Những tấm lòng vàng xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 06/08/2012, 15:40
Đến một xã ven sông Đáy thuộc Hà Tây cũ, hỏi mấy bác nông dân đi thăm đồng về, các bác cười vui vẻ: Xã vận động, người góp tiền, góp đất, người bỏ công sức, thế là có đường mới. Chủ trương đúng, hợp tình thì ai cũng nghe. Đời mình khổ đã đành, đời con cháu còn chịu khổ thì thật không nên, tất cả vì nông thôn mới mà chú!

Do bận bịu công việc, phải hơn một năm nay tôi mới có dịp về thăm quê ngoại, một xã ven sông Đáy thuộc Hà Tây cũ. Cảm xúc của tôi là mừng và ngạc nhiên bởi từ quốc lộ rẽ vào xã, rồi từ xã xuống các thôn, thậm chí cả những con đường nhỏ dẫn ra khu nghĩa trang đều được làm mới bằng bê tông xi-măng. Hai bên đường là hàng cây bạch đàn hay tai tượng đang vươn cao tỏa bóng mát.

Tuổi thơ của tôi những tháng ngày sơ tán đã in đậm trên những con đường này, nhất là vào những ngày mưa bão, đường lầy lội bùn đất, đi chân đất đi học mà vẫn bị "vồ ếch". Còn đến hôm nay, tất cả dường như đã đổi khác, những con đường khang trang, sạch sẽ phần nào nói lên sự đổi thay của quê nhà và sự tác động mạnh mẽ của cuộc sống đô thị hiện đại.

Hỏi mấy bác nông dân đi thăm đồng về, các bác cười vui vẻ: Xã vận động, người góp tiền, góp đất, người bỏ công sức, thế là có đường mới. Chủ trương đúng, hợp tình thì ai cũng nghe. Đời mình khổ đã đành, đời con cháu còn chịu khổ thì thật không nên, tất cả vì nông thôn mới mà chú!

Thì ra là vậy. Mấy năm gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến cụm từ "Nông thôn mới" và nó đang ngày càng phát huy hiệu quả tại các vùng nông thôn. Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xây dựng nông thôn mới chính là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới mang ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thể hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển khu vực nông thôn.

Những số liệu thống kê từ Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội càng khiến chúng ta ấm lòng. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phát động phong trào hiến đất, huy động kinh phí làm đường đã thu hút hàng nghìn hộ dân tham gia. Đó là xã Song Phượng, huyện Đan Phượng huy động được hơn 70 tỷ đồng và hàng nghìn m2 đất để xây dựng công trình phúc lợi, mở rộng đường làng, ngõ xóm, các đường liên xã, liên thôn; Xã Đại Áng, huyện Thanh Trì huy động 6 tỷ đồng và hơn 700 m2 đất; Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ huy động được 14 tỷ đồng…

Giữa thời buổi "tấc đất tấc vàng" thì những tấm lòng trên còn quý hơn vàng. Mọi người làm điều này với tinh thần tự nguyện bởi họ hiểu, trong cái lợi chung có cái lợi của gia đình mình và đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm công dân ngay tại mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.

Kinh nghiệm quý báu từ việc huy động sức mạnh của nhân dân để xây dựng nông thôn mới chính là việc làm tốt công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng để họ hiểu, từ đó có những hành động thiết thực. Nói cách khác, khi có sự đồng thuận, đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân thì không chỉ phong trào xây dựng nông thôn mới mà cả những phong trào khác đều phát triển mạnh.

Người dân gắn bó với địa phương bằng chính những hành động cụ thể và góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính khi nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế. Và như thế, diện mạo nông thôn sẽ ngày càng khởi sắc

Nguyễn Tuấn
.
.
.