Chồng bỗng dưng thành… con nợ, vợ nguy cơ bị đuổi việc

Thứ Bảy, 11/12/2021, 17:35

Với tình trạng thông tin cá nhân bị lộ, cộng với sự nở rộ của các app cho vay như hiện nay, rất nhiều người đã rơi vào tình cảnh bỗng dưng thành con nợ, khi không vay mà vẫn bị đòi nợ.

Anh V.T.T. trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc cho biết, hơn một tháng nay, vợ chồng anh phải chặn tin nhắn, cuộc gọi  đến, facebook của người lạ vì liên tục bị “khủng bố” đòi tiền, trong khi anh chưa bao giờ vay tiền qua bất cứ một app cho vay nào.

Theo lời anh T., cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn khi bị các đối tượng đòi nợ nhầm. Ngoài khủng bố bằng tin nhắn, các đối tượng đòi nợ thường xuyên gọi điện đến công ty nơi vợ chồng anh làm việc để doạ dẫm khiến vợ anh phải tạm nghỉ việc vì sợ làm ảnh hưởng đến công ty. Lo sợ cho sự an toàn của con gái, vợ anh cũng đưa cả hai con về quê lánh nạn.

Chồng bỗng dưng thành… con nợ, vợ nguy cơ bị đuổi việc -0
Chứng minh nhân dân của anh T. đã bị các đối tượng sử dụng để đi vay tiền qua app, khiến anh bỗng dưng trở thành con nợ

Theo đơn tố cáo của anh T., chiều 7/10, vợ anh là chị N.T.D. nhận được một “hợp đồng dịch vụ cầm đồ” với định dạng PDF của một công ty cho vay nợ gửi qua ứng dụng Zalo. Sau đó, người này spam tin với nội dung anh T. đang vay nợ và truy tìm anh T. qua rất nhiều người thân và bạn bè cũng như đồng nghiệp của anh trên Zalo.

Sáng 8/11, anh T. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xác minh thông tin về anh. Sau khi anh T. xác nhận là đúng thì người gọi xưng là bên đòi nợ thuê và yêu cầu anh trả nợ.

Anh T. nói không hề vay thì họ bảo anh ra ngân hàng anh mở tài khoản để sao kê xem có nhận được tiền từ công ty hay không? Sau đó, anh đã ra ngân hàng yêu cầu sao kê nhưng không có số tài khoản như trong hợp đồng. Tuy nhiên, bên ngân hàng thông báo, có một tài khoản cũng mang tên giống anh.

Khi anh T. yêu cầu tra soát thì số điện thoại trong hợp đồng dịch vụ cầm đồ (không phải số điện thoại của anh T.) đúng là số được dùng để đăng ký tài khoản có tên là V.T.T. nhưng chưa được định danh. “Tôi yêu cầu cung cấp sao kê thì họ nói do chưa định danh nên không xem được lịch sử giao dịch và hướng dẫn tôi gọi lên tổng đài để khiếu nại.

Nhưng khi tôi gọi lên tổng đài thì được trả lời là phải chính chủ số điện thoại đăng ký số tài khoản đó gọi thì mới cung cấp. Tôi mang toàn bộ thông tin nói với bên đòi nợ nhưng họ không tin và nói là hồ sơ có thông tin trùng với tên tôi thì tôi phải trả, dù tôi có bị oan hay xui thì tôi cũng phải trả, cùng lắm họ thương lượng với công ty cho giảm lãi. Nhưng tôi không thể trả vì thực sự tôi không phải người vay”, anh T. cho biết.

Cuối cùng, bên đòi nợ thuê đã dùng mọi thủ đoạn để gây sức ép với anh T. Họ tạo banner bôi nhọ rằng anh đang nợ họ 100 triệu gửi cho nhiều người, rồi tấn công fanpage công ty nơi vợ anh làm việc và cũng là admin của fanpage đó. Hiện vợ anh T. đang tạm thời bị cấm quản lý fanpage và có khả năng bị cho thôi việc.

Bên đòi nợ đã dùng rất nhiều số điện thoại lạ gọi điện cũng như nhắn tin đe dọa đến sự an toàn của cả gia đình anh T. “Xâu chuỗi thông tin, tôi cho rằng khả năng có đối tượng giả mạo tôi vay tiền thành công.

Vì bên đòi nợ thuê nói tôi đã vay nhiều lần thì mới được vay lên đến 9 triệu đồng một lần như vậy. Tổng số tiền những lần vay đã lên tới 100 triệu đồng, vậy nên bên cho vay dùng mọi cách để thu hồi nợ. Và tôi nhận thấy họ đã lấy cắp thông tin cá nhân của tôi, sử dụng chứng minh nhân dân cũ của tôi (giờ đã bị cắt góc) để vay app”.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Công an quận Hoàng Mai cho biết, Công an quận đã nhận được đơn tố cáo của anh V.T.T., đã xác minh và triển khai phòng ngừa để đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương và an toàn cho gia đình anh T.

Theo cơ quan chức năng, đặc thù của việc vay qua app là người cho vay không biết mặt người vay nên ít có chuyện đến tận nhà khủng bố mà chủ yếu gây sức ép qua điện thoại và tin nhắn. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi nhận được điện thoại hay tin nhắn khủng bố như vậy thì không nên nghe hay trả lời, tuyệt đối tránh để lộ thêm thông tin cá nhân.

Nếu người dân trả lời tin nhắn hoặc nghe mọi cuộc gọi, các đối tượng sẽ coi đó là “con mồi” tiềm năng để chúng khai thác. Người dân cũng đừng vì lo sợ mà chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.

Trong trường hợp bị chúng ghép ảnh bôi nhọ lên mạng xã hội thì nên bình tĩnh thông báo cho bạn bè, người thân biết để nắm tình hình, cùng chung tay ngăn chặn việc làm khủng bố của các đối tượng xấu.

PV
.
.
.