ĐBQH không đồng tình nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ

Thứ Sáu, 05/04/2019, 12:21

Sáng 5-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).



Có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên 1,5 lần

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết: Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành.

Một số ý kiến khác cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy: Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại Điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định.

Thực tiễn cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) bình quân của giai đoạn 2014-2018 tăng khoảng 6,55%/năm, so với thời điểm năm 2014, GDP năm 2018 tăng khoảng 37%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

Tuy nhiên, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có được áp dụng phù hợp trong dài hạn, UBTVQH xin đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.

Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của Dự thảo Luật mới.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm

Thảo luận tại hội nghị, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu quan điểm, nâng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng là không hợp lý. Ông nêu ra 5 lý do: Thứ nhất mức 10.000 tỷ không có vấn đề gì, kể cả giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 2 dự án; Thứ hai, không có biến động lớn về giá cả;

Thứ ba, thực tiễn cho thấy Quốc hội quyết định thì có ngay vốn, có ngay chính sách đặc thù; Thứ tư, nếu coi 10.000 tỷ là bất hợp lý do trượt giá rồi thì chứng tỏ giai đoạn trước chúng ra đưa ra tiêu chí quá cao. Thứ năm, để điều chỉnh thế này có thể 5 năm sau Quốc hội cũng không được quyết định một dự án nào.

ĐQBH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), Phan Thái Bình (Quảng Nam), Lê Thanh Vân (Cà Mau) và nhiều đại biểu khác… đều đồng tình với quan điểm của đại biểu Hoàng Quang Hàm.

“Giữ lại quy định cũ 10.000 tỷ là hợp lý, cần thiết. Vì những dự án liên quan đến các vụ đại án thời gian gần đây ở mức 10.000 tỷ trở lên rất nghiêm trọng, trong đó thiếu tầm kiểm soát của Quốc hội. Bài học thực tiễn mà chúng ta hết sức lưu ý, không thể nới rộng phạm vi được” – đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Bỏ danh mục dự án đầu tư thì Quốc hội chỉ quyết định hình thức

Về thẩm quyền thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng đây là quyền của Quốc hội. Dù Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ quyết định về chủ trương, định hướng nhưng danh mục dự án đầu tư là một bộ phận cấu thành nội dung của chương trình dự án.

“Bỏ cái này ra thì Quốc hội chỉ quyết định hình thức thôi, không thực quyền. Từ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ đều không trao quyền này cho Chính phủ”, ĐBQH tỉnh Cà Mau nói.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, trong đầu tư công trung hạn, quan trọng là tiền sử dụng vào cái gì, do đó phải quy định rõ mang tính nguyên tắc là Quốc hội quyết định cả tổng mức đầu tư và tiêu chí, danh mục.

ĐBQH Lê Thanh Vân

“Nếu Quốc hội quyết định tổng mức nhưng không biết tiền đó đi về đâu và làm những gì thì không ổn, đó chỉ mang tính hình thức. Khi Chính phủ trình ra thì cần trình cả danh mục, dự án các đầu tư là gì và giải trình vì sao lại như vậy. Có đầy đủ thông tin thì Quốc hội sẽ quyết định được”, ông phân tích.

Khẳng định thời gian qua vẫn còn tình trạng chia nhỏ dự án để thông qua Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân cũng nêu lên hiện tượng nhiều dự án đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang đánh giá, việc các dự án dàn trải, gây lãng phí là do hiệu quả đầu tư công kém. Luật Quy hoạch là tiền đề để giải quyết việc dàn trải. Ông đề nghị trong luật này nên nói đậm căn cứ kế hoạch đầu tư công, từ đó sẽ tránh được những dự án đột xuất, “từ trên trời rơi xuống” nhưng lại không cấp bách…


Quỳnh Vinh
.
.
.