Man City bị cấm tham dự các Cúp châu Âu trong 2 năm:

Đôi khi, quá giàu cũng là... một cái tội

Chủ Nhật, 16/02/2020, 09:22
Bóng đá châu Âu rúng động khi Man City, một trong những CLB lớn nhất thế giới bị cấm tham gia các giải bóng đá do UEFA tổ chức trong hai năm.


Án phạt do vi phạm Luật công bằng tài chính FFP có thể dẫn tới một thảm họa bóng đá lịch sử khi Man City, rất có thể, sẽ đứng trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé.

Rúng động từ những email

Trước hết, Luật công bằng tài chính (FFP) được đưa ra nhằm giới hạn các khoản lỗ từ chuyển nhượng và trả lương, qua đó hạn chế các “đại gia” châu Âu vung tay quá trán, sử dụng sức mạnh tài chính khổng lồ của mình để thâu tóm tài năng, lũng đoạn thị trường chuyển nhượng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo tài năng trẻ.

Ngoài ra, FFP cũng hàm ý ngăn cản các ông chủ lắm tiền nhiều của rót tiền vào CLB, dẫn đến đội bóng mất kiểm soát trong việc độc lập kiếm tiền.

Với Man City, sau khi sở hữu CLB này vào năm 2008, Sheikh Mansour - ông chủ của Man City và cũng là hoàng thân Abu Dhabi tổ chức lách luật FFP với mục đích “rút ngắn giai đoạn”, nhằm giúp Man City có thể mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng mà vẫn tránh được ràng buộc của FFP.

Cụ thể Mansour chủ động rót những khoản tiền tấn cho đội bóng mà mình nắm quyền điều khiển, bao gồm: Hợp đồng tài trợ, áo đấu, sân vận động lẫn Học viện với trị giá lên đến 67,5 triệu bảng/năm, thông qua hãng hàng không Etihad. Số tiền này đảm bảo cho khả năng chi tiêu của Man City trên thị trường chuyển  nhượng, nhưng vẫn lách luật FFP một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên những email đã tố cáo hoạt động ngầm liên quan đến tài chính giữa ông chủ Mansour và Man City. Một trong những email quan trọng nhất được cựu CEO Jorge Chumillas gửi đi và bị lộ ra có tựa đề “Dòng tiền” (Cashflow), ghi rõ Abu Dhabi United Group (ADUG) do Mansour sở hữu sẽ trả 57 triệu bảng, được mô tả là… khoản đóng góp vào phí tài trợ mùa giải 13/14, cùng với đó là mảng đóng góp trực tiếp từ Etihad chỉ ở mức 8 triệu bảng.

Chumillas tiếp tục gửi hóa đơn cho Etihad, đính kèm thêm email cho những nhân sự cấp cao tại Man City bao gồm Ferran Soriano và Simon Pearce. Trong đó email ghi rõ số tiền tài trợ tại Etihad mùa 2015/16 là 67,5 triệu bảng, được cấu thành từ Etihad (8 triệu) và ADUG (59,5 triệu).

Một cuộc tháo chạy hàng loạt của các ngôi sao là điều có thể xảy ra đối với Man City.

Cuộc đấu của UEFA và Man City

Hàng loạt hóa đơn chứng từ cùng các email để lộ ra cho thấy sự bất minh trong hoạt động tài chính, đặc biệt là nguồn thu của Man City khiến UEFA vào cuộc, cụ thể là Cơ quan Kiểm soát tài chính (CFCB).

Trước sự gay gắt của UEFA, Man City gửi thông điệp sẵn sàng chứng minh mình vô tội bằng mọi giá. Cuộc đấu giữa UEFA và Man City nổ ra. Ủy ban IC buộc tội Man City vi phạm FFP vào tháng 5-2019.

Lập tức, gã nhà giàu thành Manchester phản đòn cáo buộc IC bỏ qua một loạt bằng chứng được xem là thuyết phục do họ cung cấp, đồng thời cho biết cách IC làm việc đã tạo ra nhiều lỗ hổng, nhầm lẫn cơ bản từ quy trình sai sót, qua đó cho rằng IC không thực sự trực quan vào vấn đề, đưa quy trình không đạt yêu cầu, bị kìm hãm và có hơi hướng thù địch.

