Chọn thầy cho bóng đá Việt Nam:

Tít mù rồi lại vòng quanh...

Thứ Bảy, 30/01/2016, 09:10
Ông Miura đã ra đi, và Ban chấp hành VFF quyết định chọn thầy nội lên cầm ĐT. Nếu không cẩn thận, hành trình chọn thầy sẽ trở thành một hành trình tít mù luẩn quẩn, khiến cả người đã chọn lẫn người bị chọn sau này đều hối tiếc.

Cần phải trở lại quãng thời gian 2011, khi thầy Đức Falko Goetz chia tay bóng đá Việt Nam sau thất bại tại đấu trường SEA Games. Thời điểm ấy, hàng loạt quan chức cấp cao VFF cùng tuyên bố: đã đến lúc dùng thầy nội, và nói như Chủ tịch VFF lúc ấy, ông Nguyễn Trọng Hỷ thì: "Bóng đá Malaysia đã thành công với thầy nội Rajagobal thì tại sao bóng đá Việt Nam lại không thể thành công với thầy nội?". 

Sau thất bại của Miura, các quan chức VFF lại quay về phương án thầy nội, nhưng... Ảnh: H.M

Và thế là rất nhanh, người ta mời ông Phan Thanh Hùng - HLV trưởng CLB HN.T&T, cánh tay phải một thời của cựu HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto lên nhiếp chính. Nhưng ông Hùng sau đó đã thất bại nặng nề với chiến dịch AFF Susuki Cup 2012, và bị một phó chủ tịch VFF lúc ấy phê phán không ra gì trong một cuộc mổ xẻ nội bộ. 

Lại rất nhanh, thầy nội Hoàng Văn Phúc - một người được cho là có tư tưởng huấn luyện và chiến thuật tương tự ông Phan Thanh Hùng được chọn để thế chỗ. Nhưng sau đó, ông Phúc cũng thất bại ở SEA Games.

Đến lúc này, VFF với nhân vật quyền lực số 1 Lê Hùng Dũng khẳng định: "Bây giờ không nói chuyện thầy nội, thầy ngoại nữa, mà chỉ nghĩ đến thầy giỏi nhất". Cách nói này cho người ta một cảm nhận, ranh giới thầy nội - thầy ngoại đã được xí xoá, và không lâu sau đó HLV Toshiya Miura xuất hiện. Hẳn nhiên, ông Miura là thầy ngoại, nhưng "ngoại" này mang một tính chất khác hẳn so với các thầy ngoại trước đây, đó là ông đến từ Nhật Bản - nền bóng đá mà VFF đang thực hiện kế hoạch hợp tác chiến lược, toàn diện. 

Những gì diễn ra sau này với Miura thì tất cả đều đã rõ: Ông thất bại trong việc xây dựng một lối chơi có bản sắc, phù hợp với thể hình, thể trạng của bóng đá Việt Nam. Và sau thất bại của một ông thầy ngoại người châu Á, bóng đá Việt Nam lại quay về phương án thầy nội, với Nguyễn Hữu Thắng - cựu HLV trưởng CLB Sông Lam Nghệ An là ứng cử viên hàng đầu.

Câu hỏi đặt ra: Sau chu kỳ thầy nội tới đây, rốt cuộc bóng đá Việt Nam rồi sẽ tiếp tục sử dụng thầy nội hay lại quay sang phương án ngoại? Không ai có thể trả lời.

Nhìn lại cả một quả trình sử dụng thầy ngoại, thầy nội, rồi "thầy giỏi nhất" (thực chất vẫn là ngoại) và bây giờ lại là thầy nội, dễ thấy cách dùng thầy của VFF rất tuỳ tiện, và nó là một cách làm mang nặng tính ứng xử tình huống, chứ chẳng đi theo một lộ trình, chiến lược dài hơi nào cả. 

Hãy nhìn sang người Malaysia, nên nhớ trước khi sử dụng các HLV nội Rajagobal và Ong Kim Swee cho ĐTQG nước mình, Liên đoàn Bóng đá Malaysia đã từng nhiều năm sử dụng 2 ông thầy này ở các ĐT trẻ quốc gia, và chính quá trình dài hơi gắn bó với các cầu thủ trẻ nên khi lên nhiếp chính ở ĐTQG, cả hai đều đã phát huy hiệu quả tối đa. 

Nếu phải lấy thêm một ví dụ nữa thì đó chính là việc bóng đá Thái Lan đã sử dụng đồng bộ thầy nội Kiatisak, và những thành công của Kiatisak với ĐT U.23 và ĐTQG Thái Lan vừa qua như thế nào là điều tất cả chúng ta đều biết.

Rõ ràng, trước khi tìm một ông thầy cần phải vạch ra một chiến lược dùng thầy. Và trước khi đặt một ông thầy lên ghế phải có một lộ trình bài bản, lớp lang để khi chính thức ngồi lên ghế, ông thầy không bị ngợp. Đừng đổ tại rằng VFF chưa có giám đốc kỹ thuật nên chưa thể thực hiện công việc mang tính định hướng chiến lược này, bởi thực tế VFF vẫn đang có một ông phó chủ tịch chuyên môn và cả một Hội đồng HLV Quốc gia mới được bầu bán, hoạt động trở lại với phương châm "thực chất và đổi mới".

Nếu không có một chiến lược, một lộ trình đúng đắn cho việc dùng thầy, mà cứ tuỳ tiện hoặc tít mù rồi lại vòng quanh sau mỗi thất bại của một ông thầy thì chắc chắn ĐTQG Việt Nam trong tương lai sẽ không thể phát triển tử tế và bền vững.

Chờ một câu trả lời sòng phẳng của VFF

Ngay sau khi thông tin VFF chính thức nói lời chia tay với HLV Toshiya Miura được đưa ra, một vài tờ báo đã đăng tải thông tin ông Miura đã làm việc với một quan chức VFF từ trước đó, và đã biết trước thông tin này. Thậm chí, người ta còn bảo, ông Miura đã chơi đẹp khi không nhận nốt 2 tháng lương cuối của mình, trị giá khoảng 34.000 USD.

Nếu thông tin này là chính xác thì hoá ra cuộc họp BCH VFF - nơi các quan chức cấp cao VFF xin ý kiến 16 thành viên BCH về số phận ông Miura chỉ là một cách làm hình thức? Và nếu đúng thế, phải chăng BCH đã bị qua mặt? Hơn lúc nào hết, những thành viên trong thường trực VFF phải trả lời thật rõ ràng, chính xác những khúc mắc này. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.