Cá tra Việt Nam đang có mặt ở 140 nước trên thế giới

Thứ Năm, 22/12/2016, 08:02
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị “Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững ngành nghề này” diễn ra tại tỉnh An Giang vừa qua, năm 2016 tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn, rào cản kỹ thuật của nhiều nước trên thế giới, giá cả thất thường không ổn định… 


Trở ngại là vậy, nhưng ngành cá tra đã vượt qua thách thức để tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, diện tích thả nuôi cá tra cả năm ở các tỉnh ĐBSCL hơn 5.000ha, sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn (tăng 9% so với 2015); giá trị xuất khẩu năm 2016 ước đạt 1,67 tỷ USD (tăng 6,6% so với năm 2015). Mặc dù hiện nay số lượng giống thả nuôi giảm 11,1%, nhưng sản lượng tăng 8,9%. 

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới (tăng 4 thị trường so với năm 2015). Tuy vậy, nhìn chung tình hình giá cá tra trong năm 2016 có sự giảm mạnh. Cụ thể, giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao dao động từ 18.000 - 23.000đ/kg (giảm 3.000-4.000đ/kg so với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm giá cá dao động từ 19.500 – 20.000đ/kg (người nuôi lỗ 1.500-2.000đ/kg).

Đến nay giá cá khoảng 21.300 - 22.000đ/kg (tùy vào chất lượng và phương thức thanh toán) người nuôi cá đang có lãi. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu vẫn đang phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tạo liên kết bền vững, từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y thủy sản đảm bảo cho sản phẩm sạch. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để có được giá đầu vào rẻ. Năm 2016, toàn vùng ĐBSCL có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra, 1.856 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500ha, sản lượng cá bột sản xuất ước đạt khoảng 16,5 tỷ con, tập trung tại các địa phương trọng điểm về sản xuất giống như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long...

Thu hoạch cá tra nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang nhận định, giống cá tra ở ĐBSCL chưa được quản lý chặt chẽ. Giống cần phải chọn lọc, cần liên kết giữa các trung tâm nhân giống tốt đạt chất lượng cao để chuyển giao cho người dân sản xuất. Về nguồn vốn đầu tư, nên trích phần trăm từ giá trị xuất khẩu, chuyện này An Giang sẽ đăng cai làm thí điểm để đầu tư nhân giống cá tra.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: “Khó khăn của ngành Cá tra Việt Nam hiện nay là chất lượng giống bị thoái hóa, ảnh hưởng đến sản lượng. Chính sách còn kém, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, xuất khẩu cạnh tranh chưa lành mạnh. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ cá tra Việt Nam mạnh nhưng còn tiềm ẩn rủi ro cao. Tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng vào các tỉnh cũng làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi như Bến Tre, Tiền Giang và Hậu Giang”…

Còn ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nam Việt (An Giang), cho biết: “Để thị trường ngành cá tra lớn mạnh, thì giống nuôi là yếu tố hàng đầu để cho ra sản phẩm chất lượng. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang thực hiện 3 mô hình: đầu tư thức ăn cho hộ nuôi rồi thu mua lại cá, bán thức ăn cho dân, tự mua cá về sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường nội địa và nước ngoài”.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra phải thay đổi cách thức và phương thức kinh doanh, phải xây dựng được các sản phẩm tốt nhất, sạch nhất, giá cả hợp lý nhất…

Đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam cần phải bắt tay với nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác với nhau cùng với Nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam, tạo ra ưu thế về sản xuất cá tra, để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị thường và không bị chi phối bởi giá cả.

Mặt khác, người nuôi cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của vùng nuôi theo hướng bền vững gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã, hướng đến quy trình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGap, GobalGap... thì ngành nghề cá tra Việt Nam mới phát triển bền vững được.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Cần tập trung xây dựng và triển khai khoa học kĩ thuật vào từng quy trình về con giống. Phối hợp viện, trường và doanh nghiệp cho ra cá tra bố mẹ chất lượng cao; xây dựng các quy trình chuẩn để các địa phương áp dụng nhằm có được nguồn con giống chất lượng cao”…

Đ. Văn – T. Lĩnh
.
.
.