“Sáng tối” thương trường: Ít cơ hội, nhiều thách thức

Thứ Năm, 09/03/2017, 08:38
Trong nhiều năm qua, ngành dệt may, thủy sản, da giày, gạo... liên tục đứng trong “top” đầu các ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, với những biến động của tình hình kinh tế thế giới đã và đang diễn ra cũng như nội tại của doanh nghiệp (DN), dự báo trong năm 2017, XK của các ngành này còn hết sức khó khăn...

Ngay từ đầu năm 2017, một số DN rất phấn khởi vì đã ký được nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài. Điển hình, Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương) – chuyên sản xuất giày dép nữ thời trang XK 100% sang thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật, đến thời điểm này đã ký được đơn hàng đến hết tháng 9-2017 (tăng 10% so với đầu 2016).

Trong lĩnh vực dệt may, Công ty Đại Tây Dương (Bình Dương) đã ký đơn hàng đến hết tháng 6-2017 và dự kiến trong năm 2017, sẽ mở rộng sản xuất nhằm tăng thêm 20% số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công ty CP May Sài Gòn ngay trong 2 tháng đầu của năm 2017 đã xuất 2 đơn hàng có tổng trị giá gần 10 tỷ USD và thị trường XK chính là EU và Mỹ. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đặt mục tiêu kim ngạch XK trong năm 2017 sẽ tăng 11%...

Ngay từ đầu năm, ngành gạo cũng đón nhận tin vui khi Philippines mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Đồng thời, bản thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines.

Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan như trên không nhiều. Trong năm 2017, DN Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… lộ trình đến năm 2018 sẽ xóa bỏ hàng loạt mức thuế của nhiều ngành hàng, đưa mức thuế để trở về 0%, nhiều DN đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu những cơ hội do các FTA mang lại. Ngay từ những tháng đầu năm 2016, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, được tổ chức để trang bị kiến thức cho DN một cách chu đáo để chuẩn bị bước vào cuộc hội nhập mới, sâu rộng.

Biến động kinh tế tại EU và Mỹ, da giày XK là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất.

Tại hội nghị diễn ra cách nay một năm, ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại tại Hoa Kỳ thông tin đến cộng đồng DN những điều cần biết và lưu ý khi XK sang Hoa Kỳ: Trong 11 nước tham gia TPP có XK vào thị trường Hoa Kỳ thì Việt Nam đứng đầu với ngành dệt may và giày dép. Năm 2014, Việt Nam đóng thuế XK dệt may vào thị trường này 1,68 tỉ USD (chiếm 3/4 tổng số thuế Hoa Kỳ thu được từ tất cả các mặt hàng nhập khẩu (NK) từ Việt Nam).

Còn với giày dép, 99% sản phẩm (khoảng 2,5 tỷ đôi) là NK từ các nước. Tổng số thuế NK vào Hoa Kỳ của 11 nước tham gia Hiệp định TPP nộp là 449 triệu USD thì trong đó Việt Nam nộp đến 445 triệu USD (chiếm đến 99%). Số liệu trên cho thấy, dệt may và giày  dép của Việt Nam đã chiếm thị phần “khủng” tại thị trường Hoa Kỳ. Khi TPP có hiệu lực thì mức thuế của hai mặt hàng này ngay lập tức giảm về 0% trong năm đầu tiên (loại trừ hơn 10 dòng thuế giảm theo lộ trình), sẽ nâng thị phần giày dép của Việt Nam tại thị trường này từ 12% lên 22% vào 2019 (sẽ giảm 450 triệu USD thuế NK và sau 10 năm sẽ giảm 6 tỉ USD).

Đối với mặt hàng trái cây, Việt Nam chỉ mới lọt vào thị trường khó tính này vài loại như: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn... Vậy, muốn tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ, mỗi mặt hàng trái cây Việt Nam phải mất thời gian 5 - 7 năm để chuẩn bị. Hay trong lĩnh vực thực phẩm, ông Nhân lưu ý, DN cần lưu giữ hồ sơ các lô hàng, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu kiểm tra tại chỗ của Hoa Kỳ. Nếu DN từ chối việc kiểm tra thì chắc chắn sẽ không XK được vào nước này...

Điểm lại các mặt hàng Việt Nam XK sang Hoa Kỳ thì dệt may liên tục dẫn đầu bảng trong nhiều năm liền. Năm 2015, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 33,5 tỷ USD, thì trong đó dệt may đứng vị trí số 1 với giá trị XK 11 tỷ USD (tăng hơn 11% so với 2014), tiếp đến là các mặt hàng giày dép với giá trị trên 4 tỷ USD, đồ gỗ gần 2,7 tỷ USD...

Với những kết quả XK đạt được rất khả quan cùng với những thông tin từ các FTA mang lại, đặc biệt lúc đó Hiệp định TPP chuẩn bị được ký kết. Ngay từ đầu năm 2016, cộng đồng DN liên tục đón những tin vui với dự báo về một bức tranh có gam màu sáng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, bắt đầu xảy ra chuyện bất ngờ. Đó là sự kiện Anh tuyên bố rời khỏi EU (Brexit) và tiếp sau đó là việc Tổng thống Donald Trump ký quyết định Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Đây được xem là cú sốc lớn khiến nhiều DN Việt Nam XK chính vào các thị trường này chới với.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Năm 2017, XK sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các quốc gia nhập khẩu đang có xu hướng dựng lên các rào cản phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước “hậu” các FTA. Do đó, bên cạnh những giải pháp xúc tiến thương mại để tăng sản lượng XK, Bộ Công Thương sẽ theo sát diễn biến thị trường để làm tốt công tác dự báo, có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm gỡ khó và thúc đẩy XK bền vững ngay từ những tháng đầu 2017.

Riêng với thị trường EU, trong vòng 15 năm (từ năm 2000 – 2015), kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 10 lần. Trong đó, XK của Việt Nam vào EU tăng 11 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 30,8 tỷ USD). Ngoài XK các mặt hàng truyền thống, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng XK mới vào thị trường này. Gia nhập thị trường EU từ năm 2011 nhưng đến năm 2015, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã bật lên, đạt kim ngạch XK trên 9,7 tỷ USD (chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang EU).
Nhóm PV
.
.
.