Những người âm thầm ươm mầm cho bóng đá Hà Nội
- Vì sao Vingroup đầu tư 30 triệu đô cho bóng đá trẻ
- Cận cảnh Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Đông Nam Á
- Cận cảnh nơi đào tạo bóng đá trẻ có xông hơi, tắm khoáng
Chờ đợi 10 năm mới đến ngày hái quả
Trong thành phần đội tuyển U23 Việt Nam vừa tham dự Giải U23 Châu Á 2018, có tới 5 cầu thủ được đào tạo tại “lò” Gia Lâm gồm Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng. Sau khi “tốt nghiệp” ở đây vào năm 17 tuổi, họ mới được chuyển giao cho Hà Nội T&T (sau này là Hà Nội FC). Riêng Trần Đình Trọng lại theo HLV Nguyễn Đức Thắng xuôi Nam để thi đấu cho Sài Gòn FC. Lẽ ra, thành phần của “lò” Gia Lâm còn đông hơn trong thành phần U23 Việt Nam nếu thủ thành Đỗ Sỹ Huy không lỡ cuộc điện thoại của Ban huấn luyện U23 Việt Nam khi gọi bổ sung thủ môn cho đội. Thế nên, cơ hội mới được trao vào tay thủ thành Nguyễn Văn Hoàng của Sài Gòn FC.
Lớp U15 của bóng đá Hà Nội tại “lò” Gia Lâm. |
Cũng phải kể thêm gốc gác của “lò” Gia Lâm. Khoảng năm 2002, Sở TDTT Hà Nội (cũ) – nay là Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã đặt một tuyến bóng đá trẻ tại Trung tâm TDTT (nay là Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao) huyện Gia Lâm. Lúc ấy, cơ sở vật chất sân bãi của thể thao Hà Nội còn hạn chế nên thường xuyên phải đi thuê địa điểm ăn ở tập luyện tại các Trung tâm TDTT quận, huyện.
Ngày mới về Trung tâm Gia Lâm, mặt sân lút cỏ, thầy trò trong đội phải hè nhau dọn cỏ mới có thể tập luyện. Khổ nỗi, rút cỏ lên thì đất tơi tả. Đến nỗi, sau buổi tập, các trò cứ phải chạy đi chạy lại trên mặt sân để vừa tập thể lực, vừa lèn đất. Nhìn cảnh đó, ai cũng nghĩ cánh cầu thủ ấy chẳng khác nào chiếc máy ủi mini.
Thế rồi đến khi sân Hàng Đẫy được thay mặt cỏ để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 thì lãnh đạo Trung tâm TDTT Gia Lâm đã nhanh tay xin được toàn bộ mặt cỏ nơi đây mang về sân bóng đá Trung tâm. Đến bây giờ, mặt cỏ ấy dù xuống cấp nhưng vẫn được các tuyến trẻ của câu lạc bộ bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội tập luyện. Chính những Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng cũng trưởng thành từ những buổi tập luyện trên mặt sân ấy.
Nhưng điểm nhấn đưa thương hiệu của “lò” Gia Lâm được nhiều người biết đến chính là vào năm 2005, khi Sở TDTT Hà Nội quyết định tăng thêm các lớp đào tạo trẻ tại đây. Năm đó, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ) Nguyễn Đình Lân giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm câu lạc bộ bóng đá Hà Nội Đặng Xuân Hưởng trực tiếp gây dựng, phát triển các tuyến trẻ tại Trung tâm TDTT Gia Lâm để cung cấp cầu thủ cho các đội bóng chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố. Còn ông gọi điện cho Giám đốc Trung tâm TDTT Gia Lâm khi đó là Khúc Mạnh Tuấn rằng:” Mình còn nghèo nên làm kiểu nhà nghèo Tuấn ạ. Anh nhờ em và các anh em bên Trung tâm hỗ trợ cho Sở để các cháu có điều kiện tập luyện, học văn hóa”.
Đến bây giờ, khi nhắc lại chuyện này, ông Khúc Mạnh Tuấn vẫn bảo rằng, chỉ cần lời gửi gắm như người trong nhà của “bác” Lân – như cách gọi thân mật với ông Nguyễn Đình Lân, là những cán bộ, nhân viên của Trung tâm TDTT Gia Lâm khi ấy hết mình giúp đỡ, tạo điều kiện để các lớp trẻ của bóng đá Hà Nội trong khâu ăn ở, tập luyện. Và bản hợp đồng của Trung tâm TDTT Gia Lâm với Sở TDTT Hà Nội cũ cũng chỉ là “hợp đồng hỗ trợ” thay vì “hợp đồng thuê địa điểm”.
Cũng sau quyết định của Sở TDTT Hà Nội khi ấy mà bóng đá Hà Nội mới hình thành các tuyến U11, U13, U15, U17 và có lúc cả U19. Và từ đó, những Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Thành Chung, Đình Trọng mới được tuyển về tập luyện ở các tuyến trẻ.
Khi đó, bóng đá Hà Nội là địa chỉ quen thuộc để HLV các địa phương như Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình giới thiệu cầu thủ cho các tuyến trẻ Hà Nội. Đức Huy từ Hải Dương, Thành Chung từ Tuyên Quang đã được giới thiệu từ những nguồn như vậy.
