Cứu mình hay cứu chỉ tiêu

Thứ Tư, 17/02/2016, 08:01
Đội điền kinh Việt Nam sẽ đi dự giải vô địch châu Á trong nhà 2016 tổ chức tại Doha (Qatar) từ ngày 19 đến 22-2. Giải này được Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) có công nhận thành tích để xét chuẩn Olympic 2016 trong các nội dung. Thành phần tuyển Việt Nam góp mặt có hai người đáng chú ý là anh em Quách Thị Lan, Quách Công Lịch…

“Gà nòi” thể hiện ra sao

Giải vô địch điền kinh châu Á trong nhà 2016 tại Doha (Qatar) mới là lần đầu tiên 2 anh em ruột Quách Thị Lan, Quách Công Lịch xuất hiện trở lại trong các giải quốc tế chính thức kể từ khi đi Mỹ tập huấn. Họ đã được tập huấn tại Mỹ sau khi thi đấu trở về từ SEA Games 28-2015 (diễn ra tháng 6 năm ngoái).

Về lý thuyết, việc ém Lan, Lịch tập huấn chuyên biệt tại Mỹ được xem như cách rèn và tạo “gà nòi” (VĐV được dồn sức tối đa chỉ cho một mục tiêu). Mục tiêu quan trọng trước mắt của họ là phải giành được suất trực tiếp dự Olympic 2016. Về điền kinh, anh em 2 tuyển thủ này là số ít người được thể thao Thanh Hóa và bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) dốc tiền đầu tư nhiều trong 3 năm trở lại đây.

Ngay khi được phát lộ, trước khả năng chuyên môn và hình thể được đánh giá phù hợp để đạt kết quả tốt nhất trong nội dung 400m và 400m rào, Lan và Lịch đã được cho đi tập huấn tại Bulgaria năm 2013. Cũng tại năm đó, chuyến tập huấn trên do không đạt được hiệu quả đã chuyển tập huấn tiếp ở Malaysia.

Năm 2014, lần đầu tiên điền kinh Việt Nam mạnh dạn đưa VĐV đến Mỹ tập huấn với 4 tuyển thủ nữ nội dung 400m. Lan có trong những người này. Năm 2015, Lan và anh trai tiếp tục được trở lại Mỹ tập luyện. Cả 2 tập và không về Việt Nam ăn Tết trong những tháng đầu năm 2016.

Đếm những cuộc du học như vậy thấy rằng, thể thao Thanh Hóa và môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đã đầu tư vào Quách Thị Lan và Quách Công Lịch tiền tỉ. Một cuộc đầu tư có độ dầy về thời gian (kéo dài hơn 3 năm tính tới lúc này) nhưng thành tích mới cầm chừng. Lan và Lịch thi đấu ở SEA Games 27-2013 thất bại không giành được huy chương vàng.

Tại SEA Games 28-2015, họ tiếp tục tham dự và không giành được huy chương vàng cá nhân nào. Kết quả đáng kể duy nhất của Quách Thị Lan là chiếc HCB cá nhân ở ASIAD 17-2014. Nhiều tuyển thủ mũi nhọn của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã được xác định lấy SEA Games 28-2015 làm cơ hội để đạt được chuẩn Olympic. Lan và Lịch không thành công tại giải đấu đó. Chúng ta có duy nhất Nguyễn Thị Huyền làm được. Thực tế, Huyền chỉ tập tại Việt Nam trong quãng thời gian chuẩn bị cho SEA Games 28.

Áp lực thành tích đang rất căng thẳng đối với anh em Lan, Lịch. Áp lực ở sự kỳ vọng chuyên môn từ lãnh đạo của thể thao Thanh Hóa với Tổng cục TDTT về những tuyển thủ cũng không nhỏ. Đầu xuân 2016, anh em Lan, Lịch được trao cơ hội thi đấu giải vô địch điền kinh châu Á trong nhà. Họ đã xác định chuyến xuất hành đầu năm phải may mắn nhưng thi đấu điền kinh là phân định chính xác theo thời gian, chiều dài nên cần đảm bảo tốt năng lực mới có kết quả.

Anh em Lan, Lịch sẽ đi Doha ngày 18-2 để chuẩn bị thi đấu.

Giấc mơ liệu có dang dở?

