U.22 Việt Nam cần thêm cố vấn chuyên môn
- Vấn đề của bóng đá Việt Nam từ hai trận giao hữu với U.20 Argentina
- Chuyện của Đội tuyển U.20 Việt Nam: Không được sợ hãi đối thủ
Nhưng để U.22 Việt Nam chinh phục vàng SEA Games 29, có lẽ VFF cũng nên tính đến việc mời một cố vấn chuyên môn đủ uy tín để cùng chia sẻ gánh nặng với ông Thắng trong những lúc thác ghềnh.
Năm 2009, khi được bầu Hiển mời từ Nghệ An ra Hà Nội cấp cứu một T&T Hà Nội (tiền thân của CLB Hà Nội bây giờ) đang đứng bét bảng xếp hạng sau lượt đi V.League, ông Thắng đứng trước một thử thách thực sự: Làm gì để vực lại một T&T Hà Nội đang rơi xuống tận cùng của sự thất vọng, dưới trướng người tiền nhiệm Triệu Quang Hà? Làm gì để có thể giúp một CLB đứng bét bảng V.League trụ hạng thành công - điều chưa từng diễn ra trong lịch sử?
Là một cựu cầu thủ gạo cội, hành nghề cầu thủ trong những thời điểm rối ren, phức tạp nhất của bóng đá Việt Nam, ông Thắng hiểu rằng, hai câu hỏi khó này chỉ có thể được giải quyết nếu các cầu thủ chịu nghe và chịu đá.
Thế nên buổi đầu tiên ra mắt T&T Hà Nội, ông đứng trước toàn đội nói: "Bây giờ tôi và các bạn đã đứng chung một con thuyền. Thuyền chìm cả hai chúng ta đều chết. Thuyền nổi cả hai chúng ta đều sống. Việc quan trọng nhất bây giờ là phải gạt bỏ mọi điều này điều kia lại để cùng quyết tâm cứu thuyền".
Quả nhiên lượt về V.League năm ấy, cầu thủ T&T Hà Nội chịu đá vì ông Thắng, và kết quả là CLB bộ này đã trụ hạng thần kỳ.
Hai năm sau, ông Thắng giúp Sông Lam Nghệ An lên ngôi vô địch V.League cũng nhờ chính công thức ấy. Trong thời điểm mà nhiều người tiền nhiệm của ông ở Sông Lam không thu phục được lòng quân thì chính ông Thắng với cách sống "đại ca" của mình đã khiến cả một bộ máy cứ răm rắp chạy.
Những cầu thủ nổi tiếng là "khó trị" như trung vệ Nguyễn Huy Hoàng thời đó khi ra sân cũng một điều "anh Thắng", hai điều "anh Thắng". Trận "chung kết V.League" năm ấy giữa Sông Lam Nghệ An và T&T Hà Nội trên sân Vinh, khi ông Thắng hỏi các cầu thủ trong giờ nghỉ giữa hiệp: "Sang hiệp 2, nếu đối phương gỡ hoà rồi dẫn ngược thì các em làm gì?", tất cả đồng thanh trả lời: "Chúng em tử chiến". Tất cả đủ cho thấy cái tư chất "đàn anh" của một người hiểu ngóc ngách bóng đá Việt Nam và hiểu ngóc ngách bụng dạ cầu thủ như ông Thắng đã giúp ông thu phục lòng quân tốt đến thế nào.
Khi lên cầm quân Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự AFF Suzuki Cup năm 2016, một lần nữa ông Thắng lại nhấn mạnh cái tư chất "đại ca", sống chết cùng cầu thủ của mình. Trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh ông đều tìm cách bênh vực cầu thủ.
Khi Đình Luật, Văn Quyết dính án kỷ luật VFF, chưa thể lên Tuyển tức thời, ông không ngại có những phát biểu trước báo giới kêu gọi mọi người thông cảm cho những cầu thủ này. Đến khi Đội tuyển thất bại trong trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2016 trước Indonesia, một lần nữa ông lại nhận tất cả trách nhiệm về mình, chứ tuyệt đối không đổ lỗi cho cầu thủ. Và mới nhất, khi U.22 Việt Nam thua lấm lưng trắng bụng U.20 Argentina 5 bàn, ông Thắng lại bảo: "Lỗi là do tôi".
Có một HLV luôn sống chết với cầu thủ và luôn biết cách thu phục nhân tâm cầu thủ như ông Thắng, người ta không sợ chuyện các cầu thủ phản thầy. Mà trong bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở cấp độ V.League, chỉ cần cầu thủ ra sân mà không phản thầy là "cửa" thành công đã được đảm bảo dăm bảy phần.
Nhưng bên cạnh việc tạo ra một môi trường để các cầu thủ sẵn sàng vì mình mà sống chết, một HLV giỏi còn phải là người giỏi "đọc" trận đầu, giỏi điều binh khiển tướng để có thể giúp đội bóng của mình đạt được những ưu thế nhất định về chuyên môn. Với U.22 Việt Nam, một đội bóng tham dự SEA Games 29 với khát vọng đoạt huy chương vàng thì những đòi hỏi chuyên môn này là điều cực kỳ quan trọng.
Thế nên hơn lúc nào hết, VFF nên tính đến việc mời một cố vấn chuyên môn hỗ trợ, tư vấn cho HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đó có thể là vị giám đốc kĩ thuật người Đức, mà cũng có thể là một HLV người Việt có nhiều bài vở. Nếu không giải quyết được khâu chuyên môn trọng yếu này, e là giấc mơ vàng SEA Games khó mà thành được!
Vai trò của "ông cố vấn" Sau khi cùng U.19 Việt Nam lọt vào bán kết giải U.19 châu Á năm 2016, và giành quyền tham dự vòng chung kết U.20 thế giới năm 2017, HLV trưởng Đội tuyển U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò cố vấn chuyên môn của vị giám đốc kĩ thuật người Đức, ông Jurgen Gede. Ông Tuấn cho biết, ông Gede luôn có những phân tích rất chính xác về các đối thủ của đội tuyển, và cũng là người có những góp ý hữu ích cho ông Tuấn trong việc vạch ra lộ trình huấn luyện của Đội tuyển. Hiện tại ông Gede đã cùng ông Tuấn ở Hàn Quốc, chuẩn bị tham dự vòng chung kết U.20 thế giới. Sau giải đấu này có thể ông Gede, và cả HLV Hoàng Anh Tuấn cũng sẽ được cùng lúc bổ sung vào thành phần ban huấn luyện Đội tuyển U.22 Việt Nam để giúp cho phần "chất xám" của Đội tuyển được cải thiện. (Ngọc Anh) |