Đội bóng ngành Quân đội liệu có đáp ứng sự kỳ vọng trong cuộc đua trụ hạng?

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:00
Viettel sẽ kết thúc mùa giải đầu tiên lên chơi ở V.League trong cuộc đua trụ hạng. Đội bóng ngành Quân đội có đáp lại sự kỳ vọng mà khán đài sân Hàng Đẫy vẫn dành sự kỳ vọng trong từng tiếng hô “Thể Công” ngày nào?

Năm 2009, Bộ Quốc phòng đã quyết định xóa tên Thể Công, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng Quân đội. Lý do được đưa ra là do những thành tích bết bát của đội bóng ở mùa giải 2009 như một giọt nước tràn ly.

Mặc dù Thể Công thời điểm đó đã không hoàn toàn là của Quân đội khi từng bước chuyển đổi mô hình theo yêu cầu của AFC với sự quản lý và đầu tư của Viettel. Nhưng sự liên quan lại nằm ở chỗ cái tên Thể Công lại là thương hiệu và đội bóng vẫn trực thuộc ngành Quân đội.

Và hơn nữa, với những thành tích kém cỏi của Thể Công thời điểm đó, đội bóng nhận được rất nhiều sự chỉ trích của một bộ phận khán giả. Cũng vì điều này mà Bộ Quốc phòng muốn lấy lại cái tên để giữ cho thương hiệu này không bị bôi đen trong mắt người hâm mộ.

Sau gần một thập kỷ, cái tên Thể Công xuất hiện trở lại ở sân chơi chuyên nghiệp quốc gia. Thế nhưng, cái tên ấy chỉ xuất hiện trên khán đài sân Hàng Đẫy khi các cổ động viên cổ vũ cho CLB Viettel thi đấu ở giải hạng Nhất 2016. Đó là thời điểm mà lứa cầu thủ trẻ đầu tiên của Trung tâm Thể thao Viettel ra mắt ở các giải chuyên nghiệp.

CĐV vẫn cổ vũ Viettel với cái tên Thể Công. Ảnh: H.Đ..

Viettel trong bối cảnh đó là đội bóng của doanh nghiệp chứ không còn mang trong mình bản sắc Thể Công xưa. Tuy nhiên, họ vẫn được các thế hệ cựu cầu thủ Thể Công và người hâm mộ đặt kỳ vọng sẽ từng bước gây dựng lại tượng đài bóng đá. Những cựu cầu thủ Thể Công như: Lê Nhâm, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Sỹ Hiển, Cao Cường... luôn dõi theo và đồng hành cùng CLB Viettel kể từ khi đội bóng còn đang thai nghén trước khi lên chơi ở hạng Nhất và bây giờ là V.League.

Trong mùa giải đầu tiên chơi ở hạng Nhất, tâm lý thi đấu chính là nhược điểm của các cầu thủ trẻ Viettel, trong đó, việc được gán cho cái tên Thể Công quá sớm đã tạo cho các cầu thủ áp lực. Chính HLV Đinh Thế Nam khi dẫn dắt Viettel thời điểm đó đã thừa rằng: “Các cháu mới chỉ đang trên con đường trở lại Thể Công ngày xưa, đương nhiên với cái tên lớn ảnh hưởng phần nào đến các cháu”.

Thế là trong suốt 3 mùa giải hạng Nhất, Viettel vẫn luôn được nhắc đến là những hậu duệ của Thể Công. Thậm chí, khi Viettel giành vé lên chơi ở V.League 2019, ban lãnh đạo đội bóng đã tuyên bố trước truyền thông sẽ đưa cái tên Thể Công trở lại. Tuy nhiên, đến phút cuối, tên Viettel vẫn được giữ nguyên khi lên chơi V.League 2019. Còn trên khán đài, họ vẫn được cổ vũ trong những tiếng Thể Công như các trận đấu ở hạng Nhất.

Sau mùa giải đầu tiên chơi ở V.League, Viettel đã thấm thía sự nghiệt ngã ở sân chơi có thứ hạng cao nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, điều quan trọng là người hâm mộ vẫn chưa thấy được tinh thần Thể Công trên sân đấu. Bản sắc là điều mà Viettel vẫn chưa định hình được. Họ loay hoay trong cơ chế hoạt động của một đội bóng của doanh nghiệp.

Còn nhớ, trong lễ xuất quân lần đầu tiên của các cầu thủ Viettel dự giải hạng Nhất năm 2016, cựu danh thủ Cao Cường đã có những nhắn nhủ cho các cầu thủ trẻ về tinh thần Thể Công là: “Các cháu phải nghĩ rằng các cháu là người lính đá bóng. Người lính đá bóng thì từ tinh thần, đạo đức, ý trí phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng. Về chuyên môn cũng thế, phải luôn luôn rèn luyện, phải luôn coi mình là một người lính trên mặt trận thể thao. Phải luôn luôn có kỷ luật, có đạo đức, chấp hành nghiêm và giữ sức khỏe để tập luyện. Đời cầu thủ rất ngắn, nếu các cháu không biết giữ sức khỏe, giữ ý thức kỷ luật chấp hành thì các cháu không thành công được. Chúng tôi đi tập luyện bao giờ cũng có câu khẩu hiệu rằng: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu”.

Với tinh thần của một người lính, các cháu phải phát huy lên. Các cháu phải hiểu mình là đội bóng của người lính chứ không phải là đội bóng của doanh nghiệp. Các cháu phải ghi nhớ trong đầu mình là một người lính đá bóng, một người lính chiến đấu trên mặt trận sân cỏ thì mới vượt qua được khó khăn, vượt qua được những thử thách của đối phương mang lại cho mình. Thể Công có truyền thống và cách nghĩ khác nhau. Đó là phải nhớ là không phải cầu thủ mặc áo lính mà là những người lính đá bóng”.

Năm 2019, Thể Công sẽ kỷ niệm 65 năm truyền thống. Thế nhưng, đã 10 năm, cái tên Thể Công mất đi trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp. Chuẩn bị cho V.League 2019, Viettel đã có tham vọng và đầu tư một cách nghiêm túc về mặt nhân sự. Đặc biệt là đội bóng ngành Quân đội hướng đến thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến như những bậc tiền bối của Thể Công năm xưa đã từng gây dựng hình ảnh. 

Phải thừa nhận rằng, từ Viettel đến Thể Công là một khoảng cách rất xa. Để trở lại, không chỉ đơn thuần là chuyện xin lại 1 cái tên, đó còn là tinh thần của những “người lính đá bóng”. Đó phải là một tập thể có hồn cốt.

Hưng Hà
.
.
.