“Sáng tối” thương trường: Cần thoát “bẫy” gia công

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:18
Ảnh hưởng nghiêm trọng tại thị trường EU, Hoa Kỳ và xu hướng các nước nhập khẩu (NK) dựng hàng rào thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước là những khó khăn đầu tiên của DN xuất khẩu (XK) trong năm 2017. Ngoài ra, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, không đủ năng lực tài chính để đầu tư máy móc công nghệ... là những bước cản đối với phần lớn các DN dệt may, da giày.

Nhiều năm liền, ngành da giày Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 15% - 18%. Từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các FTA với EU, Hàn Quốc,… lộ trình đến năm 2018 sẽ thực hiện việc xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 17% - 45% về 0%, sẽ giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu (XK). Mặc dù có nhiều cơ hội trong tương lai, nhưng trước mắt DN ngành da giày vẫn chịu áp lực lớn bởi rào cản thương mại tại thị trường nhập khẩu (NK).

Đại diện Công ty Sản xuất giày Vinh Thông (KCN Tân Bình - TP Hồ Chí Minh) cho biết, thị trường XK chính của DN là EU, Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Kết thúc năm 2016, mặc dù công ty đã hoàn thành kế hoạch 3,2 triệu sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD, nhưng đó cũng là năm DN đối mặt với không ít khó khăn. Thứ nhất, đó là sự cạnh tranh về giá giữa các DN trong nước và DN các nước lân cận. Kế đến, yếu tố rào cản kỹ thuật của các nhà NK EU đặt ra cho các DN Việt Nam ngày càng cao.

Cụ thể, đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn nguyên liệu “sạch” với hàm lượng hóa chất cho phép ở mức rất thấp. Điều này đã làm tăng đáng kể chi phí đầu vào của DN, tăng các khoản chi phí kiểm tra hóa chất đối với nguyên liệu trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt.

Những khó khăn của các DN da giày đang đối mặt cũng chính là “bài toán” đau đầu đối với các DN ngành dệt may. Nhận định về tình hình XK trong năm 2017, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, ngành Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các thách thức hiện tại. Cụ thể, trong khối EU thì Anh là nước NK hàng dệt may lớn nhất Việt Nam. Còn Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì tâm lý bạn hàng ở nước này thay đổi, đặt hàng ở những nước có lợi hơn về thuế như Campuchia, Bangladesh, Myanmar…

Ngành dệt may xuất khẩu sản lượng lớn, nhưng giá trị không cao do phần lớn DN gia công hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, tình hình cạnh tranh XK cũng ngày càng gay gắt, các quốc gia cạnh tranh XK sẽ tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. Trước thách thức này, theo Tổng Giám đốc Vinatex, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục chăm sóc tốt bạn hàng, đầu tư nhiều hơn nữa... để tạo ra những sản phẩm mới lạ, tìm kiếm những bạn hàng theo “ngách riêng”.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, kim ngạch XK hàng hóa cả nước đạt 175,9 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm trước, trong đó dệt may đạt 28,5 tỷ USD tăng 5,6% và da giày đạt 16,2 tỷ USD tăng 8,8% so năm trước. Mặc dù được xem là những ngành hàng XK mang giá trị kim ngạch về rất lớn, nhưng XK chủ yếu thuộc về các DN lớn, khu vực FDI, còn các DN trong nước phần lớn DN sản xuất có quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, thiếu bộ phận thiết kế mẫu mã và đặc biệt là thiếu nghiêm trọng nguyên liệu dùng để sản xuất hàng XK. Chính vì vậy phần lớn DN nội trong ngành dệt may chỉ làm gia công, lắp ráp, với giá trị gia tăng rất thấp. Ngoài ra, do DN nội lại tham gia quá thấp trong chuỗi cung ứng nên rất khó chủ động trong mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thế giới.

Tại hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam mới đây, GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda (Nhật Bản), cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được “bẫy” gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ. Đây là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI sẽ rất đáng ngại khi những lợi thế của nền kinh tế không còn, dòng vốn FDI có thể dịch chuyển sang nước khác. Điều này đang diễn ra với ngành dệt may khi đơn hàng XK dịch chuyển sang Campuchia, Bangladesh…

Muốn thoát khỏi cảnh gia công, nhiều DN cho rằng cần phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để cung cấp nguồn nguyên phụ liệu sạch đáp ứng nhu cầu XK.

Tại hội thảo “Từ kinh tế Mỹ đến Đông Nam Á, tiến – lùi cho hội nhập Việt Nam” vừa được tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch  Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) chia sẻ: DN phải tự mình, phải dựa vào sự hiểu biết và điều kiện của mình cũng như những tác động xung quanh của chính sách hiện tại để định hình và phát triển.

Hơn lúc nào hết, DN phải tự cứu mình, tự làm cho mình lớn lên hơn là chờ đợi. Ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ, không có ông Thái Lan vào Việt Nam thì cũng có ông Tây, không ông Tây thì cũng có ông nào đó vào, nên DN đừng nhìn vào đó nhiều quá mà choáng ngợp hoặc là DN không biết gì thì cũng không nên. Vì vậy, DN này liên kết, ngồi lại với nhau để tìm ra hướng giải quyết. Vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ DN”.

Nhóm PV
.
.
.