Nhưng sự la làng của Man City không đem đến hiệu quả. Những email bị rò rỉ ra là những bằng chứng mà “Man xanh” quả thực đã không thể chối cãi. Năm 2014, Ủy ban IC xác định Man City lỗ tổng cộng 180 triệu euro ròng trong hai năm vừa qua, vượt quá mức con số 45 triệu euro cho phép. Nhưng khi ấy, UEFA lại tỏ ra quá khoan dung khi không ra án phạt nặng tay với Man City.

Trong nỗ lực… lách Luật công bằng tài chính, trong phần 3 của loạt bài công bố trên Spiegel, Man City đã tự đặt ra một số điều khoản tài chính và kiểm kê sáng tạo nhằm thuyết phục UEFA thông qua những luật lệ mới, qua đó giúp họ có thể phạm luật nhưng không bị kết án. Tuy nhiên, ý đồ xấu của Man City bị IC phát giác và từ chối thẳng, đồng thời Ủy ban IC còn gửi đến hãng Kiểm toán PwC danh tiếng nhằm xem xét một cách toàn diện.

Từ khi Spiegel đăng tải trọn vẹn 3 phần, Man City từ chối trả lời báo chí, cả Spiegel lẫn các cơ quan thông tấn khác rồi cả UEFA. Nhưng rồi Ủy ban IC nhảy vào, lúc đầu còn lững thững, nhưng sau đó quyết định phải làm tới cùng.

Về phía Man City, bài ca liên quan đến việc những thông tin bị ăn cắp này không phải chính thống, đồng thời cáo buộc âm mưu được lên kế hoạch chi tiết nhằm hạ thấp và phá hoại danh tiếng của CLB xứ sương mù là luận điệu mà CLB này đưa ra.

John, tác giả của loạt bài phanh phui Man City trên Spiegel trích dẫn anh không hề ăn cắp những thông tin này, mà bởi có nguồn thông tin và quan hệ tốt trong nội bộ Man City. Sau đó John tiếp tục đổi danh thành Pinto. Nhưng những thông tin mà John phanh phui khiến anh đang chuẩn bị ra tòa với 143 tội danh về ăn cắp và gian lận thông tin.

John có thể phải trả một cái giá đắt về những sự thật rúng động liên quan đến Man City. Nhưng với nhiều người hâm mộ, tất nhiên không phải là Man City, đó là cơ sở để UEFA vào cuộc và như đã thấy là làm tới nơi tới chốn.

Đầu năm 2020, Man City bị Phòng Thẩm định trực thuộc UEFA (AC) đưa ra kết luận tương tự Ủy ban IC, đưa ra án phạt vô cùng nặng. 30 triệu euro có lẽ chẳng thấm tháp vào đâu với khối tài sản không đáy của Mansour. Nhưng 2 năm liên tiếp không được dự Champions League chẳng khác nào cú tát mạnh tay vào tham vọng của ông chủ người Ả rập. Chưa kể, hàng loạt hệ lụy chuẩn bị kéo theo tại Etihad.

Đế chế sắp sụp đổ?

Lúc này chỉ có 2 yếu tố giúp Man City sở hữu các ngôi sao. Đó là tiền và tham vọng. Không UEFA Champions League, Man City sẽ phải trả nhiều tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để giữ chân các ngôi sao. Nhưng nếu vung tay quá trán, chi nhiều hơn thu, họ lại đối diện với án phạt từ Luật công bằng tài chính. 

Một cuộc tháo chạy hàng loạt sắp sửa nổ ra tại Man City. Lúc này, có tới 8 cầu thủ trong đội hình Man City sẽ hết hạn hợp đồng trong hè 2020 và đây có thể là lúc, Man City chấp nhận nhìn các ngôi sao ra đi mà không thu về được đồng lãi nào. Trong khi đó, Pep được nhà cái đánh giá sẽ trở thành HLV tiếp theo rời Premier League, với tỷ lệ là 2/1 (đặt 1 ăn 2).

Đơn Ca
.
.
.