland. Tuy nhiên, ngày 6-2, lệnh cấm này đã bị dỡ bỏ do nguy cơ lây lan virus đốm trắng từ các sản phẩm này thấp hoặc không có nguy cơ gây nên lây lan.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, một số DN XK cho biết họ đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Điển hình là hai DN XNK thủy sản ở Cà Mau. Có DN đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc thì đã bị trả về. Riêng các lô hàng bị trả về, mỗi DN thiệt hại khoảng 1,6-1,8 triệu đôla. Đó là chưa kể DN bị thiệt hại do bị đối tác ngưng ký hợp đồng, trong khi mỗi tháng 2 DN này XK sang Úc 100-150 tấn hàng.

Cùng thời điểm này, mặt hàng cá tra cũng đã bị “bôi bẩn” tại thị trường nước ngoài khiến một số khách hàng lớn trả hoặc ngưng NK. Trong thời đại công nghệ với sức lan tỏa của internet thì các thông tin tiêu cực đã được truyền đi với tốc độ và gây ảnh hưởng khủng khiếp hơn. Tuy nhiên, “bão” chưa đi qua thì tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu để sản xuất XK cũng đang khiến các DN đau đầu. Riêng tại thị trường Mỹ, theo thông tin công bố của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính thì trong tháng 1-2017 XK thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ giảm tới 30 triệu USD.

Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đều có chung nhận định: Sẽ có nhiều thách thức cho XK thủy sản của Việt Nam như: Rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại và các quy định kiểm soát chất lượng của thị trường NK; sức cạnh tranh của sản phẩm và đặc biệt là việc thiếu nguyên liệu để sản xuất hàng XK là vấn đề khiến nhiều DN lo ngại nhất trong năm 2017.
Nhóm PV
.
.
.