Giám đốc Công ty Duy Lợi trải lòng về hạnh phúc khi được sẻ chia, giúp đỡ người nghèo

Thứ Tư, 10/02/2016, 08:44
Những ngày cuối năm, gặp ông chủ của thương hiệu võng xếp Duy Lợi tại công ty không khó. Chỉ có điều, muốn gặp ông ở ngoài trụ sở chính của Công ty Duy Lợi lại là chuyện không dễ. Công việc khiến ông không còn thời gian rời công ty.


Thế nhưng, những dịp cuối tuần, đêm về sáng ngày cận lễ Giáng sinh lại thấy ông và những người thân cùng một số nhân viên tận tình mang từng suất ăn đến với người lang thang,  bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Ông Lợi nói, lâu nay, ông coi làm từ thiện là công việc thường ngày, là nhu cầu như nước uống, khí trời…

Chỉ riêng với Báo Công an nhân dân, ông Lâm Tấn Lợi kết hợp làm từ thiện đã hơn chục năm nay. Chưa có năm nào ông tổng kết công ty và gia đình hỗ trợ người kém may mắn bao nhiêu tiền. Đơn giản, Duy Lợi làm từ thiện theo doanh thu thực có. Ông không thích nhậu nhẹt, không hút thuốc, ngay cả cà phê cũng không. Ông thích các món ăn bình dân nên nói chung, chi phí chi dùng cho bản thân không nhiều.

Lãnh đạo Báo CAND tiếp nhận ủng hộ từ vợ chồng ông Lâm Tấn Lợi và tập thể công nhân viên Công ty Duy Lợi và các nhà hảo tâm trong chương trình “Tết vì người nghèo 2016”. Ảnh: Ngọc Hoa.

Ông chủ Duy Lợi thường đùa vui như thế mỗi khi có ai đó hỏi về lý do vì sao ông làm từ thiện nhiều và liên tục như thế. Ông quan niệm, việc người khá giả san sẻ, giúp đỡ người kém may mắn, nghèo khó là lẽ tự nhiên ở đời. Làm từ thiện cũng có nhiều cách. Riêng việc tự tay tổ chức nấu nướng và đến tận nơi mời người nghèo dùng bữa, ông mới thực hiện gần đây. Các khâu chuẩn bị thực phẩm, chế biến đều do vợ và các nhân viên tự nguyện tham gia. Ông Lợi thường chỉ góp sức khi có điều kiện. Chính những đêm hôm khuya khoắt cùng vợ và nhân viên đến các công viên, đánh thức những người lang thang đang ngủ vạ vật, mời họ một bữa ăn nóng sốt lại giúp ông hiểu được nhiều điều.

Ông chủ Duy Lợi kể, lâu nay, ông ít quan tâm tới chế biến ẩm thực. Chỉ khi cùng vợ và các nhân viên hì hụi cả ngày, có khi thức cả đêm canh những nồi xương ninh để có bát canh ngon đãi người khốn khó, ông mới thấy nấu ăn vừa đảm bảo vệ sinh, vừa ngon không hẳn đã dễ dàng, nếu không muốn nói là rất vất vả. Nhưng, ông và vợ vẫn chọn cách làm này.

Ngoài đam mê công tác xã hội từ thiện, ông Lâm Tấn Lợi đảm nhận vai trò  điều hành công ty và tự thiết kế, sáng tạo sản phẩm mang thương hiệu Duy Lợi.

Ông kể rằng, khoảng những năm 1975-1976, kinh tế đất nước còn rất khó khăn, đường là một món quà xa xỉ. Một lần, có người đến trường phát cho mỗi học trò cả bát đường. Đứa trẻ nào cũng mừng như bắt được vàng. Đám con trai ăn hết veo. Kết quả tức thời là đau bụng và nhà vệ sinh quá tải! Cái nghèo còn in dấu trong tâm trí anh đến tận bây giờ với hình ảnh người mẹ tảo tần, mỗi lần rán bánh chỉ dám thật dè sẻn, nhúng dụng cụ vào bát mỡ và thoa một lớp thật mỏng đến không thể mỏng hơn… 

Đó cũng là lý do khiến ông luôn muốn sẻ chia với những phận đời kém may mắn một phần vật chất bản thân đang có. Hơn thế nữa, ông còn muốn cả những người thân, nhân viên của mình tham gia hoạt động này. Không phải chỉ là góp tiền cho xong mà là làm trực tiếp.

Nhiều nhân viên của Duy Lợi, ban đầu chỉ tham gia cho vui, cũng mỏi mệt sau mỗi đêm nấu nướng, đi phát các suất ăn. Sau một vài lần, chứng kiến những người vô gia cư ngủ lang thang bị đánh thức và vui vẻ thưởng thức món ăn miễn phí được tặng đầy bất ngờ, họ cũng vui lây. Niềm vui cho tất cả thêm động lực để tiếp tục công việc. Từ chỗ còn đôi chút gượng ép, sau họ quen dần, coi làm từ thiện thành thói quen, như một phần công việc cần thiết trong cuộc sống. Lòng từ tâm, theo đó mà nhân lên.

