Nhức nhối nạn tự tử vì mâu thuẫn gia đình

Thứ Bảy, 15/09/2018, 09:07
Đường biên kéo dài, trình độ dân trí của một phận bà con các chòm bản huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) còn thấp, nên thời gian qua, nạn tự tử vì mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống ở đây đang diễn ra phức tạp. 

Chính quyền địa phương không khỏi lo ngại trước thực trạng này. Đâu là “liều thuốc” đặc trị chống tự tử nơi vùng biên Xín Mần? PV Báo CAND đã tìm hiểu về vấn đề này.

Xín Mần có hơn 30km đường biên giới, cùng vô số đường tiểu ngạch, bà con các dân tộc Nùng, Mông, Dao… ở đây đang còn gặp nhiều khó khăn. 

Đại úy Triệu Vàn Chiêm, Phó Đội trưởng Công an Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (Công an huyện Xín Mần) vừa chở chúng tôi đi khảo sát thực địa trên chiếc xe máy đặc chủng vừa cho biết, cuộc sống của bà con các dân tộc Xín Mần còn khó khăn, trình độ dân trí, văn hóa còn hạn chế, nên đây cũng chính là một trong những lý do khiến nạn tự tử vì mâu thuẫn gia đình gia tăng. 

Đại úy Triệu Vàn Chiêm kể cho chúng tôi nghe về những vụ việc đau lòng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình: Chồng chửi vợ, vợ mắng con, mẹ chồng mắng con dâu… cũng khiến nhiều gia đình mất đi người thân, chồng mất vợ, con mất bố v.v... 

Công an huyện Xín Mần tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa nạn tự tử trên địa bàn.

Đại úy Triệu Vàn Chiêm không giấu được sự lo ngại khi kể về vụ người mẹ sát hại 3 con nhỏ xảy ra ở xã Quảng Nguyên vào tháng 8-2016. Phàn Mùi Mấy (27 tuổi) ở xã Quảng Nguyên vào đêm 15, rạng sáng 16-8-2016 đang tâm sát hại 3 người con của mình là cháu Triệu Mùi Mụi (5 tuổi), Triệu Văn Chòi (3 tuổi) và Triệu Thị Huệ (14 tháng tuổi). 

Mấy khai nhận, do mâu thuẫn trong gia đình, bị chồng và mẹ chồng mắng, Mấy không kìm chế được bản thân, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, gây án và sau đó cũng định tìm đến cái chết. 

“Nếu như mâu thuẫn của Mấy và người thân trong gia đình được giải quyết, chắc chắn sẽ không có vụ án đau lòng như trên xảy ra. Khi Công an huyện Xín Mần vào cuộc, làm rõ vụ án, ai nấy đều xót xa”, Đại úy Chiêm tiếp lời.

Huyện Xín Mần là một trong những địa bàn phía Tây thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Từ thành phố Hà Giang, để lên được đây, các phương tiện (ôtô) phải mất gần 5 giờ đồng hồ đi đường bởi đường đèo quanh co, “ổ trâu”, “ổ voi” nối nhau xuất hiện.

Có những địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện mất cả buổi đi đường như xã: Chế Là, Xín Mần, Nà Trì, Tả Nhìu. Đây cũng là lý do khiến đời sống kinh tế, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. 

Thêm vào đó, tập quán sinh sống của bà con các dân tộc… còn có những nét khác biệt. Thế nên, dù công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành không ngừng được đẩy mạnh, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc trân trọng cuộc sống, còn tự ái cao. Để rồi, hễ xảy ra xích mích vợ chồng, hay bố mẹ không đồng ý một vấn đề gì đấy… là tìm đến… thuốc diệt cỏ, thuốc chuột, dây treo cột, lá ngón để kết liễu đời mình. 

Thượng tá Lương Xuân Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Xín Mần ngậm ngùi cho hay, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, trên địa bàn xảy ra hơn 10 vụ tự tử vì những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống gia đình. Nếu không ngăn chặn triệt để, sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng.

Tìm hiểu thực tế ở Xín Mần, chúng tôi được hay, không riêng gì chị em phụ nữ, có người tìm đến cái chết vì mâu thuẫn trong gia đình là đàn ông, trụ cột trong gia đình. Nhắc đến vụ việc đau lòng xảy ra ở thôn Nặm Phang, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) xảy ra vào cuối tháng 11-2017, đến giờ nhiều người chưa hết xót thương. 

Khoảng 16h ngày 22-11-2017, anh Hoàng Văn K. (54 tuổi) do phát sinh mâu thuẫn với vợ và người thân đã dùng chiếc dây thừng treo lên cây phía sau nhà để tự tử. Người thân anh K. sau đó đã đưa anh đi cấp cứu nhưng không kịp. 

Hay như vào lúc 15h40, ngày 28-11-2017, anh Thèn Văn L. (45 tuổi) ở thôn Đông Nhẩu, xã Thu Tà (Xín Mần) được người thân phát hiện trong tư thế treo cổ chết trong vườn rừng, cách nhà khoảng 60m. Nguyên nhân sau đó đã được cơ quan CSĐT – Công an huyện Xín Mần xác định, là do tiêu cực cá nhân, anh L bức xúc tìm đến cái chết thay vì tìm hướng giải quyết khúc mắc.

Trước vấn nạn tự tử nhức nhối ở trên, câu hỏi đặt ra: “Đâu là thuốc đặc trị?”. 

Thượng tá Lương Xuân Nghiêm cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con các dân tộc (nhất là tại các bản làng xa xôi), các cấp ủy, chính quyền sở tại cần chung tay vào cuộc đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thông qua trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn để tuyên truyền, vận động tới từng hộ gia đình, làm sao để mỗi người dân hiểu rõ hơn về những hệ lụy khôn lường đi kèm hành động tiêu cực – tìm đến cái chết. 

Làm sao để bà con hiểu được giá trị cuộc sống, trách nhiệm bản thân với gia đình. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cần coi phòng ngừa nạn tự tử trong các hộ gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức mình.

Trần Huy
.
.
.