Điền kinh Việt Nam là 1 trong 5 môn nhận quan tâm thuộc nhóm mũi nhọn của ngành thể thao giống bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ. Chỉ tiêu của môn này là giành được từ 1 đến 2 suất chính thức dự Olympic 2016. Hiện tại, chúng ta chỉ có Nguyễn Thị Huyền đạt được 2 chuẩn Olympic trong các nội dung 400m và 400m rào nữ. Tuy nhiên, Huyền có được suất trực tiếp dự Olympic 2016 hay không vẫn chưa có thông báo chính thức. Quách Thị Lan cũng là một trong những người được chờ đợi nhất để vượt chuẩn Olympic của IAAF.

Trong quá trình Quách Thị Lan được tập huấn tại Mỹ thời gian qua, trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) – ông Dương Đức Thủy từng tới thị sát VĐV tập luyện. Khi chia sẻ, ông Thủy cho biết tuyển thủ tập luyện có tín hiệu tích cực. Trước nghỉ Tết vừa rồi, đoàn cán bộ Tổng cục TDTT cũng đi Mỹ thị sát nhưng được biết không gặp được Lan, Lịch do cả 2 bận phải thi đấu giải nội bộ tại Mỹ. Chân chạy 21 tuổi này chưa tạo được niềm tin tuyệt đối cho người hâm mộ qua những kết quả quốc tế từng có.

Trên tổng thể, điền kinh Việt Nam chưa có suất chính thức Olympic 2016. Các tuyển thủ có cơ hội làm điều ấy qua việc dự thêm nhiều giải quốc tế từ nay đến tháng 6 (thời điểm kết thúc các cuộc đấu tuyển chọn). Năm 2011, cựu tuyển thủ Trương Thanh Hằng (cự ly trung bình) dự vô số giải để mong vượt chuẩn góp mặt tại Olympic 2012. Cô đã bất thành nên dang dở giấc mơ được một lần thi đấu Olympic.

Trường hợp Quách Thị Lan không giành được vé dự Olympic 2016, cô còn đủ tuổi để phấn đấu cho Olympic sau đây 4 năm nữa. Tuy nhiên, cơ hội không đến với ai 2 lần. Nếu không biết tận dụng, có thể, Lan cũng dang dở giấc mơ Olympic như đàn chị Trương Thanh Hằng trước kia.

Sau anh em Lan, Lịch là Nguyễn Thị Thanh Phúc

VĐV của nội dung đi bộ 20km Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ xuất hành thi đấu quốc tế vào đầu tháng 3. Cô dự giải vô địch đi bộ châu Á 2016 ở Nhật Bản. Nếu VĐV đạt kết quả chuyên môn huy chương và đúng thông số chuẩn Olympic thì được trao vé trực tiếp Olympic 2016 ngay tại giải. Thanh Phúc từng giành vé chính thức dự Olympic 2012 nhờ làm được điều đó khi cũng thi đấu giải trên vào đầu năm 2012. Chuẩn bị cho kế hoạch Olympic 2016 của bản thân, Thanh Phúc và em trai Thành Ngưng đã được tập huấn tại Trung Quốc thời gian qua. Cô không về quê ăn Tết mà tập dài ngày ở nước bạn. Đội tuyển điền kinh chờ đợi, một vé chính thức dự Olympic 2016 có thể do Phúc mang về.

DP

Điền kinh CAND phấn đấu đạt nhiều kết quả tốt

Phát biểu tại lễ tổng kết, tuyên dương khen thưởng cho các HLV, vận động viên (VĐV) của thể thao CAND đạt thành tích tốt năm 2015 ngay trước Tết mới đây, Giám đốc Trung tâm TDTT CAND – Đại tá Nguyễn Hiền Lương đã xác định luôn đặt nhiệm vụ đào tạo huấn luyện VĐV có kết quả tốt nhất, tập trung và tổ chức thực hiện để phát triển các môn thể thao ứng dụng nghiệp vụ như chạy, bơi, bắn súng, võ thuật để tăng cường rèn luyện bản lĩnh, khả năng chiến đấu của cán bộ chiến sĩ lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong môn điền kinh, trong năm 2016, nhiều VĐV trẻ triển vọng của thể thao CAND đang được rèn luyện và đầu tư tập luyện để sớm góp mặt trong các đội tuyển trẻ và quốc gia.

PD

Diệu Phương
.
.
.