Hành trình tới Olympic 2016: Đi qua giông bão tâm hồn lại nhẹ nhàng

Thứ Hai, 25/04/2016, 23:08
Nguyễn Thị Huyền là người đạt chuẩn Olympic đầu tiên cho đội điền kinh quốc gia trong hành trình tìm suất dự Olympic 2016. Giới chuyên môn tin tưởng, vượt được chuẩn Olympic, cô đã đặt một chân lên chuyến tàu tới Brazil thi đấu Olympic 2016. Điều chỉ chờ đợi lúc này là Liên đoàn điền kinh thế giới sẽ công bố vé chính thức có hiện thực cho Huyền hay không (trong tháng 6).


Sau nửa năm vẫn sẽ chạy nhanh

Sau SEA Games 28-2015 (thi đấu tháng 6) và giải vô địch thế giới 2015 (thi đấu tháng 8), Huyền vắng mặt hầu hết các giải và chưa xuất hiện lần nào. Những thông tin về chân chạy người Nam Định trên đều chỉ là kết quả trong tập luyện. 

Hiện tại, Nguyễn Thị Huyền đang tập những ngày cuối cùng ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn). Sau đây hai ngày, cô sẽ đi Singapore thi đấu cùng đội tuyển quốc gia ở giải điền kinh quốc tế Singapore mở rộng 2016 (khai màn ngày 28-4). 

“Giải này chúng tôi được Ban tổ chức thông báo là có xét thành tích trong tính chuẩn Olympic. Huyền là một trong những vận động viên tốt ở nội dung 400m nữ và đã có chuẩn Olympic. Bản thân vận động viên phải nắm được cơ hội quý để cải thiện kết quả cá nhân nhằm rút ngắn thông số kỹ thuật trước các đối thủ cùng vượt chuẩn Olympic như mình”, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) – ông Đương Đức Thủy từng phân tích. 

Tính thời gian như vậy, sau nửa năm, Nguyễn Thị Huyền mới ra đấu một giải chính thức. Chắc chắn, sẽ có nghi ngại về kết quả chuyên môn của Huyền. Chúng tôi có gặp nữ tuyển thủ này lúc cô góp mặt tại đêm trao thưởng vận động viên tiêu biểu toàn quốc 2015 (tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 3). Khi đó, Huyền chia sẻ “tôi vẫn đang tập luyện và nỗ lực hết mình trong thi đấu để có chỉ số chuyên môn tốt nhất”.

Cái nắng oi bức của mùa hè miền Bắc đã về. Vận động viên tập luyện bắt đầu mệt hơn bình thường. Gặp Huyền cũng không khó. Chỉ cần có mặt trên sân chạy điền kinh tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội sẽ thấy cô cùng đồng đội tập chạy đều hằng ngày. Sau những giọt mồ hôi ướt đẫm gương mặt khi thực hiện bài tập, Huyền đều lắng nghe những chỉ đạo rút kinh nghiệm trực tiếp từ HLV Vũ Ngọc Lợi ngay trên sân.

“Huyền đã phát triển tốt từ kỳ tập huấn ở Mỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian em không chạy thi đấu cường độ cao, chúng tôi rất mong những giải quốc tế liên tiếp là để VĐV lấy lại cảm giác cùng bật hơn chuyên môn thì mới chắc tay có suất Olympic chính thức”, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Trọng Hổ từng phân tích. 

Phân tích của ông Hổ có phần đúng vì ông chính là HLV trực tiếp làm việc cùng Huyền và tổ 400m nữ ngày tập huấn ở Mỹ năm 2014. Huyền trở lại thi đấu tại Singapore sắp tới, cô vui một thì người làm chuyên môn vui mười. Ít nhất, Huyền trở lại chính nơi cô đã vượt chuẩn Olympic thông qua thi đấu SEA Games 28-2015. Chân chạy người Nam Định là “vật báu” nội dung 400m, 400m rào mà điền kinh Việt Nam đang sở hữu, được đầu tư nhiều nên cô được yêu cầu không thể trồi sụt chuyên môn.

VĐV Nguyễn Thị Huyền.

Vượt qua giông bão để vươn mình

Huyền là người khá kiệm lời. Nếu gặp hỏi gặng về chuyện tập luyện chuẩn bị Olympic thế nào, cô gái với vóc dáng thướt tha này chỉ cười nhỏ nhẹ rằng mình cố hết sức. Giai đoạn sau SEA Games 28-2015, ngoài những khen ngợi trên mây, Huyền cũng rơi vào lúc nhận nhiều thông tin phản ánh nhất. Từ chuyện được cho rằng đã xuống phong độ tại giải vô địch thế giới đến việc nội bộ thầy-trò không hiểu nhau khiến tất cả bê trễ. 

Qua lúc khó khăn đó, thời gian rồi cũng trôi đi. Mặt hồ đã phẳng lặng để Nguyễn Thị Huyền tập trung cao độ vào tập luyện. Cơ hội cải thiện thành tích của Huyền cũng như các tuyển thủ khác muốn vượt chuẩn Olympic, qua tranh tài giải điền kinh quốc tế, từ nay đến trước khi Olympic 2016 khởi tranh (tháng 8) chỉ tính trên đầu ngón tay. Cô hạ quyết tâm phải tận dụng tốt. 

“Xét trên tương quan, Huyền vẫn là vận động viên nhiều triển vọng được vé chính thức của Liên đoàn điền kinh thế giới. Tuy nhiên, chỉ tới tháng 6, khi các giải khép lại, chúng ta sẽ biết cụ thể như thế nào. Chúng tôi cũng tin vận may tiếp tục tới với Huyền”, ông Thủy đã cho biết.

Từ cái ngày học lớp 8, Huyền lúc đó gầy gò, đen nhẻm nhưng đã được HLV Phạm Văn Chinh phát hiện đưa về tập điền kinh ở Trung tâm TDTT Nam Định đến giờ, cô gái này đã là sao sáng của đội điền kinh nước nhà. Nhiều người bảo, Huyền có bản lĩnh. Một người đã vượt số phận trong gia đình khó khăn để là tuyển thủ quốc gia thì những giông bão khác đến với mình chẳng thể làm lung lay được. 

Là người bản lĩnh, Huyền mới tự tin giành kết quả vượt chuẩn Olympic ngay trong thi đấu ở SEA Games 28-2015 như thế. Vận động viên điền kinh trong hành trình tìm vé Olympic luôn áp lực nhất. Áp lực vì môn này được chú ý hơn cả cũng như nhà quản lý không chấp nhận điền kinh “trắng” vé Olympic. Giờ, Huyền vượt chuẩn (có tới 90% nhận suất chính thức) và Thành Ngưng (đi bộ) được thi đấu Olympic 2016. Ít nhất, áp lực đã cởi bỏ không còn là giông bão bao trùm.                            

Chiếc vé Olympic thứ 15

Thể thao Việt Nam đã có tấm vé chính thức Olympic 2016 thứ 15 của mình. Trong ngày thi đấu cuối 25-4 tại vòng loại Olympic môn đua thuyền rowing của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (diễn ra tại Hàn Quốc), chúng ta giành thêm vé chính thức. 

Tại chung kết cuối cùng, tay chèo Phạm Thị Huệ về thứ tư nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng. Trong lúc đó, cặp Tạ Thanh Hiền/Phạm Thị Thảo về thứ ba ở chung kết thuyền đôi nữ hạng nhẹ. 

Với kết quả trên, cả 2 nội dung mà chúng ta góp mặt thì vận động viên đều được trao vé chính thức Olympic. Tuy nhiên, liên đoàn đua thuyền rowing thế giới cũng quy định nghiêm ngặt là với quốc gia có suất chính thức thì chỉ được đăng ký 1 nội dung nữ và 1 nội dung nam. Vì thế, dù có hai nội dung đạt vé Olympic 2016 nhưng đua thuyền rowing Việt Nam cũng chỉ được một suất chính thức thi đấu tại Rio de Janeiro (Brazil). 

Suất Olympic 2016 của môn rowing là suất chính thức thứ 15 của đoàn thể thao Việt Nam.

DP

Hết tranh cãi về bản quyền truyền hình bóng đá Anh

Trong thông báo phát đi mới nhất ngày 25-4, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) cho biết đã đạt được thỏa thuận bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL) trong các mùa từ 2016 tới 2019 tại Việt Nam. 

Những khó khăn trước đây khi Ban đàm phán mua EPL do Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) không làm việc được với đơn vị phân phối EPL tại Việt Nam là MP&Silva dường như đã không ngăn được K+ tiếp xúc và mua được bản quyền. 

“Truyền hình số vệ tinh K+ sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ giải NHA (tất cả 380 trận đấu/mùa) trong ba mùa bóng từ 2016-2017, 2017-2018 và 2018-2019 bao gồm quyền độc quyền phát sóng một số trận đấu cuối tuần và quyền ưu tiên lựa chọn phát sóng một trận đấu của các vòng diễn ra giữa tuần. Toàn bộ quyền phát sóng nêu trên được áp dụng trên cả hai chuẩn phát sóng SD và HD”, thông tin phát đi từ K+. 

Số tiền chi ra mua EPL là bao nhiêu được giữ kín. Dù vậy, đơn vị này xác nhận cũng chia sẻ, phát chương trình trên các kênh sóng truyền hình trả tiền khác tại Việt Nam như VTVCab, MyTV, Viettel, FPT, Hanoicab để người hâm mộ có thể được thưởng thức. 

Trước đó, ngày 19-4, Bộ Thông tin & Truyền Thông đã có Văn bản 1208/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi các đơn vị phát thanh, truyền hình. Một trong những nội dung được đề cập rõ là “Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong quá trình đàm phán mua bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 tiếp tục tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Văn bản số 10285/VPCP-KGVX ngày 8-12-2015 “bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bền vững của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam””. 

Gói bản quyền EPL mùa 2013-2016 được K+ mua trên dưới 35 triệu USD. Gói bản quyền  EPL mùa 2016-2019 từng có thông tin cho biết được chào bán gần 80 triệu USD.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.