Đội tuyển Việt Nam kết thúc vòng loại World Cup 2018, khu vực châu Á:

Từ Miura, Hữu Thắng, đến "đỉnh trời" Thái Lan

Thứ Tư, 30/03/2016, 11:21
Đứng thứ ba ở bảng F, sau Thái Lan và Iraq, Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) không đạt được mục tiêu ban đầu (đứng trong hai vị trí đầu tiên để hy vọng được tham dự vòng loại cuối cùng), nhưng vấn đề quan trọng không phải là vị trí. Với chúng ta, có quá nhiều biến động từ trong lẫn ngoài ở giải đấu này.


Trong...

ĐTVN bắt đầu vòng loại với sự dẫn dắt của thầy Nhật Toshiya Miura, và phải nói đấy là những trận đấu gây giông bão. Sau giai đoạn trăng mật ở Asiad 17 và AFF Suzuki Cup năm 2014, tới giải đấu này ông Miura để lộ ra hàng loạt bất cập trong tư tưởng cầm quân, đánh trận của mình.

Rõ nhất là việc ông chuộng những cầu thủ kiểu lực sĩ, loại gần hết những cầu thủ kĩ thuật, và một "ĐTVN lực sĩ" - một ĐTVN có nhiều lúc trở nên xù xì, bạo lực đã để thua đối thủ trực tiếp Thái Lan trong cả 2 trận đấu, với tổng tỷ số 0-4.

Trận lượt đi ở Bangkok, nhiều người thậm chí phải đặt ra câu hỏi: ĐTVN đang chơi bóng hay chỉ đơn thuần phá bóng? Và ở trận đấu này, một thẻ đỏ phải nhận vẫn là quá ít so với những pha phạm lỗi mà chúng ta tạo ra.

Đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Iraq. Ảnh: Nhật Đoàn VNN.

Còn ở trận lượt về tại Hà Nội, trận đấu mà chúng ta thua bàn thứ 3 sau 17 lần chạm bóng tấn công của người Thái đã nói lên tất cả. Đấy là 17 lần chạm bóng thật sự tinh tế, kĩ thuật. Và đấy là 17 lần chạm bóng khiến cho hệ thống phòng ngự Việt Nam không biết đâu mà lần.

Cứ nhìn nụ cười tươi rói của HLV trưởng Kiatisak và gương mặt hoang mang, khốn khổ của HLV trưởng Miura sau 17 lần chạm bóng ấy là đủ hiểu sự tương phản giữa đôi bên đang ở mức độ nào.

Một pha tranh cướp bóng trong trận Việt Nam - Iraq. Ảnh: Nhật Đoàn VNN.

Hai trận cuối vòng loại với Đài Bắc (Trung Quốc) và Iraq thì người dẫn dắt ĐTVN là thầy nội Hữu Thắng. Và ai cũng thấy, từ Miura đến Hữu Thắng đã có những thay đổi quan trọng cả về tinh thần tư tưởng lẫn cách triển khai chiến thuật.

Một đội hình cơ bắp của Miura đã được thay thế bằng sự kết hợp uyển chuyển giữa "độ cứng Sông Lam" và "độ mềm Hoàng Anh", nhờ thế những yếu nhân Hoàng Anh thường xuyên đóng vai dự bị dưới thời miura như Xuân Trường, Tuấn Anh đã được trọng dụng.

Một ĐTVN thay vì kiểu phất sâu chạy dài đã dám cầm bóng, tổ chức tấn công bằng những bài đánh nách nhỏ nhuyễn và hiệu quả. Chiến thắng 4-1 trước Đài Loan (Trung Quốc) là lời tưởng thưởng xứng đáng cho những thay đổi ấy.

Ở trận đấu còn lại với Iraq (thua 0-1) thì chúng ta không thể hiện được nhiều, nhưng cũng chẳng có gì bất ngờ vì sự chênh lệch đẳng cấp giữa đôi bên quá lớn.

Rõ ràng, từ Miura đến Hữu Thắng, ĐTVN đã cho thấy những vận động bên trong - những vận động nội tại đầy khích lệ.

Và ngoài...

