Đi tìm hiện tượng V.League

Thứ Hai, 22/02/2016, 06:06
Một giải đấu, bất luận ở cấp độ nào cũng luôn cần được hâm nóng bởi những hiện tượng. Vấn đề là sức sống, tuổi thọ của hiện tượng ấy tới đâu?


Một năm về trước, Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) là một hiện tượng chính hiệu của V.League. Cái hiện tượng mà với nó, CLB đã bán được vé cả mùa - điều chưa từng diễn ra trong lịch sử V.League. Cái hiện tượng mà với nó, HA.GL đi tới sân nào là sân ấy đông khán giả. 

Phải nhấn mạnh đến chi tiết, bản thân các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy... đã là một hiện tượng, nhưng cách nói, cách "nổ" của ông bầu Đoàn Nguyên Đức còn khiến cái hiện tượng ấy bay cao. Chẳng hạn như trước mùa giải, ông tự tin nói quân mình sẽ đá sạch, đá đẹp, rồi tự tin nói về việc "mỗi năm, mỗi CLB chỉ cần từ 10 - 15 tỷ đồng là đủ", khiến cả làng cả nước phải xôn xao. Chính vì những phát ngôn này mà sau này đội bóng nào cũng gồng lên khi đá với HA.GL, và muốn thắng HA.GL bằng mọi giá.

Ngay cả khi HA.GL đá không như ý với liên tiếp các trận thua trên sân khách thì nó vẫn cứ là một hiện tượng khiến người ta phải chú ý. Lúc này, có thể gọi đấy là "hiện tượng ngược", và sự chú ý diễn ra theo dạng: chờ xem, rốt cuộc số phận đội bóng này ra sao? Chờ xem, rốt cuộc bầu Đức có phải sa thải ông thầy gõ đầu trẻ Guillaume Graechen - người mà mình từng hết lời bảo vệ hay không? Chờ xem, một HA.GL làm mất lòng nhiều người rồi có được người nào dang tay "cứu" hay không?

Và như thế, có thể khẳng định, dù là hiện tượng xuôi hay hiện tượng ngược thì HA.GL năm ngoái cũng là một cái tên khiến V.League trở nên nóng hổi. Vậy năm nay thì sao? Năm nay, HA.GL mất cùng lúc 3 cái tên Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, phải đôn hàng loạt cầu thủ trẻ lên đội 1, những cầu thủ tạm gọi là có kinh nghiệm thì đã ở vào phía bên kia sườn dốc,  ngoại binh thì bình bình - thực tiễn ấy khiến họ trụ hạng là may, nói gì đến chuyện trở thành hiện tượng. 

Có lẽ vì thế mà năm nay bầu Đức cũng chẳng "nổ" nhiều. Nói cho chính xác thì ông chỉ "nổ" những vấn đề liên quan đến VFF, đến đội tuyển quốc gia - nơi ông đóng vai trò là một Phó Chủ tịch Liên đoàn, chứ không "nổ" gì đến đội bóng của mình nữa.

Nhưng không có HA.GL thì đã có FLC Thanh Hoá. Phải nói, với sự vào cuộc của Tập đoàn FLC từ nửa cuối mùa giải năm ngoái, cả một “cơn mưa tiền” đã được đổ vào xứ Thanh. Có tiền, Thanh Hoá lập tức có được một vị giám đốc kỹ thuật thuộc vào hàng gạo cội, quái chiêu nhất của bóng đá Việt Nam (ông Lê Thụy Hải), họ cũng đồng thời có được hàng loạt cái tên chất lượng đến từ đội bóng láng giềng Sông Lam Nghệ An. Đặc biệt nhất, Thanh Hoá còn vượt cả đương kim vô địch Bình Dương để trở thành CLB có mức thưởng cho một trận thắng cao nhất V.League năm nay (600 triệu đồng trên sân khách, 500 triệu đồng trên sân nhà).

Ngày khai mạc, 12.000 chỗ ngồi trên sân Thanh Hoá đã được lấp đầy. Ảnh: H.M.

Mười mùa giải trước, khi lần đầu tiên chơi V.League, Thanh Hoá của cựu thầy Trần Văn Phúc cũng từng là một hiện tượng với một loạt trận thắng liên tiếp. Hồi ấy, ông Phúc từng tự hào chia sẻ: "Lần đầu tiên tụi nó đá V.League, thế mà đá được như vậy là rất mừng", nhưng với kinh nghiệm của một nhà chuyên môn lão làng, ông cũng lập tức dự đoán: "Dẫu sao tụi nó cũng khó chạy đường xa". Lời dự đoán ấy chính xác, khi càng ngày Thanh Hoá càng đuối, và vì thế mùa giải ấy họ được gọi là một "hiện tượng non".

Bây giờ thì FLC Thanh Hoá đã vững vàng cả  ở phương diện chuyên môn lẫn tài chính, và bây giờ thì cả làng cả nước đều đang nhìn về Thanh Hoá để xem rốt cuộc sau những cách mạng chưa từng có trong lịch sử bóng đá xứ Thanh, đội bóng này rồi có đạt được mục tiêu vô địch như mong muốn hay không?

Không còn hiện tượng HA.GL, V.League lại có hiện tượng FLC Thanh Hoá, dù rằng một hiện tượng mang một đặc điểm, một tính chất, một màu sắc khác nhau.

Dấu ấn chủ nhà

Trong ngày đầu tiên của lượt đấu đầu tiên V.League năm nay, cả 3 đội chủ nhà Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bình Dương đều lần lượt giành chiến thắng, và thắng dễ trước các đội khách Hà Nội T&T, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Chiều qua, ngày thi đấu thứ hai của vòng 1 cũng diễn ra với các trận đấu trên sân Hà Nội, Vinh, Quảng Ninh, Long An. Điều đáng chú ý ở vòng 1 là ngoại trừ một số sân vận động có truyền thống đông khán giả như sân Vinh, Thanh Hoá, Quảng Ninh, và ngoại trừ sân Hàng Đẫy - nơi người hâm mộ được vào sân miễn phí, các sân bóng còn lại vẫn chưa thu hút được khán giả như mong muốn. Cá biệt ở sân Gò Đậu, một nhóm các CĐV của đội khách Cần Thơ còn tỏ ra huyên náo hơn cả số lượng ít ỏi các CĐV chủ nhà.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.