VFF đang “nhẹ tay” với vấn nạn đốt pháo sáng?

Chủ Nhật, 29/04/2018, 10:14
Từ đầu giải V.League 2018 đến nay, đã ít nhất 2 lần cổ động viên (CĐV) của CLB Hải Phòng làm náo loạn các sân vận động (SVĐ) bằng màn “biểu diễn” đốt pháo sáng. 

Vấn nạn đó chưa có dấu hiệu dừng lại khi án phạt mới nhất vừa được Ban Kỷ luật, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố vẫn dừng lại ở mức… còn “nhẹ tay”.

Pháo sáng được tạo ra để trở thành một công cụ báo tín hiệu trong các trường hợp khẩn cấp như gặp nạn trên biển hoặc trong vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, theo thời gian, pháo sáng được các cổ động viên quá khích (thế giới gọi là hooligan) mang vào sân vận động đốt để biểu thị thái độ phấn khích hay giận dữ trước diễn biến các trận đấu. 

Tuy nhiên, mỗi một quả pháo sáng được đốt ra trên sân bóng có sự hiện diện của hàng vạn khán giả luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và hệ lụy.

Pháo sáng không dễ bị dập tắt vì nó được thiết kế để thích ứng với môi trường nước. Pháo sáng có thể cháy tới nhiệt độ 1.600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép), thậm chí có loại còn lên đến 3.000 độ C. Pháo sáng loại trung bình cháy trong 60 giây, có thể gây cháy quần áo trong vài giây, gây bỏng cấp độ 4 vào cơ hoặc xương.

Bên cạnh đó, pháo sáng còn tạo ra nguy cơ lớn cháy sân vận động với hàng vạn ghế ngồi được làm bằng nhựa. Ngoài ra, một quả pháo sáng khi được đốt lên sẽ tạo ra một lượng khói độc rất lớn. 

Khói của pháo sáng đặc biệt nguy hiểm với những người bị hen suyễn vì nó sẽ khiến người hít phải trở nên nhanh chóng khó thở. Tuy nhiên, ngay từ vòng đấu đầu tiên của V.League 2018, tình trạng này đã được tái diễn giống như các năm trước đây.

Cụ thể, trong trận đấu giữa CLB Hà Nội gặp CLB Hải phòng, ở phút thứ 90+5, khi đội khách đất cảng đang bị dẫn trước với tỉ số 1-0, CĐV Hải phòng đã liên tục đốt pháo sáng trên khán đài.

Đỉnh cao của màn quá khích, các CĐV đất cảng đã đốt và ném nhiều quả pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy, buộc trọng tài phải cho trận đấu tạm dừng để các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC lao ra dập pháo sáng.

Đến phút thứ 90+7, trước tình trạng đốt pháo sáng không có dấu hiệu dừng lại, trọng tài đành nổi còi kết thúc trận đấu trong mù mịt khói độc hại. 

Cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với các CĐV đốt pháo sáng trong sân bóng đá. Ảnh: SN.

Ở trận đấu ấy, có đến 21.000 CĐV của 2 đội đến sân cổ vũ và ít nhất là khoảng 1/3 CĐV trong số này đến từ đất cảng. Vì vậy, dù lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC đã cố gắng hết mức nhưng cũng không thể ngăn chặn hết được lượng pháo sáng liên tục được đốt và ném từ phía khán đài xuống SVĐ Hàng Đẫy. Những ai chứng kiến trận đấu ngày hôm ấy không khỏi ngao ngán cho hình ảnh bóng đá nước nhà.

Những tưởng sẽ có một án phạt nặng được đưa ra sau trận đấu đầy ám ảnh này. Tuy nhiên, CLB Hải Phòng và CLB Hà Nội, mỗi đội cũng chỉ bị Ban kỷ luật VFF phạt 20 triệu đồng. 

Đến vòng 6 V.League vừa qua trên sân Thống Nhất, CĐV CLB Hải phòng tiếp tục lặp lại kịch bản đốt pháo sáng. Kết quả mới nhất mà Ban Kỷ luật VFF vừa đưa ra là án phạt 50 triệu đồng cho CLB Hải Phòng và 20 triệu đồng cho CLB TP. HCM. Ngoài ra, không có bất kỳ án phạt mạnh mẽ nào khác được áp dụng.

Ở nước Anh (nơi có giải bóng đá hàng đầu thế giới - Ngoại hạng Anh) và nhiều nước khác, đem pháo sáng, bom khói hoặc pháo hoa vào sân được coi là hành động vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn hành vi này, nhà chức trách đưa ra những hình thức xử lý rất nghiêm khắc. Nặng nhất là cấm người đó đến SVĐ trong khoảng thời gian nhiều năm hoặc phạt tù. 

Ở Scotland, một người đốt pháo sáng trong SVĐ có thể bị phạt tù 3 tháng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng đốt pháo sáng vẫn tiếp diễn nhưng chưa có vụ việc nào xử lý hình sự.

Còn nhớ, ở vòng đấu thứ 14 V.League 2017 cũng giữa Hà Nội và CLB Hải Phòng, Ban Kỷ luật VFF đã có động thái mạnh mẽ khi quyết định phạt Ban Tổ chức trận đấu này 50 triệu đồng do để xảy ra tình trạng khán giả đốt nhiều pháo sáng và ném nhiều đồ vật xuống sân vận động Mỹ Đình. 

Cùng với đó, từ vòng thi đấu thứ 15, CĐV Hải Phòng đã bị cấm vào các SVĐ của đối phương có tổ chức các trận thi đấu bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đến hết năm 2017.

Những tưởng án phạt tương đối nghiêm khắc đó sẽ là bài học hữu hiệu cho các CĐV chuyên gây mất an ninh, trật tự trên sân bóng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại V.league 2018 hiện nay, chứng tỏ những biện pháp trong quá khứ chưa tạo ra được nhiều áp lực đối với những người quá khích. 

Nếu không có những án phạt nghiêm khắc hơn, thực trạng nhức nhối này sẽ không có hi vọng được chấm dứt. Và đó sẽ là một trong những lý do khiến hàng triệu CĐV bóng đá chân chính nước nhà ngày càng rời xa khán đài của V.League.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Bên cạnh đó, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Vì vậy, các CĐV hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự nếu như hành vi đốt pháo sáng trong các SVĐ gây ra một trong các hậu quả nêu trên.                                                

C.V.

Vũ Cảnh
.
.
.