Chẳng ngẫu nhiên khi nhắc đến thành công của những tuyến trẻ bóng đá Hà Nội thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội là người ta nhớ đến những người đã đặt dấu ấn ở đây như: nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang và sau này là Nguyễn Đình Lân; những HLV lăn lộn với lò đào tạo từ những ngày đầu như Đặng Xuân Hưởng (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội); Nguyễn Trọng Hồng (Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ bóng đá Hà Nội - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội); Phan Tú Anh (giờ vẫn là HLV lứa U15); Nguyễn Quốc Bình (giờ đã chuyển sang Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam); cố HLV Vũ Minh Hoàng (từng nhiều năm huấn luyện lứa Quang Hải, Đình Trọng)…
Cứ thấy các con thi đấu trên tivi là vui
Đến lúc này, các tuyến trẻ của bóng đá Hà Nội vẫn tập trung tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Gia Lâm. Buổi sáng, các cầu thủ vẫn được đưa đến các trường học gần đó để học văn hóa, buổi chiều tập luyện tại sân bóng trên mặt cỏ của sân Hàng Đẫy từ 15 năm trước. Đã có lần người viết hỏi những người có trách nhiệm về việc vẫn chọn tập luyện ở Gia Lâm thay vì chuyển về Mỹ Đình với hệ thống cơ sở vật chất khép kín từ nơi tập luyện đến trường học.
Câu trả lời cũng đơn giản là muốn để cho các lứa trẻ như U17, U19 của Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) có điều kiện tập luyện để sớm tiếp cận sân chơi chuyên nghiệp hoặc hạng Nhất quốc gia. Trong những lứa ấy cũng có không ít cầu thủ từ “lò” Gia Lâm được chuyển giao miễn phí.
Thực tế, đó cũng là hình thức hỗ trợ cho Hà Nội FC, đội bóng chuyên nghiệp duy nhất trên địa bàn Thủ đô, là bộ mặt của bóng đá Hà Nội. Bây giờ, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ bóng đá Hà Nội Nguyễn Trọng Hồng vẫn giữ danh sách những cầu thủ được chuyển giao cho Hà Nội FC sau khi kết thúc khóa đào tạo kéo dài đến 7-8 năm tại “lò” Gia Lâm.
Danh sách dài dằng dặc trong đó ngoài nhóm cầu thủ U23 kể trên còn có không ít gương mặt quen thuộc khác của bóng đá Việt Nam như Quốc Long (đang thi đấu cho Sài Gòn FC), Phí Minh Long, Đào Xuân Nam, Đào Duy Khánh, Đỗ Hùng Dũng (đang thi đấu cho Hà Nội FC)…
Những ngày vừa rồi khi các cầu thủ U23 trong đó có nhóm cầu thủ từ “lò” Gia Lâm được vinh danh ở khắp nơi thì những người thầy cũ của họ vẫn miệt mài tạo nên những lớp cầu thủ tài năng mới. Điều kiện huấn luyện vẫn vậy, với mức lương 5 triệu đồng/tháng cùng không ít sự khó khăn về thiết bị tập luyện (có thời điểm còn phải đi xin bóng ở nơi khác) nhưng tất cả đều cố gắng vượt khó.
Thực tế, đã có không ít khó khăn tìm đến nơi đây mà rõ nhất là lứa U17 bị cắt đi, rồi mỗi lứa chỉ còn 20 cầu thủ (không đủ để thi đấu đối kháng). Và từng có lúc, đã có ý kiến ấu trĩ rằng nên thu hẹp các lớp đào tạo trẻ tại Trung tâm Gia Lâm, để kinh phí đầu tư cho môn khác dễ có huy chương hơn. Phải khi những người có trách nhiệm đưa ra ý kiến thì chuyện mới tạm ngưng lại. Nếu không, đến lúc này chưa chắc bóng đá Hà Nội đã được vinh danh như một “địa chỉ vàng” về đào tạo trẻ và nhiều người không có cơ hội tung hô bóng đá Hà Nội.
Thậm chí, khi nhắc đến thành công của lứa cầu thủ U23 Việt Nam đang khoác áo Hà Nội FC, cũng ít người nhắc đến những người thầy ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội.
Đem chuyện này hỏi Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Hồng thì anh bảo rằng: “Khi bước chân vào nghề huấn luyện trẻ, chưa bao giờ chúng tôi mong muốn được vinh danh mà chỉ nghĩ rằng làm thật tốt để đào tạo ra những lứa cầu thủ tài năng, cống hiến cho bóng đá Hà Nội. Chúng tôi thường nói với các cầu thủ của mình rằng, các thầy chẳng mong gì hơn ngoài việc được thấy các con thi đấu trên tivi. Như thế cũng có nghĩa là các con đã có bước tiến mới trong sự nghiệp, để thỏa ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của mình”.
Không phải ân hận vì “trót” đầu tư cho bóng đá Hơn 10 năm trước, khi quyết định đầu tư cho đào tạo bóng đá trẻ tại Trung tâm Gia Lâm, Ban lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội cũ đã xác định rằng phải mất cả chục năm may ra mới có cơ hội hái quả và lúc đó, những người đương nhiệm đã nghỉ hưu. Đến bây giờ, khi nhiều lớp cầu thủ từ “lò” Gia Lâm đã có thành công ban đầu, đặc biệt sau thành công ở Giải U23 Châu Á, những người có trách nhiệm mới thở phào. Và như nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân tâm sự với các HLV gắn bó với bóng đá Hà Nội từ dạo đó thì tất cả đã không phải ân hận vì sử dụng kinh phí nhà nước đầu tư cho bóng đá. Minh Hà |