Khó xử lí vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Thứ Năm, 27/04/2017, 09:06
Ngày 26-4, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) đã tổ chức tọa đàm "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong môi trường thương mại điện tử". Theo các diễn giả, vi phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử đang diễn biến phức tạp, trong khi việc xử lí gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Ngọc Lâm – Cục phó Cục SHTT cho biết, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam có quy mô khoảng 4 tỉ USD. Việc sử dụng smartphone tăng lên rất nhanh, hiện đang đạt tỉ lệ 70%. Tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử đạt trên 20%, dự đoán trong 5 năm tới thị trường này sẽ đạt 5 tỉ USD.

Các giao dịch trên mạng đối với hàng hoá ngày càng nhiều. Do đó, vi phạm quyền SHTT cũng phức tạp, tinh vi hơn. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng được bảo hộ... được rao bán công khai trên các trang web. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của Internet khiến cho các tên miền ngày càng có giá trị. Việc chiếm đoạt tên miền cũng vì thế mà phổ biến hơn.

Ông John Hill – Phó Đại sứ - Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định, việc bảo vệ quyền SHTT là bảo vệ cho sáng tạo và đảm bảo các điều kiện để sáng tạo phát triển. "Việc xem phim lậu trên mạng cũng giống hành vi ăn cắp VCD, DVD ở cửa hàng hoặc vào rạp xem phim mà không có vé. Trên thế giới, hàng triệu đô la bị mất đi chỉ vì xem phim lậu. Tại các nước ở Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), mọi người rất tôn trọng quyền SHTT. Đó là lí do những quốc gia này phát triển. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật cũng tương đối đảm bảo trong việc bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, việc thực thi ngày càng trở nên khó khăn, khi những kẻ ăn cắp có thể bán sản phẩm ăn cắp một cách dễ dàng trên mạng" – ông John Hill nói.

Vi phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng, tuy nhiên việc xử lí gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, lực lượng chức năng khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm; khó xác định giá trị hàng hoá xâm phạm... "Nhiều khi chúng tôi nhận được thông tin, đến địa điểm được quảng cáo trên mạng thì thấy "vườn không nhà trống".

Các cơ sở sản xuất hàng giả cũng thường xuyên thay đổi địa điểm. Xử lí vi phạm ở môi trường hữu hình đã khó, môi trường Internet còn khó hơn. Ở Mỹ phải mất 6 năm mới xử lí được vụ xâm phạm thương hiệu Viagra khi đối tượng xâm phạm ở Trung Quốc" – bà Quỳnh nói.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, chủ thể quyền SHTT cần tự bảo vệ mình. Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ thể cần thu thập, cung cấp chứng cứ xâm phạm cho các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan quản lí sẽ điều tra, kết luận về hành vi vi phạm.

Khánh Vy
.
.
.