Những lần “môn thể thao vua” phải chịu thua dịch bệnh

Thứ Ba, 24/03/2020, 09:13
Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu, đã khiến rất nhiều sự kiện thể thao lớn bị đình lại.

Dĩ nhiên bóng đá không nằm ngoài số đó. Hiếm có thời điểm nào kể từ lúc ra đời, môn thể thao vua lại đứng trước một đợt trì hoãn lớn như ở thời điểm hiện tại.

Bóng đá trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Vào thuở bình minh sơ khai của bóng đá đầu thế kỷ XX, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914 đã khiến tiến trình phát triển của môn thể thao này bị ảnh hưởng đáng kể. Các giải VĐQG của Anh, Đức, Italia, Pháp và nhiều giải đấu khác ra đời trước thời điểm ấy đều bị hoãn. La Liga của Tây Ban Nha không nằm trong danh sách này vì mãi tới năm 1929 mới ra đời.

Rất nhiều cầu thủ đã phải lên đường nhập ngũ phụng sự cho tổ quốc của mình. Tại Anh, thậm chí có một tiểu đoàn gồm toàn các cầu thủ gia nhập quân đội, đứng đầu bởi Frank Buckley, từng là thành viên của Aston Villa, M.U, Man City và Birmingham. 

“Tiểu đoàn bóng đá” tên phiên hiệu là tập đoàn 17 trực thuộc Trung đoàn Middlesex. Bản thân Buckley bị thương ở phổi và vai trong Thế chiến I, khi kết thúc chiến tranh, ông đang ở hàm Thiếu tá. Một đài tưởng niệm Tiểu đoàn bóng đá đã được khánh thành vào năm 2010 tại Longueval, Pháp.

Bóng đá trong thời Thế chiến I còn nổi tiếng qua trận đấu đêm Giáng sinh huyền thoại giữa các binh lính Anh và Đức tại mặt trận phía Tây nước Đức, kéo dài từ biển Bắc Hải đến biên giới Pháp và Bỉ. Đêm 24-12-1914, dù không có một lệnh ngừng bắn chính thức nào được đưa ra, binh lính hai chiến tuyến rời chiến hào của mình, chia sẻ thuốc lá và quà tặng, cùng hát vang những bài hát Giáng sinh. Một trận đấu bóng đá được tổ chức với tinh thần hữu nghị.

Tượng đài kỷ niệm trận đấu đêm Giáng sinh trong Thế chiến I.

Nhiều sử gia sau này nói rằng không có những bằng chứng cụ thể về việc trận đấu đó đã diễn ra. Nhưng dù trận đấu ấy có thật hay không, nó vẫn trở thành biểu tượng của hòa bình, phản ánh tính chất bình đẳng và mong muốn kéo những dân tộc trên toàn thế giới xích lại gần nhau của bóng đá. Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA sau này đã dựa trên nguồn cảm hứng từ “trận đấu đêm Giáng sinh” để tạo ra nghi thức bắt tay giữa các cầu thủ với nhau trước trận đấu.

Ngày 11-11-1918, Thế chiến thứ I kết thúc trên chiến trường nhưng nó chỉ thực sự chấm dứt sau Hòa ước Versailles ký ngày 28-6-1919.

Các giải bóng đá bắt đầu được tiến hành trở lại ở mùa 1919-1920, vào lúc đó, không ai nghĩ rằng môn thể thao này sẽ một lần nữa bị trì hoãn bởi một cuộc chiến còn tàn khốc gấp nhiều lần Thế chiến I.

Hai lần World Cup bị hủy bỏ

Chiến tranh thế giới thứ 2 (Thế chiến II) bắt đầu vào ngày 1-9-1939 và kéo cả thế giới vào một giai đoạn bi thảm trong lịch sử nhân loại.

Giống như Thế chiến I, các cầu thủ phải dừng sự nghiệp chơi bóng để gia nhập quân đội. Rất nhiều người đã bỏ mạng trên các chiến trường khi tuổi đời còn trẻ.

Tại Anh, các giải đấu bắt đầu dừng từ mùa 1939-1940 và đến tận mùa 1946-1947 mới bắt đầu trở lại. Mặc dù vậy, các giải đấu địa phương vẫn diễn ra ngay trong thời gian chiến tranh để phục vụ nhu cầu giải trí của mọi người. 

Những trận đấu này gây tranh cãi bởi việc tụ tập đông người có thể trở thành thảm họa nếu như kẻ thù tấn công, nhưng nó vẫn tồn tại, bởi niềm vui từ trái bóng là sự an ủi trong những ngày tháng u ám của bom đạn và những tờ giấy báo tử liên tục được gửi về.

Giải VĐQG của Pháp cũng bị tạm hoãn trong suốt thời gian diễn ra thế chiến II và được nối lại từ mùa 1945-1946. Ở Tây Ban Nha, La Liga bị hoãn trong Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), nhưng lại không bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi Serie A ở Italia (một trong 3 nước của trục phát xít cùng Đức, Nhật) thi đấu bình thường cho đến năm 1943 trước khi bị hủy bỏ mùa 1944-1945 (giải đấu trở lại mùa 1945-1946).

Giống như Serie A, Bundesliga của Đức cũng tiếp tục  diễn ra trong suốt thời gian của cuộc chiến, với Schalke là đội thành công nhất trong giai đoạn đó khi giành được ba trong số sáu chức vô địch trong khoảng thời gian từ 1939 - 1944. Tuy nhiên sau thất bại của phát xít Đức, bóng đá Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề và các giải đấu chỉ hoạt động trở lại năm 1948.

Tất nhiên World Cup cũng không thể diễn ra trong giai đoạn này. World Cup 1942 và 1946 bị hủy bỏ. Italia, đội đăng quang tại World Cup 1938 là nhà đương kim vô địch thế giới cho tới năm 1950 khi World Cup được tổ chức trở lại tại Brazil. Giải đấu đó kết thúc bằng trận cầu lịch sử trên sân Maracana, nơi Uruguay hạ chủ nhà Brazil để có lần thứ 2 lên ngôi vô địch.

Giống như “trận đấu đêm Giáng sinh” ở Thế chiến I, Thế chiến II cũng có một trận đấu biểu tượng diễn ra ngày 9-8-1942. Bất chấp những lời đe dọa đến tính mạng, một nhóm công nhân tại xưởng bánh mỳ Kiev số 3 (các cựu cầu thủ của Dynamo và Lokomotiv Kiev) vẫn ra sân thi đấu và giành chiến thắng trong trận đấu với đội tuyển của phát xít Đức. Trận đấu đó sau này được biết đến với cái tên “Trận cầu tử thần”.

Có một thực tế là dù Thế chiến I và II khiến bóng đá phải gián đoạn nhưng xét trên phạm vi toàn cầu thì cả hai cuộc chiến tranh đó đều không thể khiến “môn thể thao vua” bị trì hoãn ở nhiều quốc gia và châu lục như đại dịch COVID-19!

Đơn Ca
.
.
.