Học sinh F0 gia tăng: Nhà trường và phụ huynh đều phải “gồng mình”

Thứ Bảy, 05/03/2022, 09:38

Hướng dẫn mới về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học trong tình trạng học sinh F0 gia tăng được cho là “gỡ rối” cho ngành giáo dục, song các qui định cũng đang gây áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và nhà trường xung quanh giấy chứng nhận “âm tính” COVID-19 để làm bằng chứng được đến lớp học trở lại.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, nếu lớp học có 2 học sinh (HS) F0, trường phải phối hợp y tế địa phương tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ HS của lớp đó, sàng lọc F1 cho về nhà cách ly theo qui định là 5 ngày, có kết quả âm tính mới được trở lại trường học.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, quy định trên thực sự đang đưa ra một bài toán kinh tế với các nhà trường và là gánh nặng cho phụ huynh học sinh (PHHS).

Từ khi tổ chức học trở lại, Trường THPT Nguyễn Du cũng đã phát hiện 106 trường hợp HS F0. Đa phần được test nhanh tại nhà do nhà trường phối hợp với PHHS. Còn phía trường cũng có thực hiện test nhanh cho học sinh nghi ngờ tại trường nhưng hiện nay kit test đã hết mà đi mua thì khan hiếm, không tìm ra. Riêng với những em diện F0, sau 7 ngày cách ly phải làm thêm test PCR cho kết quả âm tính để được trở lại học, trên 1 triệu đồng/lần. “Phụ huynh than quá nhưng nếu không làm thì không thể trở lại học tập theo qui định”.

Học sinh F0 gia tăng: Nhà trường và phụ huynh đều phải “gồng mình” -0
F0 học sinh gia tăng khiến việc học tập, giảng dạy trực tiếp của các trường đang gặp nhiều xáo trộn.

Về phía nhà trường, nếu phát hiện 1 lớp có 1-2 ca F0, sẽ phải làm xét nghiệm cho cả lớp thường khoảng 50 em (diện F1). Phí một bộ kit test rẻ thì cũng phải 80.000 đồng. Nếu khối có 10 lớp thì tổng số tiền nhà trường chi cho kit test đã lên 40 triệu đồng. Nếu 1 tuần có 3 ngày phát hiện các lớp học có F0 thì trong một tháng, nhà trường và phụ huynh không thể kham nổi phí kit test để xét nghiệm. Khó khăn là kit test mua không dễ. Phí làm PCR hiện cũng không thống nhất và không kiểm soát được. Có nơi thu phí trên 1 triệu, có nơi 1.200.000, có khi phí PCR lại tới 1.800.000 đồng tại bệnh viện tư. “Thực sự nó đang là “gánh nặng” kinh tế đè lên vai phụ huynh và nhà trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu phó Trường chuyên THPT Lê Hồng Phong cũng cho biết, từ hôm đi học trở lại, ngày nào trường cũng phát hiện HS F0. Nhà trường thực hiện sàng lọc, tầm soát từ xa bằng cách đề nghị phụ huynh test nhanh cho con trước khi đến lớp. Nếu phát hiện F0, học sinh đó sẽ được nghỉ tại nhà để điều trị, không đến lớp để tránh lây nhiễm.

Học sinh là F0 nghỉ ở nhà sẽ được học online, các em cũng không bị mất kiến thức và bài tập. Hiện nhiều trường tổ chức song song trực tiếp và trực tuyến. Sau một thời gian dài dạy trực tuyến, các thiết bị Laptop của các thầy cô đều hư hỏng rất nhiều do “quá tải”. Nhà trường không có kinh phí hỗ trợ cho thầy cô trong việc này…

Ngày 1/3 vừa qua, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND - TP Hồ Chí Minh) cho biết sẽ trao đổi thêm với ngành giáo dục và y tế tìm giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho các trường học. Ban Văn hóa - Xã hội cũng đang làm việc với một đơn vị ngân hàng, đồng thời nắm lại nhu cầu kit test từ 21 phòng GD-ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức để tài trợ nguồn kit test cho các đơn vị trường học.

Huyền Nga
.
.
.