VFF và tầm nhìn đến World Cup

Thứ Hai, 22/07/2019, 09:17
Sau lễ bốc thăm vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, bóng đá Việt Nam có nhiều cơ hội để tiến sâu. Thế nhưng, để chuyển hoá giấc mơ thành mục tiêu, đó là chuyện tầm nhìn của VFF.


Nhiệm kỳ VII của VFF đã kết thúc với nhiều dự định dang dở của những doanh nhân làm bóng đá, trong đó có giấc mơ World Cup. Đã có thời điểm, VFF đưa ra con đường đi cụ thể. Ông Dũng chính là doanh nhân đầu tiên làm Chủ tịch VFF trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Chính vì vậy mà ngay đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã đưa ra những quyết sách táo bạo.

Đầu tiên là câu chuyện hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản. Theo quan điểm của ông Lê Hùng Dũng, Nhật Bản và Việt Nam cùng ở châu Á, có nền văn hoá khá giống nhau nên có thể hoà nhập.

Đặc biệt, sự ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó, lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ xây nhà từ móng đến phần thân và cuối cùng đến phần mái.

ĐTVN đang có cơ hội tiến gần hơn đến World Cup. Ảnh: AFF.

Kết quả của quá trình hợp tác này là việc VFF nhận được những sự hỗ trợ cả về mặt chuyên môn và kêu gọi tài trợ. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm đến VFF. Ngay cả HLV trưởng ĐT Việt Nam thời điểm đó là Miura cũng được giới thiệu từ Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

Tuy nhiên, quá trình hợp tác này cũng không thực sự mang đến những hiệu quả lớn, nhất là sau khi ông Dũng xin rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ. VFF mới trôi qua được nửa nhiệm kỳ nhưng người đứng đầu lại phải sớm giao phó công việc cho cấp phó.

Thời Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng gắn với sự xuất hiện của thế hệ U19 Việt Nam với nòng cốt là quân Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tạo ra một cơn sốt lớn trong toàn xã hội. Đó là lứa cầu thủ tài năng, những sản phẩm đầu tiên của bầu Đức sau khi thành lập Học viện HAGL-Arsenal-JMG. Chứng kiến màn trình diễn đẹp như tranh của các cầu thủ U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2015, ông Lê Hùng Dũng thậm chí còn tuyên bố rằng, sẽ đầu tư cho lứa cầu thủ U19 Việt Nam để chinh phục vòng loại World Cup 2018.

Ngay cả bầu Đức cũng từng kỳ vọng vào thế hệ này sẽ làm nên chuyện và mở ra giấc mơ lớn cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, lứa cầu thủ U19 HAGL đã không thể đem lại kỳ vọng như những doanh nhân mong muốn.

Đấy là điều mà nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo ngay từ khi bầu Đức quyết định đôn lứa cầu thủ này lên chơi V.League ở mùa giải 2015. Ngay cả giấc mộng giành HCV SEA Games của bầu Đức chính thức cũng “vỡ” cả ngay sau khi lứa cầu thủ U22 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL thất bại tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia.

Bóng đá Việt Nam chỉ thực sự bước qua bóng đêm ngay sau sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo. Chúng ta đã giành được những thành tích ấn tượng, mà tiêu biểu nhất là chức vô địch AFF Cup 2018. Từ đó cũng mở ra những tầm nhìn mới cho lãnh đạo VFF trong việc định hướng bóng đá Việt Nam.

Ngay sau khi tái đắc cử chức danh Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8 tại Đại hội diễn ra hồi tháng 12-2018, ông Trần Quốc Tuấn đã nói rằng: “VFF tiếp tục mục tiêu sắp tới trong công tác chuyên môn là sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho đào tạo trẻ, nâng cao hơn nữa chất lượng các giải chuyên nghiệp.

Để phát triển bóng đá trẻ cần nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh nâng cao giải trẻ trong nước, VFF cũng khuyến khích các CLB dầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác với các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc tế.

Mặt khác, VFF cần nâng cao quan hệ quốc tế, đây là chìa khoá cho bóng đá trẻ. Chúng ta đã ký kết bản ghi nhớ với Nhật Bản. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng với Hàn Quốc, Qatar, Iran… Chỉ có thể làm bóng đá trẻ tốt thì chúng ta mới có được thành công trong tương lai. Ước mơ của tôi và những người làm bóng đá là mong Việt Nam sẽ được tham dự sân chơi World Cup một ngày gần nhất”.

Thực tế, khi U20 Việt Nam giành vé dự VCK U20 World Cup 2017 đã mở ra bước ngoặt lớn cho bóng đá Việt Nam. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã phần nào hiện thực hoá giấc mơ dự World Cup lần đầu của bóng đá Việt.

Thế nhưng, chúng ta vẫn  nghĩ đến mục tiêu xa hơn là một kỳ World Cup thực sự. Và cũng đến lúc này thì VFF cũng bắt đầu có những toan tính thực sự cụ thể cho lộ trình này khi  nhận thấy hiệu quả của việc phát triển bóng đá trẻ có kế hoạch, mô hình này bắt đầu được áp dụng nhiều hơn với tất cả các ĐTQG.

Sau lễ bốc thăm vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, bóng đá Việt Nam có nhiều cơ hội để tiến sâu khi ở bảng đấu được xem là AFF Cup thu nhỏ với 4 đại diện Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta cần có những tầm nhìn chiến lược để có những bước đi vững chắc cho lộ trình này.

ĐT Việt Nam gặp khó với lịch thi đấu

ĐT Việt Nam sẽ đối đầu ĐT Thái Lan vào ngày 5-9, các tuyển thủ Việt Nam phải đá xong vòng 23 V.League 2019 mới có thể tập trung. Thế nhưng, vòng đấu này lại kết thúc vào ngày 1-9, với những cặp đấu B. Bình Dương-SLNA và Hà Nội-Viettel, những đội bóng đóng góp số lượng lớn tuyển thủ cho ĐT Việt Nam.

Như vậy, muốn đầy đủ quân số thì thầy Park cũng phải chờ đến ngày 2-9, rồi mới di chuyển sang Thái Lan và chỉ có 2 ngày chuẩn bị cho trận đấu mở màn với “Voi chiến” vào ngày 5-9.

Đây chắc chắn sẽ là thử thách lớn cho thầy Park cùng các cộng sự khi có quá ít thời gian chuẩn bị, bên cạnh việc các cầu thủ cũng sẽ bị ảnh hưởng về mặt thể lực do thi đấu liên tục từ giải trong nước, kéo dài đến cấp độ đội tuyển.

Việc điều chỉnh lịch thi đấu V.League 2019 được nhắm tới để đảm bảo ĐTQG có đủ thời gian tập trung chuẩn bị cho sân chơi lớn. Thế nhưng theo phản hồi từ phía VFF cũng như VPF, thì rõ ràng không còn khoảng trống nào để có thể thay đổi lịch thi đấu V.League 2019. (H.H.)

Hưng Hà
.
.
.