Những “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam 2017: Gọi tên Ánh Viên, Tú Chinh
Nhìn lại năm 2017, thể thao Việt Nam đã có một năm thăng hoa với sự toả sáng của những môn thể thao Olympic danh giá. Nếu như Ánh Viên tiếp tục thống trị đường đua xanh thì Lê Tú Chinh cũng bất ngờ trở thành “nữ hoàng tốc độ” mới của khu vực. Cùng ở lứa tuổi 20 với xuất thân gian khó, hai cô gái này là minh chứng cho thấy đường đến vinh quang không trải đầy hoa hồng.
“Nếu ngừng phấn đấu, em sẽ là kẻ thất bại”
Không dùng điện thoại, Ánh Viên hầu như ít tiếp xúc với giới truyền thông. Bản tính hiền lành, có phần nhút nhát, cô gái Cần Thơ rất ngại nói về mình và cũng không mấy bận tâm đến việc truyền thông đang tung hô mình như một “người hùng” của thể thao.
Từ nhỏ, Ánh Viên đã thích bơi lội, thường xuyên đòi ông nội dạy bơi. Lớn lên, ngoài bơi lội, em tự nhận mình không có hứng thú với bất cứ môn thể thao nào khác.
Từ khi học lớp 5, với năng khiếu đặc biệt, em được chọn đi thi đấu Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố và sau đó được Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) huấn luyện để trở thành VĐV đỉnh cao. Khi mới 16 tuổi, Ánh Viên đã cao 1,7m, sải tay dài 1,78 m, bàn chân to, rất thích hợp với môn bơi.
Năm 2011, Ánh Viên giành 10 HCV cả 10 nội dung đăng ký thi đấu tại Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc. Cùng năm đó, SEA Games 26 được tổ chức tại Indonesia và em là một trong những VĐV nhỏ tuổi nhất. Tuy nhiên, ở kì Đại hội này, em chỉ giành được 2 HCB ở nội dung 100m bơi ngửa và 400m hỗn hợp, không có HCV.
Chỉ một năm sau, cái tên Ánh Viên bất ngờ gây tiếng vang lớn khi phá chuẩn B Olympic ở nội dung 200m bơi ngửa để đại diện cho Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa hè 2012.
Ánh Viên giành 8 HCV, 2 HCB tại SEA Games 29. |
Năm 2017, Ánh Viên tiếp tục gặt hái được nhiều thành công vang dội khi giành tới 8 HCV, 2 HCB, phá 3 kỷ lục SEA Games 29. Không chỉ vậy, cô gái 21 tuổi còn giành 2 HCV tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á cùng 16 HCV tại các giải vô địch quốc gia.
Tại giải Vô địch thế giới diễn ra tại Hungary vào tháng 7, Ánh Viên xếp hạng 10 nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ và hạng 18 nội dung 200m hỗn hợp.
Không ngoài dự đoán, Ánh Viên đã vượt qua hàng loạt ứng cử viên sáng giá để giành danh hiệu VĐV xuất sắc nhất năm 2017. Đây là lần thứ 4 Ánh Viên đoạt được danh hiệu này sau các năm 2013, 2014, 2015.
Mặc dù có một kì SEA Games thăng hoa, song Ánh Viên vẫn chưa hài lòng với bản thân. Em tâm sự: “Mặc dù có được 8 HCV nhưng với em, kì SEA Games này vẫn là thất bại bởi em mới chỉ đạt được khoảng 70% mục tiêu đề ra. Điều khiến em nuối tiếc nhất là đã không giành được HCV nội dung 100m tự do và 200m bướm do em bơi sai kĩ thuật. Lịch thi đấu của em tại SEA Games vừa qua khá dày đặc, có ngày phải thi đấu hai nội dung liên tục nên thành tích chưa được như kì vọng”.