Về hoạt động xã hội từ thiện, ông chủ của thương hiệu võng xếp Duy Lợi chia sẻ rằng, đến hôm nay, nhiều người Việt vẫn nhìn nhận những đóng góp lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là chuyện rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng, theo ông, đây là chuyện nên làm và hết sức bình thường ở các nước phương Tây. Gần đây nhất, người Việt ồn ào và lạ lẫm trước việc ông chủ Google tuyên bố dành đến 99% tài sản cho hoạt động từ thiện. Trước đó nữa là các tuyên bố của tỷ phú Bill Gate về việc hiến tặng tài sản cho hoạt động mang tính chất nhân đạo, từ thiện. 

Khác với quan niệm làm để dành cho con cháu, với nhiều ông chủ lớn của thế giới, họ lao động, làm ra tài sản, chỉ một phần dành cho gia đình, một phần cho công việc, còn với phần lớn tài sản, họ mong muốn được cho đi một cách có ích nhất. Duy Lợi rất thích quan điểm này nên ông đã và đang tích cực hiện thực hóa bằng việc làm thường xuyên. Tất nhiên, khối tài sản mà bản thân ông và công ty có được phải từ kết quả lao động tích cực, phải bằng sự trung thực, tôn trọng khách hàng - người tiêu dùng.

Ông Lâm Tấn Lợi nói, ông tin vào luật nhân quả, không phải đợi đến tận kiếp sau mà hiện hữu ngay trong cuộc đời hiện tại. Thương hiệu Duy Lợi có được hôm nay là cả một quá trình tạo dựng và giữ gìn chữ tín với người tiêu dùng. “Nhân duyên” của Duy Lợi với những người làm Báo Công an nhân dân như hôm nay cũng không phải ngẫu nhiên mà đúng là có nhân có quả, dù rằng ông không chủ ý. Từ chỗ đọc báo, thấy hoàn cảnh nhân vật thương tâm quá, cầm lòng không đặng nên giúp đỡ, không mảy may cầu được trả ơn nhưng Duy Lợi được… lợi thật. 

Ông còn nhớ rất rõ, thời kỳ cao điểm, Báo An ninh thế giới (nay là Chuyên đề của Báo Công an nhân dân) phát hành đến 600.000 - 700.000 bản/kỳ. Để đăng quảng cáo trên báo thời điểm ấy không dễ và kinh phí không ít. Ông cũng tính xin đăng quảng cáo ở một chân trang. Không ngờ, Tổng Biên tập lúc ấy - nhà văn Hữu Ước cho đăng ngay và đăng miễn phí. Ông ngần ngại hỏi lý do thì ông bảo, vì thấy anh nhiệt tình giúp nhiều người nghèo nên ông muốn giúp lại anh. Đến hôm nay, đã hơn chục năm có lẻ, thương hiệu võng xếp Duy Lợi vẫn luôn được ưu ái đăng tải miễn phí tại chân trang này.

Gần đây một thành viên trong gia đình ông mắc bệnh hiểm nghèo. Thông thường, tại Việt Nam, những người mắc bệnh tương tự khó có thể qua khỏi sau một thời gian ngắn phát hiện ra bệnh. Nhưng, nhờ những người quen biết, trong đó có rất nhiều mối quan hệ nảy sinh từ các hoạt động xã hội từ thiện đã mách bảo, chữa trị người nhà ông đã vượt qua được giai đoạn nói trên.

Hơn thế, bằng sự động viên và chung tay giúp đỡ của nhiều người, gia đình ông có thêm nhiều phương thức, thực phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường thêm sức khỏe mà bản thân, dù có tiền cũng khó tìm kiếm được. Chính sự giúp đỡ, sự động viên, tình cảm của mọi người dành cho gia đình lúc này khiến ông thấy ấm lòng, lạc quan hơn và tự tin hơn với cách lựa chọn, cách làm, cách sống của mình lâu nay. Cho đi sẽ được nhận lại, giúp người lúc khốn khó và được người giúp lúc mình khó khăn là lẽ đời. Với Duy Lợi đó chính là lẽ sống.

Ông chủ Duy Lợi kể, lâu nay, ông ít quan tâm tới chế biến ẩm thực. Chỉ khi cùng vợ và các nhân viên hì hụi cả ngày, có khi thức cả đêm canh những nồi xương ninh để có bát canh ngon đãi người khốn khó, ông mới thấy nấu ăn vừa đảm bảo vệ sinh, vừa ngon không hẳn đã dễ dàng, nếu không muốn nói là rất vất vả. Nhưng, ông và vợ vẫn chọn cách làm này.
PV
.
.
.