Sẽ xử lý phụ huynh “mua điểm” khi có đủ chứng cứ

Thứ Bảy, 11/05/2019, 18:29
Đó là thông tin được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại buổi gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2019 tại Ninh Bình ngày 11-5.


Một trong những vấn đề nóng được các cơ quan báo chí đặt ra với đại diện Bộ GD&ĐT là việc giải quyết hậu quả bê bối gian lận điểm thi năm 2018. 

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay Cơ quan An ninh điều tra vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT vẫn là thí sinh liên quan đến đâu, phụ huynh và cán bộ liên quan đến đâu, tùy vào mức độ sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Tinh thần của Bộ GD&ĐT là sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành các cán bộ, giáo viên vi phạm.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí .

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong bê bối gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình, có 82 thí sinh gian lận điểm bị các trường ĐH, CĐ buộc thôi học và trả về địa phương. Sở dĩ các trường ĐH, CĐ không tuyển bổ sung đối với các thí sinh có điểm thi kế cận, ngoài những quy định tại quy chế thi, còn có một lý do khác. Đó là nếu 82 thí sinh bị loại ra, những thí sinh tiệm cận được vào thì sẽ gây rối loạn toàn hệ thống. 

"Về lý thuyết, có một số thí sinh gian lận từng nhập học các trường và bị hủy kết quả trúng tuyển, và như vậy, một lượng thí sinh có thể thay thế. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với số những thí sinh trúng tuyển khác mà không nhập học hàng năm. Như năm 2018, có hơn 22.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Nếu như nói về tính chất thì 2 việc này là như nhau, bởi 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học này cũng chiếm chỗ của những thí sinh khác”, đại diện Bộ GD&ĐT nói.  

Cũng theo bà Phụng, năm 2018, các thí sinh đăng ký từ 1 đến 48 nguyện vọng. Vậy nếu giải quyết thì sẽ gây xáo trộn toàn bộ hệ thống. Và thậm chí lúc đó lại đặt ra tiếp vấn đề 22.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì giải quyết quyền lợi cho các thí sinh khác muốn nhập học vào 22.00 chỉ tiêu đó như thế nào. Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, đó có lẽ cũng là cách giải quyết tối ưu nhất. 

Thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh cho biết: Nhận thấy đây là một trong những khâu ẩn chứa nhiều rủi ro trong kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy chế thi 2019 năm theo hướng quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi). 

Phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các điểm thi được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại điểm thi. Đặc biệt, các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan. 

Đối với việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn do sở GD&ĐT chủ trì, năm nay Bộ GD&ĐT cũng quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra; yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm Quản lý thi.

Năm 2019, sẽ tiến hành chấm kiểm tra đối với các bài thi tư luận điểm cao.

Bộ GD&Đ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ tăng cường phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. 

“Công tác tập huấn về kỹ thuật và nghiệp vụ cho cán bội coi thi cũng sẽ được Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an một cách nhuần nhuyễn và kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là kỹ năng phát hiện các thiết bị công nghệ để gian lận thi....”- ông Trinh chia sẻ. 

Cũng theo ông Trinh, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường theo hướng người làm công tác này phải hiểu rõ quy chế, quy trình, gắn với trách nhiệm cụ thể; tăng cường sự tham gia của cán bộ am hiểu, có nghiệp vụ về công tác thanh tra, có tinh thần trách nhiệm đến từ các trường ĐH, CĐ.

Huyền Thanh
.
.
.