Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô

Thứ Năm, 14/03/2024, 11:10

Tại Phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng 14/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định được phép sử dụng đất quá độ sâu 15m nếu phù hợp quy hoạch và xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ tạo ra giấy phép "con", cơ chế tiêu cực, "xin - cho", thiếu minh bạch, hạn chế quyền công dân...

Hai phương án sử dụng không gian ngầm ở Thủ đô

Trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất (Điều 19), Thường trực UBPL và các cơ quan thống nhất cần có quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước.

Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô để tránh cơ chế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Hiện tại, dự thảo Luật hiện đang thiết kế 2 phương án. Phương án 1: quy định ngay trong luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 mét vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

"Việc xác định giới hạn độ sâu 15 mét là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Chủ nhiệm UBPL lý giải.

Phương án 2: giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như Phương án 1. Phương án này có ưu điểm là có thể quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất được toàn quyền sử dụng một cách linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực.

Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô để tránh cơ chế
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Đa số ý kiến trong Thường trực UBPL và các cơ quan tán thành phương án 1, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng đề nghị UBTVQH cho phép tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng phương án trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng ý với phương án 1 và cho rằng, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho TP Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Đánh giá đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với phương án 2 để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và TP Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô để tránh cơ chế
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định vấn đề này cho phù hợp, nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả. "Luật phải đưa ra cái khung, nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng tình với quan điểm này, luật thống nhất khung còn quy định cụ thể như thế nào giao Chính phủ.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nghiêng về phương án 2. "Luật này nói không gian ngầm có giới hạn, nhưng khi chưa có pháp luật chuyên ngành thì giới hạn cụ thể như thế nào giao Chính phủ quy định là phù hợp. Nếu chúng ta quy định quá 15m phải phù hợp quy hoạch, phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền... thì lại tạo ra giấy phép "con", cơ chế tiêu cực, "xin - cho", thiếu minh bạch, hạn chế quyền công dân..." - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đề nghị cần minh bạch chỗ này vì Phương án 1 vừa không đủ cơ sở, căn cứ khoa học, thực tiễn lại tạo ra cơ chế "xin - cho".

Quy định thu nhập tăng thêm cho công chức Thủ đô là cần thiết

Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô để tránh cơ chế
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại phiên họp.

Liên quan vấn đề thu nhập tăng thêm (Điều 9, Điều 35), đa số ý kiến trong Thường trực UBPL và các cơ quan thấy rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác để giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

"Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiện nay các cơ quan hữu quan đang khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương và Nghị quyết số 104 của Quốc hội, nên vấn đề này cần được đặt trong tổng thể cải cách tiền lương mới của cả hệ thống chính trị nói chung. Do đó, đề nghị không quy định về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo luật", Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Minh bạch quy định về không gian ngầm ở Thủ đô để tránh cơ chế
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức viên chức Thủ đô là cần thiết, giúp đội ngũ này đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, cống hiến hiệu quả, lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô. "Chúng tôi đề nghị giữ nội dung này và báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, trình UBTVQH xem xét, quyết định", bà nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về việc quy định thu nhập tăng thêm trong luật là cần thiết và không có gì vướng mắc. Dù cải cách tổng thể tiền lương thì Nghị quyết số 27 cũng quy định, một số địa phương mà cân đối được ngân sách thì có thể áp dụng cao hơn ngoài quy định của Trung ương. "Tinh thần đó vẫn chấp hành quy định của Trung ương, không có vấn đề gì, chỉ là quy định mức nào cho hợp lý", Chủ tịch Quốc hội thể hiện quan điểm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các vấn đề liên ngành như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, vấn đề chống ngập úng, xử lý rác thải... lại chưa được quan tâm, chưa nói cụ thể không dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Về phát triển phương tiện công cộng, dự thảo luật chủ yếu giải trình về đường sắt đô thị. "Nên mở rộng cả vận tải công cộng khối lượng lớn, ví dụ xe bus nhanh, không nên chỉ đóng khung đường sắt", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Vinh
.
.
.