Gỡ khó cho tín dụng tiêu dùng

Thứ Ba, 29/09/2015, 07:59
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng trung bình ấn tượng xấp xỉ 20%/ năm. Số liệu thống kê đến cuối năm 2014 về tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 225.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,2% tổng dư nợ của toàn hệ thống, tương đương xấp xỉ 6% GDP.

Giới chuyên môn lạc quan dự đoán với đà tăng trưởng này, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.

Đòn bẩy với nền kinh tế

Trước đây, dòng tiền cho vay tiêu dùng từng bị “khóa van” để hạn chế tăng trưởng vì được xếp vào nhóm cho vay phi sản xuất cùng với bất động sản, chứng khoán. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới “cởi trói” cho hoạt động này khi gỡ trần lãi suất và không xếp cho vay tiêu dùng vào nhóm phi sản xuất. Với dấu mốc này, cho vay tiêu dùng mới thực sự là một công cụ quan trọng làm tăng cầu hàng hóa, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trên thế giới, tín dụng tiêu dùng đã rất phát triển nhưng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tiềm năng. Có hai yếu tố quan trọng để kỳ vọng vào mảng thị trường này. 

Thứ nhất, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn và dự báo đạt tới 100 triệu dân vào năm 2025 là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng. 

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á đang có sức hút lớn dòng đầu tư nước ngoài.

Cho vay tiêu dùng đang tăng mạnh ở Việt Nam.

Có thể dẫn chứng một số liệu thống kê khác để chứng minh cho nhận định trên, đó là tỉ lệ cho vay tiêu dùng/GDP của Việt Nam ước tính đạt 6,4%, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỉ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3%, dư nợ cho vay tiêu dùng trên bình quân đầu người đạt xấp xỉ khoảng 1,5 triệu đồng/người. Cũng theo ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, cho vay tiêu dùng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội vì nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng của các ngân hàng thương mại, đồng thời góp phần hạn chế tín dụng đen trong xã hội.

Tuy nhiên, lãi suất cao đang là một trong những yếu tố khiến dư luận còn nghi ngại đối với các sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng cũng như các công ty tài chính. Vì dải lãi suất cho vay tiêu dùng (tín chấp) hiện nay khoảng từ 25% - 60% trong khi lãi suất cơ bản của NHNN đang duy trì ở mức 9%. 

Song nếu so sánh cặp lãi suất cho vay tiêu dùng/lãi suất cơ bản với các nước khác trên thế giới thì Việt Nam đang duy trì mức lãi suất khá tương đương. Cụ thể, lãi suất của Mỹ là 8%-36%/0,25%; EU là 15%-25%/0,25%; Trung Quốc là 10%-40%/6%... 

Sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng cao vì các khoản vay chủ yếu là quy mô nhỏ, thời hạn cho vay ngắn, phần lớn được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp và không có tài sản đảm bảo. Các khoản vay tiêu dùng được cung cấp bởi các công ty tài chính tiêu dùng không có chức năng huy động vốn từ dân cư, phải vay lại từ các tổ chức khác, do đó chi phí hình thành và chi phí khoản vay thường cao, mức độ rủi ro cũng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ cần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút được khách hàng tốt hơn. 

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng cũng là vấn đề cần tính đến để tránh những tranh chấp phát sinh khi khách hàng không tìm hiểu kỹ điều kiện vay vốn, ý thức trả nợ kém, tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội về tín dụng tiêu dùng.

Ngọc Hoa
.
.
.