Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Những hiệu quả đáng mừng

Thứ Ba, 14/01/2020, 10:03
Sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt chính thức có hiệu lực với khung hình phạt mới tăng nặng và nghiêm khắc hơn, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt. Ghi nhận của phóng viên Báo CAND từ các bệnh viện cũng đã cho thấy những kết quả rất đáng mừng.


Xử phạt vi phạm đúng người, đúng quy định

Trước thắc mắc khi ăn uống một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến với rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở. Như vậy liệu có bị phạt khi tham gia giao thông?

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia nói rõ: Lý do ăn trái cây, hoa quả thì Bộ Y tế có trả lời là độ cồn này sẽ "tan" sau khi ăn 15-20 phút và súc miệng xong sẽ hết. 

Cũng theo ông Hùng, kết quả từ Bộ Y tế cho thấy, việc ăn hoa quả sẽ lên men, tạo cồn trong vòm họng và trong ống tiêu hóa, việc test thổi không khí trong vòm họng có thể có nồng độ cồn. Nhưng nếu thực hiện đúng quy trình lấy khí từ đáy phổi, câu chuyện sẽ khác.

Lực lượng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường trọng điểm.

Quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn là máy đo lấy 1 lít khí từ đáy phổi thổi qua máy đo để ra chỉ số. Trong quy trình kiểm tra đang áp dụng thì bất kỳ trường hợp nào nếu người điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn theo đúng quy trình mà họ không uống rượu bia có thể yêu cầu thử nồng độ cồn trong máu.

Đến nay chưa có thống kê chính thức từ các quốc gia cấm tuyệt đối trong hơi thở, trong máu có nồng độ cồn là có ai đó ăn trái cây, hoa quả có nồng độ cồn bị xử phạt. Tại Việt Nam cũng chưa phát hiện trường hợp nào tương tự.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thư ký dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng chia sẻ thêm: Theo Luật mới, nước hoa quả lên men cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Những sản phẩm mà giới trẻ dùng nhiều như nước hoa quả lên men có nồng độ cồn tương đương lên men sẽ được điều chỉnh như rượu bia. Về cơ sở của đề xuất và ban hành Luật này, trước hết là xuất phát từ thực trạng sử dụng rượu bia. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%. Rượu bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh.

Cùng đó là tác hại về kinh tế, xã hội. Riêng về giao thông, theo thống kê của WHO, 36,2% TNGT liên quan đến rượu bia trong những vụ do nam giới gây ra. Đó là chưa nói đến thiệt hại về xã hội, mối quan hệ xã hội, bạo lực gia đình…

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng,  khi bàn về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, không phải Chính phủ bị áp lực mà áp lực dồn về Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là rất lớn. Khi đưa dự thảo Luật ra Quốc hội, thì quy định khi tham gia giao thông không được uống rượu bia vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, vẫn 50/50. Cuối cùng, chúng ta đã đưa quy định bắt buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được uống rượu bia và nội dung này đã được đưa vào khoản 7 Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Và khi đưa ra Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì nhận được sự đồng thuận rất cao. Theo ông Lợi thì ngay khi chúng ta cho ý kiến Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã nhận được sự  ủng hộ đánh giá cao của dư luận, báo chí.

Bên cạnh đó việc chuẩn bị và ban hành Nghị định 100/CP đã được thực hiện rất đúng thời điểm. Có ai đó nói phạt nặng nhưng về cơ bản đây là những chế tài chúng ta mong muốn phải đi vào cuộc sống. Đồng thời ngay khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, lực lượng Công an đã vào cuộc rất quyết liệt. Ngay sau 6 ngày đầu triển khai thì theo Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, so với 6 ngày này năm trước, mỗi ngày chúng ta giảm 4 vụ TNGT chết người.

Giảm mạnh bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia

Sau 2 tuần Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được thực thi, tình hình TNGT do rượu bia đã giảm đáng kể. Các bác sĩ cho rằng, Nghị định 100 đã có tác động tích cực trong việc giảm TNGT do rượu bia.

Ngày 13-1, có mặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chúng tôi không ghi nhận trường hợp bị TNGT hay ngộ độc liên quan đến rượu bia nhập viện. 

Theo đại diện của Bệnh viện, sau 13 ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, Bệnh viện không tiếp nhận trường hợp nào bị TNGT do rượu bia. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi Luật có tác động mạnh mẽ tới nhận thức của người dân.

Trước đây, trung bình một ngày Bệnh viện cấp cứu khoảng 100-120 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% liên quan đến rượu bia. Có nhiều ca đa chấn thương do liên quan đến rượu bia vào nhập viện không chỉ người bệnh khổ, bác sĩ vất vả mà người nhà cũng rất khổ. Có nhiều bệnh nhân TNGT là thanh niên, hoặc ở tỉnh xa, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, điều trị dài ngày tại viện với tiên lượng nặng, chi phí thuốc men vô cùng tốn kém.

Theo BS. Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Nghị định 100 có hiệu lực đã làm giảm đáng kể bệnh nhân nhập viện do TNGT và ngộ độc có liên quan đến rượu bia. Điều này mang ý nghĩa xã hội rất lớn, giảm áp lực cho các sĩ trong các tua trực”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia cũng giảm mạnh. Nếu trước đây, mỗi ngày Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận từ 10-15 ca TNGT liên quan đến rượu bia thì từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, Khoa chỉ tiếp nhận từ 1-2 ca/ngày. Tết năm ngoái, bệnh nhân nhập viện do TNGT vào đây tăng vọt, các bác sĩ hy vọng Tết năm nay sẽ giảm rất nhiều nhờ áp dụng chế tài xử phạt mạnh.

Ghi nhận tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, số người nhập viện do TNGT có liên quan tới rượu bia cũng giảm mạnh. Theo đại diện bệnh viện, số bệnh nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia trong những ngày qua chiếm 11,8%, trong khi trước đó chiếm 15%.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, theo TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, tuy chưa có thống kê và so sánh cụ thể, nhưng bệnh nhân vào nhập viện liên quan tới rượu bia đã giảm. Điều này cho thấy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội, cũng như giảm áp lực cho ngành y tế, bảo đảm an ninh trật tự…

Nếu như Luật được duy trì tốt, chế tài tiếp tục được xử lý nghiêm như những ngày qua, sẽ đem lại hiệu quả và ý nghĩa xã hội rất lớn, làm giảm các vụ TNGT, giảm các vụ đánh nhau, gây rối, ngộ độc do rượu bia và làm giảm áp lực cho bác sĩ trong các ca trực.

Việc người dân tự điều chỉnh, hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông chắc chắn sẽ góp phần làm giảm TNGT.

Theo BS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, để hạn chế, tiến tới kiểm soát việc uống rượu, bia cần có sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, ví dụ như lứa tuổi được sử dụng rượu bia, cơ sở kinh doanh nào được sử dụng, để hạn chế tối đa giới trẻ sử dụng rượu bia không phù hợp.

Phạm Huyền - Trần Hằng
.
.
.