Công tác y tế tại SEA Games 29: Đông nhất và hiệu quả nhất?
- Đội tuyển U.22 Việt Nam: Băng đội trưởng cho ai?
- Bốc thăm tại SEA Games 29: Dấu ấn của sự may rủi
- Việt Nam giành vé dự U23 Châu Á
Ít bác sĩ, khó có thể chu đáo
Cách đây cả chục năm, ông Lê Quý Phượng – chuyên gia đầu ngành về y học thể thao tại Việt Nam (hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh) đã nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của công tác y tế của các đoàn, đội tuyển thể thao mỗi khi dự các giải đấu quốc tế.
Theo ông Lê Quý Phượng, thành bại của vận động viên phụ thuộc rất nhiều vào công tác này. Nếu nhiều vận động viên bị chấn thương hoặc cần được hồi phục nhưng không đủ bác sĩ thì đương nhiên vận động viên và thành tích của đội tuyển đó bị ảnh hưởng. Thực tế, nhiều vận động viên Việt Nam đã rơi vào cảnh này nên thành tích không như ý.
Được tham dự nhiều giải quốc tế, chứng kiến nhiều vận động viên được cả đội ngũ y tế, thậm chí cả chục người đi kèm nên ông Lê Quý Phượng luôn đau đáu rằng sẽ có lúc vận động viên Việt Nam được hưởng điều kiện chăm sóc y tế dù chỉ bằng một nửa các vận động viên kia.
Tất nhiên, để cải thiện điều kiện y tế cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ giải quốc tế còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong số này, yếu tố về lực lượng bác sĩ thể thao cũng đáng chú ý. Có lúc, đoàn thể thao Việt Nam từng muốn đưa đông hơn bác sĩ theo đoàn nhưng không được chấp nhận.
Đơn giản vì theo quy định của Ban tổ chức, bác sĩ theo đoàn phải được đào tạo chính quy, bài bản, có bằng cấp về bác sĩ thể thao chứ không thể là bác sĩ đa khoa. Thể thao Việt Nam từng có lúc chỉ có hơn chục bác sĩ thể thao đúng nghĩa nên muốn đưa nhiều bác sĩ theo đoàn cũng đành chịu.
Không kể, đã có lúc những người có trách nhiệm chỉ hiểu đơn giản rằng khâu chăm sóc y tế đã có đội ngũ y tế của Ban tổ chức tại Làng thể thao hay ở địa điểm thi đấu cùng chung tay. Điều ấy khiến khâu y tế ở đoàn thể thao Việt Nam bị coi nhẹ. Đến nay, quan điểm trên đã không tồn tại khi tất cả đều hiểu và biết phải làm gì để khâu y tế đóng góp vào thành tích cho vận động viên.
Trong làng thể thao Việt Nam, các đội tuyển bóng đá quốc gia cũng như U22 quốc gia thuộc diện đi đầu về đầu tư cho công tác y tế. Cũng vì vậy, các đội tuyển bóng đá Việt Nam mới có các chuyên gia về hồi phục chấn thương, xoa bóp hồi phục theo đội từ khi tập trung cho đến lúc vào giải.
Các vận động viên luôn cần đạt trạng thái tốt nhất với sự hỗ trợ của đội ngũ y tế. |
Đội ngũ y tế đông đảo, các vận động viên sẽ hưởng lợi?
Gần đây, khi đề cập về công tác y tế của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 29, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam khẳng định: “Năm nay, công tác y tế được lãnh đạo ngành thể thao đặc biệt coi trọng, với 22 bác sĩ, nhân viên y tế có mặt trong đoàn. Đây cũng là kỳ SEA Games có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nhất trong đoàn thể thao Việt Nam. Thực tế, không chỉ con người mà thuốc men, trang thiết bị y tế cũng đã được chuẩn bị trong điều kiện có thể của ngành nhằm giúp vận động viên đạt thể trạng tốt nhất khi thi đấu”.
Chứng minh cho điều này, ông Trần Đức Phấn dẫn ra chuyện đoàn thể thao Việt Nam được hãng thiết bị dụng cụ thể thao ITO của Nhật Bản cho mượn một số máy vật lý trị liệu để giúp vận động viên hồi phục nhanh hơn. Đây là kỳ SEA Games thứ hai, đoàn thể thao Việt Nam được mượn thiết bị này sau khi số máy móc thiết bị trên đã phát huy tác dụng.
“Thậm chí, phía doanh nghiệp kia còn sẵn sàng cho đoàn thể thao mượn các máy vật lý trị liệu khác, có nhiều công dụng hơn. Tuy nhiên, do số máy móc này cồng kềnh nên đoàn không thể vận chuyển sang Malaysia”, ông Trần Đức Phấn nói.
Do có đông đảo bác sĩ và nhân viên y tế nên đoàn thể thao Việt Nam đã lên nhiều phương án để chăm sóc vận động viên tại các địa điểm thi đấu. Bác sĩ Nguyễn Văn Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng ban Y tế đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 cho hay, ở một số môn trọng điểm có thể mang về huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam, khi cần thiết sẽ có 2 nhân viên y tế trực tại chỗ để xử lý chấn thương và phục hồi cho vận động viên.
Có một nguyên tắc đã được quán triệt với các nhân viên y tế ở đoàn thể thao Việt Nam rằng họ sẽ luôn là người ngủ muộn nhất. Chừng nào còn vận động viên cần chăm sóc, chừng đó họ còn phải hoàn thành nhiệm vụ.
Tất nhiên, nếu ít bác sĩ hoặc nhân viên y tế thì khối lượng công việc của họ sẽ nặng nề. Nếu đông hơn thì công việc của họ được san sẻ. Số bác sĩ, nhân viên y tế trong đoàn thể thao Việt Nam kỳ này cũng sẽ giải quyết được vấn đề chăm sóc y tế cho vận động viên khi phải trú tại nhiều địa điểm thay vì ở trong Làng vận động viên.
Tuy vậy, như chính Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn chia sẻ, ông vẫn luôn mong có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đi cùng vận động viên. Để làm được điều đó còn cần thêm thời gian để đủ đội ngũ bác sĩ thể thao cũng như nhân viên y tế chuyên về thể thao. Còn trước mắt, chỉ biết hy vọng vào một kỳ SEA Games an toàn và khỏe mạnh hơn.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chuộng thiết bị hồi phục sức khỏe Theo ông Trần Đức Phấn, số máy móc hồi phục sức khỏe được doanh nghiệp cho mượn từng được xạ thủ vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh rất chuộng. Trong thời gian tham dự Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh thường xuyên sử dụng máy móc này và có thể, điều này đóng góp một phần vào thành tích của anh. |