Có trong tay bộ sưu tập huy chương danh giá nhưng Ánh Viên không ngủ quên trên chiến thắng. Em tâm sự: “Mỗi ngày em đều phải nỗ lực như chưa giành được gì. Nếu em ngừng phấn đấu, em sẽ là kẻ thất bại. Mỗi giải đấu là một thử thách mới và em rất sợ mình thua cuộc. Mục tiêu tiếp theo của em là ASIAD 2018 tại Indonesia”.
Thường xuyên nhận các khoản tiền thưởng khủng nhưng ít người biết, Ánh Viên không biết tiêu tiền. “Từ nhỏ em đã mong kiếm được tiền để có thể lo cho ba mẹ. Hiện tại, em không có nhu cầu tiêu xài cho sở thích cá nhân nên có được bao nhiêu em đều gửi về nhà” – Ánh Viên nói. Chỉ trong năm 2017, khoản tiền thưởng của Ánh Viên đã lên tới hàng tỉ đồng.
Đầy bản lĩnh khi thi đấu nhưng ngoài đời, Ánh Viên là một cô gái hiền lành, ít nói. Em tự nhận mình có hàm răng không đẹp, nụ cười xấu nhưng luôn vui vẻ. Từ em tỏa ra một thứ năng lượng đặc biệt, của sự lạc quan và dễ gần.
Em nói, em rất sợ ăn vì em phải ăn quá nhiều để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của một VĐV đỉnh cao. Mỗi ngày, em bắt buộc phải ăn 4 bữa chính và các bữa phụ. Bữa chính có ít nhất 1kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi.
Cho tới nay, Ánh Viên là VĐV duy nhất của Việt Nam được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong 6 năm tại Florida (Mỹ) của thầy trò Ánh Viên có kinh phí lên tới gần 7 tỷ đồng.
Không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Để có được thành công như hôm nay, cô gái 21 tuổi này đã phải hi sinh rất nhiều. Chế độ tập luyện của các VĐV đỉnh cao rất khắc nghiệt.
Để tập trung cao độ cho tập luyện, Ánh Viên không dùng Facebook, email, thậm chí không có điện thoại. Hầu hết bạn bè, gia đình hay phóng viên muốn liên hệ với Ánh Viên đều phải gửi email hoặc qua số điện thoại của HLV Đặng Anh Tuấn. Lịch tập luyện, thi đấu dày đặc nên việc về nhà thăm bố mẹ cũng trở thành một điều xa xỉ.
“Khi kết thúc SEA Games 29, điều đầu tiên em nghĩ đến là về nhà. Em nhớ ba mẹ nhưng nhiều khi về nhà chưa được 1 ngày lại phải đi ngay” – Ánh Viên chia sẻ.
Từ mồ côi mẹ đến “nữ hoàng tốc độ”
Ở tuổi 20, ngay trong lần đầu tham dự SEA Games, Lê Tú Chinh đã giúp quốc ca Việt Nam vang lên 3 lần tại sân vận động Bukit Jalil (Malaysia), đồng thời lật đổ vị trí thống trị suốt một thập kỉ của Thái Lan ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại quận 8 (TP Hồ Chí Minh), Tú Chinh có một tuổi thơ vất vả, nhiều sóng gió. Em mồ côi mẹ khi mới 8 tuổi. Để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học, cha em phải làm đủ mọi việc để kiếm sống. Khi vừa 11 tuổi, cơ duyên đã đưa em đến với điền kinh.
Khi đó, HLV Thanh Hương đến Trường Tiểu học Tuy Lý Vương (quận 8) để tìm kiếm tài năng cho điền kinh thành phố. Nhận thấy tố chất đặc biệt ở Tú Chinh, HLV Thanh Hương đã đưa em về tập luyện chuyên sâu để có thể trở thành VĐV chuyên nghiệp.
“Thời điểm đó, ba em không đồng ý cho em theo thể thao. Ba thương em vất vả. Em là con út trong nhà nên lúc nào cũng được ba quan tâm hơn. Nhưng em quyết tâm đi theo cô Hương với hi vọng có thể thoát được cái nghèo, giúp đỡ được gia đình. Người ta nói “thể thao chỉ dành cho con nhà nghèo” cũng không sai. Khoản tiền thưởng đầu tiên của em là 10 triệu cho HCB tại giải trẻ Đông Nam Á. Em gửi về cho ba để các chị đi học” – Tú Chinh kể lại.