Vòng loại World Cup 2018 khép lại, bóng đá Việt Nam sẽ trở về cái quĩ đạo muôn thủa Đông Nam Á, nơi mà tân HLV trưởng nhận nhiệm vụ "sẽ vào chung kết AFF Suzuki Cup 2016" và "vô địch SEA Games 2017", vậy thì tương quan của chúng ta trong những trận địa này đến đâu?

Cầu thủ Việt Nam (trái) khởi sắc dưới thời HLV Hữu Thắng. Ảnh: H.M.

Như đã nói, hai trận đấu của ĐTVN với ĐT Thái Lan là hai trận đấu chúng ta thua toàn diện. Chắc chắn một bộ phận dư luận cho rằng cái thua ấy đơn giản đến từ những sai số trong công tác huấn luyện của cựu thầy Miura.

Ở đây, phải thấy sự bất hợp lý trong cách sử dụng con người và lối chơi của Miura là có thật, nhưng ngay cả khi Miura được thay thể bằng Hữu Thắng thì cũng đừng nghĩa cái khoảng cách Việt - Thái được thu hẹp lại.

Có một chi tiết rất đáng tham khảo, đó là sau khi đứng đầu bảng F để giành vé tham dự vòng đấu cuối cùng vòng loại World Cup khu vực châu Á, HLV trưởng ĐT Thái Lan Kiatisak tuyên bố: "Bây giờ những đội bóng lớn châu Á không dễ dàng bắt nạt Thái Lan".

Kiatisak nói không ngoa. Những gì "Sắc" làm được với Olympic Thái Lan tại Asiad 17 năm 2014 và vòng loại World Cup vừa qua (khiến ông kẹ Iraq phải toát mồ hôi hột mới có thể gỡ hoà 2-2) chứng minh điều ấy.

Và như thế, trong khi chúng ta đang chứng kiến những thay đổi tích cực bên trong mình thì nhìn ra ngoài, người Thái thực sự đang trở thành một cái "đỉnh trời mênh mông" ở làng cầu Đông Nam Á, và đang tiếp cận tới đỉnh cao châu lục.

Kết thúc vòng loại World Cup, vừa mừng vừa lo là vì thế!

Cẩn thận, kẻo "ăn" thẻ không đáng có

Hai trận đấu của ĐTVN dưới thời tân HLV Nguyễn Hữu Thắng, bên cạnh những điểm rất tích cực cũng cần nhìn ra những điều nên tránh, mà rõ nhất là những pha phạm lỗi không đáng có. Ở trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc), Quế Ngọc Hải - người mới trở lại sau 6 tháng treo giò đã có một pha vào bóng bằng gầm giày rất nguy hiểm, và rất may là ở tình huống ấy trọng tài bỏ qua. Khi đá ở sân khách, trong những trận đấu bất lợi với mình, trong tình huống này ĐTVN rất dễ mất người vì thẻ đỏ. Đến trận đấu với Iraq, hết hậu vệ Đình Hoàng, Đình Luật đến ngay cả một cầu thủ gạo cội như Công Vinh cũng thực hiện những pha "đánh kín" với đối phương. Chắc chắn đây là một vấn đề mà HLV Hữu Thắng không thể xem thường, hoặc bỏ qua.

Tuấn Thành


Một Đội tuyển đang được trẻ hoá

Có thể nói một trong những điểm ấn tượng nhất của ĐTVN là sự trẻ hoá. Rất nhiều cầu thủ trẻ, lần đầu khoác áo ĐT nhưng đã thi đấu khá ấn tượng, trong đó nổi bật là bộ 3 Hoàng Anh Gia Lai Tuấn Anh - Xuân Trường - Văn Toàn. Ở trận Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc), khoảnh khắc Xuân Trường "sục" chân, chuyền bóng cho Văn Toàn ghi bàn thực sự là một khoảnh khắc đẹp, cho thấy sự ăn ý giữa hai cầu thủ đã gắn bó với nhau cả chục năm trời. Chắc chắn hiệu ứng trẻ - "hiệu ứng Hoàng Anh" trong lòng ĐT sẽ còn tăng lên, và đấy là điều mà ông PCT tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức không thể không hài lòng.

 Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.