Có vấn đề lớn mà khi lấy ý kiến ĐBQH thì phiếu thu về quá ít

Thứ Ba, 16/07/2019, 15:07

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá, khi nhận xét về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV vừa qua.



Tiếp tục Phiên họp thứ 35, sáng 16-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8.

Theo Báo cáo về việc chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, các phiên trả lời chất vấn; chủ động trao đổi, phát biểu về những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Sau 2,5 ngày chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của 4 Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp giải trình chất vấn, với sự tham gia trả lời, làm rõ hơn các nội dung liên quan của các Phó thủ tướng, Bộ trưởng.

Theo tổng kết của Chính phủ, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn và tranh luận. Thời gian tuy giảm so với các kỳ họp trước nhưng số lượng đại biểu Quốc hội và câu hỏi chất vấn tăng lên. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri...

UBTVQH cũng đánh giá, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

“Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm. Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đánh giá, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Cũng như các phiên họp trước, hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm...

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thời gian kỳ họp chỉ 3 tuần, ngắn nhất kể từ đầu Khoá 14 nhưng Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật và vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm. Kỳ họp cũng cho thấy có nhiều cải tiến, nhiều điểm tiến bộ như các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là đại biểu nữ, trẻ, dân tộc thiểu số..., thể hiện trách nhiệm của đại biểu.

Tuy nhiên, theo ông, điều đầu tiên cử tri quan tâm là số đại biểu vắng mặt quá nhiều. Do đó nên xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng cứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ.

“Có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần 500 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào? Thế là không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nói.

 “Đại biểu vắng mặt quá nhiều. Có đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu, như vậy là không nghiêm túc. Có thể đồng chí Bí thư hay một vài đồng chí Thường vụ về họp chứ làm sao cả 13 đồng chí về họp được. Có thời điểm biểu quyết vắng hàng chục đại biểu. Điều này phải chấn chỉnh” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn.

Toàn cảnh phiên họp

Bà cho rằng chất lượng thảo luận tổ ở một số đoàn đi xuống, có hiện tượng nghỉ sớm, đề nghị cần chấn chỉnh. Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá Kỳ họp thứ 7 diễn ra thành công trên nhiều phương diện. Mặc dù có luật “nóng”, nhiều nội dung vẫn có quan điểm khác nhau nhiều nhưng kết quả cuối cùng vẫn đạt đồng thuận cao.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn về việc xã hội còn nhiều vấn đề “nóng” nhưng báo cáo thì “êm ả” quá; đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới, cả công tác báo cáo cho đến thảo luận, quyết định các vấn đề.

Về giám sát, theo ông phải thể hiện rõ tác động, chỉ rõ địa chỉ; đánh giá thế nào để nhìn vào thấy Quốc hội đang “nói tiếng nói của dân”. Rồi về lập pháp, nhiều luật được ban hành nhưng cần ưu tiên hơn các quy định giải quyết đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, làm một cách mạnh mẽ.

“Có phiên họp vắng rất nhiều, dù do lãnh đạo Quốc hội chủ trì, báo cáo cần chỉ rõ trách nhiệm, địa chỉ rõ ràng. Trong quy trình xác định lại để rút ra trách nhiệm, nếu không như thế này thì các hạn chế lại lặp lại” – ông Uông Chu Lưu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, sắp tới, sau khi nghiên cứu báo cáo và thảo luận ở rồi thì nên tổng hợp nhanh, rút ra một số vấn đề lớn để tập trung thảo luận trên hội trường, tránh việc ai thích thảo luận gì thì thảo luận vì thực tế ý kiến trùng rất nhiều.

“Thời gian thảo luận ở hội trường có người 7 phút vẫn thiếu, có người 5 phút vẫn thừa. Do đó cứ theo quy chế mà thực hiện, còn vấn đề điều hành sao cho phù hợp” – ông nêu quan điểm trước đề xuất rút ngắn thời gian thảo luận của mỗi đại biểu.


An Quỳnh
.
.
.