Maciej Skorza – Đối thủ xứng tầm của thầy Park

Thứ Bảy, 11/01/2020, 09:54
Khi đối đầu nhau trong trận đầu tiên của VCK U23 châu Á 2020, cả Maciej Skorza và Park Hang-seo đều hiểu rằng bên kia chiến tuyến là một đối thủ “không phải dạng vừa”.

Maciej Skorza và Park Hang-seo có một điểm chung, họ đều là những người đã dự World Cup. thầy Park là trợ lý của “phù thủy” Guus Hiddink tại ĐT Hàn Quốc ở World Cup 2002 thì Skorza cũng là trợ lý của HLV Pew Janas tại ĐT Ba Lan ở World Cup 2006. Khi đối đầu nhau trong trận đầu tiên của VCK U23 châu Á 2020, họ hiểu rằng bên kia chiến tuyến là một đối thủ “không phải dạng vừa”.

“Con nghiện” chiến thuật

Không phải ai cũng đủ tài năng để trở thành một cầu thủ bóng đá xuất sắc, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ không thể trở thành một HLV giỏi. Maciej Skorza là một người như thế.

Chiến lược gia sinh năm 1972 có đam mê với nghề huấn luyện từ rất sớm. Năm 13 tuổi, Skorza đã nói với những người bạn cùng lớp rằng ông sẽ dẫn dắt đội tuyển Ba Lan trong tương lai. Đó là một ước mơ… không bình thường của một cậu bé, nhưng nó đủ để khắc họa về HLV người Ba Lan.

Maciej Skorza hiện thực hóa tham vọng của mình bằng một con đường rất nhất quán. Khi còn là một cậu thiếu niên, Skorza thường xuyên đến sân tập của CLB Legia Warsaw để xem các cầu thủ tập luyện rồi tự mình ghi chép vào cuốn sổ tay cá nhân những kiến thức thu thập được.

Kết thúc sự nghiệp cầu thủ làng nhàng, Skorza thi đỗ vào Học viện thể thao và luận văn tốt nghiệp của ông có nội dung về phương pháp huấn luyện của Legia Warsaw đã gây tiếng vang lớn trong giới cầm quân Ba Lan. Tài năng của Skorza đến tai Pawel Janas, HLV dẫn dắt Legia Warsaw. Skorza được mời về để nhận nhiệm vụ phân tích các đối thủ của CLB.

Chàng trai trẻ làm việc quá tốt và nhanh chóng được đôn lên vị trí trợ lý. Khi Pawel Janas nhận lời dẫn dắt ĐT Ba Lan năm 2003, Skorza là cái tên đầu tiên được lựa chọn ở đội ngũ trợ lý. Ước mơ thời thơ ấu của Skorza đã trở thành hiện thực.

Rời ĐT Ba Lan sau World Cup 2006, Skorza bắt đầu đặt dấu ấn cá nhân khi dẫn dắt Wisla Krakow. Ông cùng đội bóng này hai lần vô địch Ba Lan liên tiếp các mùa 2007/08 và 2008/09.

Tại đấu trường châu Âu, Skorza gây tiếng vang lớn khi giúp Wisla Krakow đánh bại Barcelona của Pep Guardiola 1-0 ở trận lượt về vòng loại thứ 3 Champions League 2008/09. Dù đội bóng Ba Lan không thể đi tiếp vì để thua tới 0-4 ở trận lượt đi, đó vẫn là một trong những cột mốc đáng nhớ bậc nhất trong sự nghiệp của Skorza.

Nếu có một hình mẫu mà HLV U23 UAE luôn hướng đến, đó là Rafael Benitez. HLV người Tây Ban Nha từng mời Skorza sang thực tập 2 tuần ở thời điểm Rafa còn dẫn dắt Liverpool. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó là đủ để chiến lược gia Ba Lan học được những điều sẽ trở thành “kim chỉ nam” cho sự nghiệp sau này của Skorza, đến mức các đồng nghiệp tại quê nhà đặt luôn cho ông biệt danh “Rafael Benitez của Ba Lan”.

U23 Việt Nam đã có một trận đấu quá khó khăn.

“Phù thủy” của UAE

Skorza được mời dẫn dắt U23 UAE sau khi đội bóng này không thể vượt qua vòng loại U23 châu Á 2018. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã đem đến những thay đổi tích cực.

