Niềm vui của nữ nghệ nhân “giữ lửa” các làn điệu bài chòi cổ

Thứ Bảy, 05/03/2016, 07:55
Trung tướng Lê Ngọc Nam đã có nghĩa cử hết sức cao đẹp, đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà Đức; góp sức “giữ lửa” cho điệu hát bài chòi cổ...


“Mẹ con mình đỡ khổ rồi má ơi!...”, nữ nghệ nhân dân gian ưu tú Nguyễn Thị Đức (64 tuổi) bật khóc, ôm lấy người mẹ chồng tuổi đã ngoài 90, khi nghe Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, thông báo được nhận tiền, quà hỗ trợ từ Báo CAND, Truyền hình CAND (ANTV) tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và một số doanh nghiệp có tấm lòng vàng, với tổng giá trị 50 triệu đồng…

Chúng tôi về thăm nhà bà Đức tại thôn Hưng Mỹ 2, xã Cát Hưng (Phù Cát, Bình Định) vào một ngày cuối tháng Giêng, khi nghe tin bà Đức đã được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Nghệ nhân dân gian ưu tú. Ngôi nhà nhỏ của bà Đức xây mặt ra cánh đồng lúa xanh mởn, đang tuổi dậy thì, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Rót chén trà mời khách, bà Đức chia sẻ về cái “duyên” đưa đẩy bà đến với những làn điệu bài chòi cổ…

Theo lời bà Đức, từ nhỏ, vào những dịp lễ, Tết, bà thường theo các anh, chị trong làng đi xem hát bài chòi. Từ đó, điệu hát bài chòi dường như đã “ngấm” vào máu thịt và bà say mê như điếu đổ. Hễ ở đâu có hát bài chòi là bà tìm tới để học “lỏm” nghề. Thấy vậy, bà Lê Thị Đào (dân địa phương còn gọi là bà Trạng), người hát bài chòi nổi tiếng, đã nhận bà làm học trò.

Trung tướng Lê Ngọc Nam cùng đại diện Báo CAND, Truyền hình ANTV trao tặng tiền và tivi cho nghệ nhân dân gian ưu tú Nguyễn Thị Đức.

Trong các đợt lưu diễn vào những dịp lễ, Tết, bà Đào đều dẫn bà đi theo. Mới đầu, bà chỉ đóng những vai nhỏ, vai phụ, sau dần dần am tường, hiểu tận và trở thành đào chính trong các hội bài chòi. Đến nay, tỉnh Bình Định còn lại 2 người hát các làn điệu bài chòi cổ “có danh” là bà Trạng và bà Đức; song bà Trạng tuổi đã xế chiều, lại lú lẫn nên chỉ còn mỗi bà Đức là thầy dạy lại thế hệ trẻ hát bài chòi thể loại này…

Bà Đức rưng rưng kể về số phận cay đắng của mình. Hơn 20 năm trước, chồng bà đột ngột bị bạo bệnh qua đời, để lại mẹ chồng già yếu và 6 đứa con thơ dại. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai của người phụ nữ ốm yếu. Nhiều khi lo cơm áo gạo tiền để trang trải cuộc sống gia đình, bà cũng đôi lần có ý định thôi không theo nghiệp hát bài chòi. Nhưng, như duyên số gắn chặt bà với các làn điệu hát bài chòi nên bà nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Trong các dịp lễ, Tết, hội hè, địa phương luôn mời bà đi hát. Khổ nỗi, tiền công cũng chẳng là bao, nên thường cứ hết tháng Giêng, bà đạp xe lặn lội đi buôn bán ve chai.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Dũng, giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Định, cũng là học trò “ruột” của bà Đức, khi anh nhờ sự chỉ dạy tận tình của bà Đức mà bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về thể loại bài chòi cổ, cho biết: Hát bài chòi cổ xuất hiện từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào thế kỷ thứ XV.

Thể loại này có 4 làn điệu chính là xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hồ quảng; trong đó, làn điệu xuân nữ chiếm đến hơn 80% số lượng các làn điệu bài chòi cổ. Đến thời điểm hiện nay, bà Đức được xem là người “giữ lửa” cuối cùng cho các làn điệu bài chòi cổ của tỉnh Bình Định và cả khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Bà thường xuyên dạy miễn phí cho những ai say mê các làn điệu bài chòi cổ.

Niềm vinh dự đến với bà khi cuối năm 2015, với những đóng góp không mệt mỏi trong việc gìn giữ các làn điệu bài chòi cổ, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ưu tú.

Bà Đức cùng học trò trình diễn tuồng cổ theo thể loại hát bài chòi.

Một niềm vui bất ngờ đến với bà Đức là khi được tin bà và gia đình đang sống trong cảnh nghèo khó, có 3 sào ruộng cũng phải cầm 15 triệu đồng, lấy tiền trang trải cuộc sống thường nhật, Trung tướng Lê Ngọc Nam đã cùng cán bộ chiến sĩ Báo CAND – Văn phòng Thường trú tại miền Trung, Văn phòng đại diện ANTV tại miền Trung – Tây Nguyên, vận động quyên góp giúp đỡ.

Qua đó, các nhà hảo tâm cùng Công ty TNHH Việt Tuấn tại Đà Nẵng, đã ủng hộ, tặng gia đình bà Đức 45 triệu đồng và 1 tivi màu màn hình phẳng 32 inch, trị giá 5 triệu đồng.

Khi đoàn công tác về tặng quà, bà con lối xóm và nhiều học trò cũng kéo đến chia sẻ niềm vui với bà Đức. Sau khi nghe Trung tướng Lê Ngọc Nam thông báo số tiền Báo CAND, Truyền hình ANTV và một số doanh nghiệp hỗ trợ, bà Đức đã khóc òa trong niềm hạnh phúc như một đứa trẻ: “Mẹ con mình đỡ khổ rồi má ơi. Chưa bao giờ nhà mình có được số tiền lớn như vậy...”.

Bà Đức bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Báo CAND, Truyền hình CAND, cán bộ nhân viên Công ty TNHH Việt Tuấn đã có nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ khó khăn đối với gia đình bà. “Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không còn đường nào xoay xở nên hơn 2 năm trước tui đã cầm cả 3 sào ruộng của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nay tui sẽ trích tiền này chuộc lại ruộng để làm ăn. Số tiền còn lại tui sẽ sửa chữa nhà ở đã dột nát để che nắng, che mưa, mẹ con hẩm hút bên nhau”, bà Đức nghẹn ngào bày tỏ.

Thay mặt Đảng ủy, chính quyền địa phương, ông Võ Ngọc Thương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cát Hưng, cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến Báo CAND, Truyền hình ANTV và các doanh nghiệp, cùng Trung tướng Lê Ngọc Nam đã có nghĩa cử hết sức cao đẹp, đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà Đức; góp sức “giữ lửa” cho điệu hát bài chòi cổ...

Và, dưới ánh nắng chiều vàng nhạt, bà Đức cùng các học trò của mình xin biểu diễn một trích đoạn trong vở tuồng cổ Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu. Sau vài phút hóa trang, người phụ nữ nghèo bước lên chiếu tuồng, hóa thân thành một nàng công chúa yêu kiều, với giọng hát bài chòi ngọt ngào, đằm thắm làm say đắm bao người…

Ngọc Thi
.
.
.