Văn hóa phát ngôn ở VFF

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:50
Sau khi Đội tuyển U.18 Việt Nam thua Myanmar và bị loại ở vòng bảng giải vô địch U.18 Đông Nam Á, dư luận lại được một phen chứng kiến những sự đốp chát của các quan chức hoặc cựu quan chức VFF trên các phương tiện truyền thông.

Cụ thể, ông bầu Đoàn Nguyên Đức - người vừa nộp đơn từ chức vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF, đánh giá HLV trưởng Đội tuyển U.18 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn là người vừa không có trình độ vừa không khiêm tốn. Ông Đức còn nhận định rằng, HLV Hoàng Anh Tuấn rất muốn ngồi lên ghế HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam nhưng ông "dám cá" không ai ở VFF dám ký quyết định này cả. 

Ông giải thích: "Vấn đề lớn nhất là phải có thành tích. Đối với Đội tuyển Quốc gia phải nói đến thành tích. Hội đồng tuyển chọn cũng phải dựa vào tiêu chí thành tích. Tuổi còn trẻ, đời còn dài, hãy tiếp tục cống hiến, sau đó tìm CLB nào giành được chức vô địch V.League để có thành tích đi đã". 

Rất nhiều lần, ông Đoàn Nguyên Đức chỉ trích HLV Hoàng Anh Tuấn.

Không phải đến lúc này, cách đây ít tháng, ngay sau khi HLV Hoàng Anh Tuấn cùng Đội tuyển U.20 Việt Nam kết thúc cuộc phiêu lưu tại VCK World Cup U.20 thế giới trở về, bầu Đức cũng đánh giá: "Hoàng Anh Tuấn không phải là HLV giỏi, chỉ là người gặp may". 

Thời điểm ấy, trả lời chúng tôi, HLV Hoàng Anh Tuấn bức xúc: "Anh có thấy ở đâu trên thế giới này mà người ta không ngại chỉ trích một người vừa mang vinh quang về cho Tổ quốc không?".

Năm 2012, sau khi HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Phan Thanh Hùng từ chức và HLV Hoàng Anh Tuấn là ứng cử viên thay thế số 1 thì Phó chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng cũng công khai khẳng định trên một tờ báo: "Không thể chọn Hoàng Anh Tuấn, vì đấy không phải một HLV có trình độ". Thời điểm ấy ông Dũng "oánh" HLV Hoàng Anh Tuấn thì ít mà "oánh" Phó chủ tịch chuyên môn Phạm Văn Tuấn thì nhiều. 

Bởi trước đó, chính ông Phạm Văn Tuấn đã chọn lựa HLV Hoàng Anh Tuấn, thậm chí đã cùng nhà cầm quân người Khánh Hoà ký hợp đồng ghi nhớ. Trong vụ việc này có thể thấy người ta không ngại lôi cá nhân một HLV ra phê phán xét cho cùng là để đạt được những mục đích khác, trong một "cuộc đấu" khác liên quan tới những cái ghế của mình. 

Vẫn là chuyện phát ngôn, cách đây vài tháng, khi CLB Quảng Nam không hài lòng với một quyết định xử phạt của trọng tài thì một lãnh đạo của CLB này, đồng thời là uỷ viên Ban chấp hành VFF đã không ngại ví trọng tài là "những người mù". Sau đó khi báo giới chất vấn rằng nói như vậy không khác gì xúc phạm những người mù thì quan chức này lại chối bay chối biến. 

Thời điểm đó từng xuất hiện một làn sóng kêu gọi VPF và VFF phải có hình thức xử lý quan chức phát ngôn tùy tiện này, và thoạt tiên cả VPF lẫn VFF cũng gật gù nhưng sau đó chẳng có sự chế tài nào cả.

Rõ ràng là từ những thành viên trong Thường trực VFF đến một bộ phận không nhỏ các uỷ viên Ban chấp hành VFF đều rất dễ tung ra những phát ngôn hoặc để thoả mãn những bực tức cá nhân của mình, hoặc để phục vụ những cuộc cạnh tranh vị trí nào đó mà mình tham gia. 

VFF có một ông phó chủ tịch truyền thông, nhưng suốt một thời gian dài vị phó chủ tịch truyền thông này lại nhận lệnh "không được phép phát ngôn", và chỉ cách đây ít lâu thì cái lệnh kỳ quặc, không giống ai này mới được gỡ bỏ.

Tất cả những biểu hiện trên cho thấy điều gì? Nó cho thấy văn hoá ứng xử và văn hoá phát ngôn mang tính tuỳ tiện ở cơ quan điều hành nền bóng đá. Nhiệm kỳ VII là nhiệm kỳ mà chủ tịch VFF lần đầu tiên là một doanh nhân, và người ta đã kỳ vọng "ông chủ doanh nhân" sẽ tạo ra những sự khác biệt lớn so với những "ông chủ nhà nước". 

Nhưng đến lúc này có thể cảm nhận rằng một trong những sự khác biệt lớn nhất lại nằm ở quy chế phát ngôn và cách phát ngôn mà trong rất nhiều thời điểm thường có màu sắc của sự... lộng ngôn.

Chỉ trích người khác, ngại nhận trách nhiệm bản thân?

Trong khi rất dễ tung ra những phát ngôn mang tính chỉ trích, thoá mạ người khác thì có vẻ như phần lớn các quan chức VFF lại ngại những phát ngôn thừa nhận những sự thiếu trách nhiệm của mình. Bằng chứng là trong cuộc gặp gỡ báo giới sau cuộc họp mổ xẻ thất bại của Đội tuyển U.22 Quốc gia tại SEA Games 29, các quan chức VFF đã đổ hết lỗi lầm lên đầu HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng vốn đã từ chức, mà không thấy ai chịu nói đến những phần lỗi của mình. 

Đơn cử như trước thềm SEA Games, VFF đã thiết kết cho Đội tuyển U.22 đá 2 trận tập huấn ở Hàn Quốc, và quảng cáo đấy là một chuyến tập huấn chất lượng, nhưng kỳ thực đấy lại là 2 trận với những "quân xanh" kém chất lượng, không đem lại bất cứ hiệu quả chuyên môn nào. 

Giá mà ông Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn hoặc Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh dám dũng cảm đứng lên và nói: "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về chuyến tập huấn kém chất lượng này" thì đáng trọng biết bao nhiêu.

Ngọc Anh


Hoàng Anh
.
.
.