Tại ASIAD 2018, đội U23 + 3 của UAE đã lọt đến vòng bán kết và sau đó đánh bại Việt Nam của thầy Park trên chấm luân lưu.

Con đường của Skorza có nét gì đó rất giống đồng nghiệp Hàn Quốc. Nếu thầy Park biến một tập thể không vượt qua nổi vòng bảng SEA Games thành á quân châu Á thì HLV người Ba Lan cũng làm được điều tương tự với UAE. Người Việt Nam tin yêu ông Park như thế nào thì người UAE cũng dành tình cảm như vậy với Skorza.

Và trong cuộc tái đấu lần này, Skorza cho thấy ông thực sự là một đối thủ khó chịu của thầy Park. Sau trận đấu tranh HCĐ ở ASIAD, Skorza thừa nhận đội bóng của ông đã gặp may vì Việt Nam mạnh hơn. Chỉ 1 năm rưỡi, trước trận đấu tại VCK U23 châu Á 2020 trên đất Thái Lan, ông tự tin tuyên bố đã “đọc vị” được người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.

Những gì diễn ra trên sân cho thấy Skorza không “nói phét”. U23 UAE đã thực sự lột xác và cho thấy vì sao họ thắng cả ĐKVĐ U23 châu Á Uzbekistan rồi hòa U23 Hàn Quốc ở giai đoạn chuẩn bị cho giải đấu trên đất Thái Lan.

U23 Việt Nam thực sự bị áp đảo trong phần lớn thời gian trận đấu. Tuyến giữa của U23 UAE đã bóp nghẹt khả năng sáng tạo của các học trò HLV Park Hang-seo. U23 Việt Nam chỉ tìm được cơ hội ở các tình huống bóng chết khi Quang Hải và Hoàng Đức có quá ít khoảng trống để tổ chức tấn công. Những cầu thủ của U23 Việt Nam phải độc lập tác chiến khá nhiều.

Trên hàng công U23 UAE, cầu thủ có một nửa dòng máu Scotland là Ali Saleh đã có một trận đấu quá hay khi được xếp chơi lệch trái. Cầu thủ sinh năm 2000 đã khuấy đảo nửa bên phải hàng thủ Việt Nam bằng kỹ thuật cá nhân cực tốt của mình. Đó cũng chính là điểm yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của U23 Việt Nam khi Bùi Hoàng Việt Anh quá non còn Huỳnh Tấn Sinh không có phong độ tốt nhất. Hậu vệ của Bình Dương may mắn không phải nhận thẻ đỏ sau những tình huống phạm lỗi khá thô của mình.

Với diễn biến trên sân, 1 điểm có được là chấp nhận được với U23 Việt Nam. Nhà đương kim á quân đã gặp phải một thử thách thật sự ngay trong trận ra quân. Tất nhiên, niềm tin vào thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn nguyên vẹn khi trước mắt còn những cuộc đối đầu với U23 Jordan và U23 CHDCND Triều Tiên.

Đình Trọng tái xuất

Một điểm sáng của U23 Việt Nam trong trận ra quân tại VCK U23 châu Á là sự trở lại của Trần Đình Trọng. Trước khi trận đấu với U23 UAE diễn ra, nhiều thông tin cho rằng Đình Trọng sẽ chỉ có thể tái xuất sớm nhất ở lượt trận tới.

Nhưng khi Huỳnh Tấn Sinh và Bùi Hoàng Việt Anh thi đấu không tốt, thầy Park đã buộc phải đưa Đình Trọng vào sân sớm hơn dự kiến. Đây là một nước cờ rất đúng lúc của HLV Hàn Quốc khi hàng thủ Việt Nam vừa thoát khỏi một quả penalty nhờ công nghệ VAR và có dấu hiệu mất bình tĩnh. Khi Đình Trọng vào sân thay Tấn Sinh, Thành Chung được đẩy sang đá trung vệ lệch phải và thay đổi này đã giúp hàng phòng ngự của U23 Việt Nam chắc chắn hơn đáng kể.

Một quyết định của thầy Park cũng gây bất ngờ là việc sử dụng Bùi Tiến Dũng bắt chính thay vì Văn Toản. Thủ môn người Thanh Hóa đã có một trận đấu tốt, gợi nhớ hình ảnh của anh cách đây 2 năm trên đất Thường Châu.

Đơn Ca
.
.
.