Thể Công về với Viettel: Sông đã ra biển lớn

Thứ Sáu, 25/02/2005, 07:59

Với việc được chuyển giao cho Công ty Điện tử viễn thông Quân đội (Viettel), Thể Công là đội bóng ngành cuối cùng trong làng bóng đá Việt Nam cởi bỏ chiếc áo bao cấp để hòa mình vào dòng chảy doanh nghiệp hóa bóng đá. Kéo theo đó, cái tên Thể Công, biểu tượng cho một quá khứ vàng son, cũng đã đổi thành Thể Công - Viettel cho phù hợp với chủ sở hữu mới.

Thực ra trước cái thủa ban đầu bóng đá nước nhà bỡ ngỡ lên chuyên, Thể Công cũng đã từng có lần bị đổi thành Câu lạc bộ Quân đội. Nhưng bình mới mà rượu vẫn cũ nên thời gian tồn tại của phiên hiệu này chẳng kéo dài được bao lâu, thì lại phải quay trở về với cái tên khai sinh.

Còn ở lần ghép tên với doanh nghiệp này thì sao? Liệu cái danh mới có nâng được tầm cái thực cũ để đội bóng áo đỏ có thể chính thức đặt chân lên con đường chuyên nghiệp hay không?

Rõ ràng, so với năm xưa, sự thay đổi đã không còn nằm trong giới hạn của việc định danh hình thức mà đã vươn sang cả nhận thức và cách làm bóng đá của đội bóng áo đỏ. Theo đó, Thể Công được chuyển giao toàn bộ từ con người, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo cho doanh nghiệp Viettel điều hành và quản lý. Về mặt tổ chức, đội bóng này sẽ hoạt động như một bộ phận trực thuộc doanh nghiệp.  

Dưới sự chăm sóc của một doanh nghiệp viễn thông có tư duy làm việc lành mạnh và rất sáng tạo như Viettel, Thể Công đầy hy vọng tìm lại được phong độ đúng của mình. Các cầu thủ sẽ chẳng còn cái cảnh tập chay mấy tháng đợi lương. Giá trị sức lao động của họ cũng sẽ được nâng lên, không thua kém gì những đồng nghiệp ở các đội bóng hàng đại gia khác.

Nhưng đây chỉ là bề nổi của việc chuyển giao. Kể cả khi còn nằm trong vòng tay bao cấp của Cục Quân huấn, Thể Công chưa bao giờ thiếu tiền. Bởi với sự hậu thuẫn của đơn vị chủ quản, sau lưng họ có hàng loạt những tổng công ty lớn thuộc ngành Quân đội tài trợ theo cái tình cảm cả nhà thương nhau. Điều mà Thể Công thiếu là một cơ chế để sử dụng những núi tiền ấy. Đơn cử như việc tuyển mộ ngoại binh, tăng lương cho các cầu thủ, tất thảy đều bị bó bởi những rào cản quy định khó vượt của một đội bóng nhà binh. Chính vì vậy, cái được lớn nhất của việc chuyển giao cho một doanh nghiệp quản lý là Thể Công sẽ có được một cơ chế thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, khi trở thành một bộ phận của doanh nghiệp, Thể Công - Viettel sẽ phải tự đi trên đôi chân của mình, chứ không thể trì trệ, ỷ lại vào đơn vị chủ quản như trước. Đặc biệt là trong vấn đề tài chính, từ cá nhân cho tới toàn thể đội bóng sẽ buộc phải chiến đấu cho quyền lợi trực tiếp của mình.

Tất nhiên, lộ trình hòa nhập và thích nghi với vai trò mới của Thể Công còn nhiều gian nan. Đó cũng là điều dễ hiểu vì họ đã xuất phát kém các đội bóng khác tới 4 năm trên con đường lên chuyên nghiệp. Thế nên, khó có thể đòi hỏi ngay một lúc đội bóng áo đỏ lột xác trở thành một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp 100%.

Thậm chí, cả việc trở lại mái nhà V.League ở mùa giải năm 2006 của Thể Công cũng chỉ là điều nên chờ đợi và hy vọng, chứ không thể đặt nặng thành chỉ tiêu pháp lệnh để đánh giá hiệu quả của việc chuyển giao. Thay vào đó, hãy cổ vũ, tiếp thêm cho họ niềm tin để kiên định theo hướng đi mới của mình cho một ngày vừng Đông của bóng đá Việt Nam sẽ lại hửng sáng như xưa.

Vài nét về Thể Công 

Hoàn cảnh ra đời: 23/9/1954 tại Trung Quốc, câu lạc bộ ra đời. Ngày 10/10/1954, 23 chiến sỹ VĐV Thể Công tiếp quản SVĐ Cột Cờ thành lập Đoàn Thể dục - Thể thao Quân đội.
Trang phục truyền thống: Đỏ.
Các thành tích đạt được:
+ Vô địch cả 2 hạng A và B của giải bóng đá miền Bắc đầu tiên: năm 1955.
+ Vô địch giải hạng A miền Bắc năm: 1956, 1958, 1968, 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978, 1979.
+ Vô địch quốc gia mùa bóng 1980 - 1981, 1981 - 1982, 1982 - 1983, 1984 - 1985, 1986 - 1987, 1989 - 1990, 1997 - 1998.
+ Vô địch Siêu cúp đầu tiên: năm 1999.
+ Vô địch Đại hội Thể dục -  Thể thao toàn quốc: năm 2002.
+ Xếp hạng ba Strata. V- League 2001.
+ Á quân Cúp quốc gia: năm 2004.
Các danh hiệu Nhà nước trao tặng:
+ 1 Huân chương Quân công hạng Ba.
+ 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất.
+ 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì.
+ 1 Huân chương Chiến công hạng Ba.
+ Nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ, Quân đội và Ủy ban Thể dục - Thể thao.

Bảo Hân
.
.
.