Cho tới giờ, với Tú Chinh, SEA Games 29 vẫn như một giấc mơ, bởi lẽ với một VĐV trẻ lần đầu tham dự, việc giành tới 3 HCV là một kì tích. Để giảm bớt áp lực, tập trung tập luyện cho đấu trường này, em đã phải đóng Facebook cá nhân.
Tú Chinh chia sẻ: “Do chưa có nhiều kinh nghiệm ở các giải đấu quốc tế, lúc dự SEA Games, em run lắm. Em không biết đối thủ của mình ra sao. Em có thể lực khá tốt, cao 1,68m, nặng 57kg nhưng điểm yếu của em là tâm lí thi đấu không vững. Trước ngày thi đấu, chấn thương (bong gân – PV) của em cũng chưa hồi phục hẳn. Tới lúc bước lên bục nhận huy chương, em mới tin là mình đã làm được. Khi quốc ca Việt Nam vang lên, em đã khóc vì hạnh phúc. Lúc đó, em muốn gọi điện cho ba nhưng ở sân vận động không có mạng nên không gọi được. Về tới khách sạn thì ba gọi cho em, hoá ra ba đã theo dõi em thi đấu trên tivi. Khi em trở về Việt Nam, ba chỉ ôm em và mỉm cười. Dù không nói gì nhưng em hiểu ba cũng tự hào về em lắm”.
Tú Chinh trên đường chạy cự ly 100m. |
Trong sự nghiệp thể thao, ngoài HLV Thanh Hương, người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Tú Chinh chính là ba em. “Sau khi mẹ em mất, ba ở vậy chăm sóc mấy chị em.
Cảnh “gà trống nuôi con” cực lắm. Kí ức của em về mẹ không rõ ràng vì mẹ mất lúc em còn nhỏ quá. Ba là cả tuổi thơ của em. Mỗi lúc tập luyện gặp chấn thương, em lại tâm sự với ba để được động viên. Năm lớp 9, em bị ngã gãy tay khi tập luyện, trong khi gần đến ngày tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng. Được ba chăm sóc, cuối cùng em vẫn dự giải và giành 3 HCV” – Tú Chinh xúc động.
Tuổi thơ vất vả đã rèn cho Tú Chinh một ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm cao độ. Em chẳng hề giấu giếm: “Em luôn cố gắng đạt thành tích cao nhất để có tiền thưởng mang về cho ba. SEA Games vừa rồi, em được thưởng tổng cộng 135 triệu, em gửi cho ba phần lớn, chỉ giữ lại một phần nhỏ cho bản thân. Cũng nhờ đó mà gia đình em bớt khó khăn hơn trước đây, ba em cũng bớt vất vả”.
Được đánh giá là người có thể thay thế xứng đáng vị trí “nữ hoàng tốc độ” của Vũ Thị Hương, thần tượng của Tú Chinh cũng chính là VĐV người Thái Nguyên này. Đã từng có thời gian tập luyện cùng nhau, cô gái 20 tuổi học hỏi được rất nhiều từ đàn chị, từ tính nghiêm túc trong tập luyện đến tinh thần thi đấu đầy sức mạnh.
Mục tiêu của Tú Chinh trong năm 2018 là ASIAD. “Em có kế hoạch tập huấn ở Mỹ mà không biết có rơi vào Tết hay không. Nếu phải đi, em sẽ không được đón Tết cùng gia đình. ASIAD là đấu trường rất khắc nghiệt, em sẽ cố gắng hết sức để có thành tích tốt nhất” – VĐV TP Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài việc tập trung cho thi đấu, Tú Chinh vẫn tiếp tục theo đuổi việc học của mình. Hiện em đang là sinh viên Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh.