Những ngày ở xứ sở hoa Chăm Pa xinh đẹp

Thứ Hai, 30/01/2017, 11:15
Sau gần một giờ cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài, 17h50 ngày 13-11-2016, chiếc máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia Lào đáp xuống sân bay Vattay ở thủ đô Viêng Chăn.


Vừa ra tới sảnh, chúng tôi được anh Viraphonh Singhavara, Giám đốc Trung tâm Quan hệ cộng đồng (thuộc Cục Báo chí – Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch Lào) cùng hai cán bộ đón về khách sạn Boutique nằm trên đường Samsenthai, thủ đô Viêng Chăn - cách sân bay khoảng 3km.

1. Trong ngày đầu tiên, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi đến Đài Truyền hình Quốc gia Lào (LNTV). Cổng không có cảnh sát bảo vệ, chỉ có một người thường trực và lúc xe chở đoàn chúng tôi không phải dừng lại mà chuyển bánh vào phía sau. 

Ông Boun Chao Phi Chit, Tổng Giám đốc LNTV cho biết: Sau 33 năm hoạt động (thành lập ngày 1-12-1983), mặc dù trang thiết bị còn cũ kỹ, song LNTV vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình; luôn được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nhà nước Lào giao thực hiện các sự kiện lớn, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Với đội ngũ 302 cán bộ, phóng viên, công nhân viên, hiện nay LNTV phát sóng trên 2 kênh; kênh 1 thời lượng phát sóng 18 giờ/ngày về thời sự, chính trị, quốc tế, kinh tế, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh; kênh còn lại thời lượng phát sóng 24/24 về văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, giải trí…

“LNTV có quan hệ với truyền hình Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước ASEAN; nhưng LNTV nhận được sự giúp đỡ lớn nhất từ VTV về hệ thống máy móc thiết bị, đào tạo phóng viên, nhân viên kỹ thuật”, ông Boun Chao Phi Chit cho biết.

Tại Báo Paxaxon và VienTiane Times, tờ báo có bề dày truyền thống 65 năm, chúng tôi được ông Sisay Vilay Sack, Tổng Biên tập cho biết: Từ năm 2010, Báo Paxaxon tự túc hoàn toàn; hiện tại do báo mạng phát triển mạnh nên số lượng phát hành giảm nhiều. 

Từ hơn 100 cán bộ, phóng viên, công nhân viên, Báo Paxaxon còn 60 người nên rất vất vả khi thực hiện tin bài. Báo Paxaxon từ trước đến nay được sự giúp đỡ rất lớn của Báo Nhân Dân Việt Nam về mọi mặt.

Tác giả (bên trái) và anh Anusăc Thasini Phon, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch Luông Pra Băng.

Còn đối với VienTiane Times (thành lập năm 1994), ông Thong Lor Duang Sa Vanh -Tổng biên tập, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là số lượng phát hành thấp và tìm kiếm quảng cáo. Hiện tại bản tiếng Anh phát hành 2 số/tuần; còn bản tiếng Pháp phát hành 1 số/tuần”.

Để đến làm việc với Thông Tấn xã Lào (KPL), chúng tôi được biết, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (ngày 6-1-1968), KPL trước là ngân hàng thông tin cung cấp cho các cơ quan báo chí khác ở Lào. Ông Sun Thon Khăn Tha Vông, Tổng Giám đốc KPL cho biết: KPL có mối quan hệ rất gắn bó với Thông Tấn xã Việt Nam. Tuy nhiên, Thông Tấn xã Việt Nam có phóng viên thường trú ở nhiều nước trên thế giới, còn KPL chỉ có 2 phóng viên thường trú tại Việt Nam và Thái Lan.

2. Chúng tôi đến tỉnh Luông Pra Băng – cố đô của Lào. Điều cảm nhận của chúng tôi ở 2 điểm đến này chính là sự bình yên. Thủ đô Viêng Chăn nằm dọc theo sông Mê Kông; bờ bên kia là tỉnh Nong Khai (Thái Lan).

Ở đoạn sông chảy qua thủ đô Viêng Chăn, từ năm 1994, Chính phủ Australia đã tài trợ xây chiếc cầu Hữu Nghị Lào -Thái dài 1.240m. 

Chính nhờ chiếc cầu này mà đã ra mở ra hướng phát triển mới cho du lịch 2 nước, kết nối hành lang Đông – Tây và mở ra sự phát triển cho ngành Du lịch của cả 3 nước Đông Dương. Buổi tối, tôi và 2 đồng nghiệp Báo Quảng Bình và Báo Hòa Bình đi bộ dọc theo sông Mê Kông, ở đây chủ yếu là các quán ăn, các quán cóc bán hàng ăn vặt  rất đa dạng về thực phẩm, với nhiều món ăn.

Xe Tuk Tuk – phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Viêng Chăn.

Giống như Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luông Pra Băng nằm dọc sông Mê Kông, có diện tích 16.875km², nhưng dân số chưa tới 410.000 người. Luông Pra Băng có hệ thống sông ngòi trải đều 12 huyện, phần lớn đất núi thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi. 

Luông Pra Băng đã được UNESCO công nhận là di tích lịch sử và văn hóa của thế giới năm 1995, có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, chùa và làng cổ kính với những kiến trúc và chạm trổ độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Anh Anusăc Thasini Phon, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thông tin và Du lịch Luông Pra Băng, người có 5 năm học về ngành Xã hội học ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp cho tôi một số thông tin: Dự kiến năm 2016 Luông Pra Băng đón 617.000 du khách, trong đó khách nước ngoài 452.000 người, doanh thu đạt 192.450.000 USD. Luông Pra Băng đang vươn lên, vượt qua nghèo đói, phát huy tiềm năng to lớn về đất đai, tài nguyên và truyền thống văn hóa; GDP hằng năm tăng trung bình 5,59%; GDP tính theo đầu người đạt 702 USD/năm.

3. Điều dễ nhận thấy ở Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Luông Pra Băng là cuộc sống ở đây diễn ra với nhịp điệu rất chậm, mọi thứ đều không xô bồ, vội vã. Không như tại một số thành phố lớn của Việt Nam, người dân ở đây buôn bán hàng hóa, phục vụ ăn uống nhưng không bon chen; từ chủ quán đến người phục vụ không có gì vội vã.

Đường phố khá thoáng đãng, sạch sẽ, toàn bộ không gian chỉ để dành cho người đi bộ. Bia Lào và rượu KongSaĐen khá nổi tiếng, nhưng người dân ở đây không uống bia, uống rượu “mọi lúc, mọi nơi”.

Nếu nhìn vào lượng xe ôtô 4-7 chỗ ngồi tại Thủ đô Viêng Chăn và thị xã Luông Pra Băng thì chúng ta cảm  nhận về đời sống kinh tế của người dân Lào rất khấm khá vì hầu như nhà nào cũng có xe ôtô. 

Lý giải về điều này, các bạn Lào cho biết: Do giá nhập khẩu các loại xe trên rẻ, đồng thời các công chức giữ chức vụ từ phó giám đốc sở, ngành trở lên đều được chính phủ cấp xe đi làm, nên lượng xe ôtô từ 4-7 chỗ ngồi không chỉ ở Thủ đô Viêng Chăn, thị xã Luông Pra Băng  mà ở các  thành phố lớn khác của Lào tương đối nhiều.

Một quán bán thức ăn ở Luông Pra Băng.

Ở Viêng Chăn và thị xã Luông Pra Băng, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là đi xe TuK Tuk. Tại Viêng Chăn thỉnh thoảng còn có vài chuyến xe buýt, không hề có taxi. Lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông lớn; có nơi xảy ra ùn tắc, song các phương tiện đều lưu thông một cách trật tự và đúng luật, đặc biệt là không có chuyện bóp còi xe inh ỏi như thường thấy ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Khi chúng tôi đi bộ qua đường, thì các phương tiện từ ôtô, xe máy đều chạy thật chậm, có khi dừng xe lại chờ chúng tôi đi qua họ mới tiếp tục lưu thông, không hề tỏ thái độ khó chịu hoặc bóp còi loạn xị. Minh chứng là thời gian đoàn chúng tôi di chuyển bằng xe ôtô 15 chỗ ngồi mà chưa hề nghe 2 lái xe bóp còi xin đường bao giờ. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân mà cảnh sát giao thông ít xuất hiện trên đường.

Chúng tôi có dịp đến chợ Phosi và chợ Xanh (Luông Pra Băng), giống như chợ ở Việt Nam, phía trong nhà lồng hàng hóa thật phong phú: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, các thổ cẩm của các bộ tộc Lào, ở dạng tấm vải hay đã may thành áo, khăn, váy, túi xách đều rất đẹp. Phía bên ngoài, cũng bày bán bầu bí, hành tỏi, rau xanh, thịt cá tươi… xen lẫn là quán phở, quán bán xôi cùng nhiều món thịt nướng.

Nhìn chung các dịch vụ phục vụ khách du lịch, ăn uống ở Luông Pra Băng khá cao so với giá cả ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Ăn sáng (bánh cuốn, phở) có giá 20.000 kíp (tiền Lào) quy ra tiền Việt là 54.000 đồng; uống 1 chai bia Lào là 15.000 kíp khoảng 40.000 đồng tiền Việt; giặt ủi một bộ áo quần là 17.000 kíp tương đương 45.000 đồng tiền Việt.

Luông Pra Băng có nét cổ kính của những dãy phố chỉ cao 2 tầng được xây dựng gần trăm năm và lung linh đèn về đêm giống với Hội An của Việt Nam.

Trải nghiệm 6 ngày đến với đất nước Lào - xứ sở của hoa Chăm Pa xinh đẹp và cũng là biểu tượng của đất nước và con người Lào, với chúng tôi, đất nước Lào không chỉ là điểm đến du lịch thú vị, mà đó còn có người dân Lào: sống hiền lành, đôn hậu, niềm nở và rất thật thà.

Công Trường
.
.
.