Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Đừng để ‘đầu voi đuôi chuột’

Thứ Sáu, 23/10/2015, 16:58
Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể là một hướng đi đúng song cần cụ thể, rõ ràng hơn để đảm bảo chương trình có thể thực hiện được, tránh rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục cho mọi người đã phối hợp tổ chức Tọa đàm Góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) do Bộ GD&ĐT soạn thảo đang lấy ý kiến rộng rãi từ xã hội. Theo các chuyên gia, việc xây dựng chương trình GDPT tổng thể là một hướng đi đúng song cần cụ thể, rõ ràng hơn để đảm bảo chương trình có thể thực hiện được, tránh rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". 
TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Đề án chương trình GDPT tổng thể mới chỉ đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau THPT, trong khi các trình độ sơ học và trung học ở bậc giáo dục nghề nghiệp, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp lại không phải là một luồng khác sau THCS, cùng với luồng THPT. Do vậy, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS như Nghị quyết 29 chỉ ra vẫn đang được bỏ ngỏ mà không biết Bộ nào sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Xây dựng chương trình GDPT tổng thể là một hướng đi đúng song cần cụ thể, rõ ràng hơn. (Ảnh: VTC news).
GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Khái niệm “Tổng thể” của Dự thảo chương trình GDPT này nên hiểu như thế nào cho đúng? Không thấy có mối liên hệ hay các lối rẽ nhánh nào cho học sinh vào các bậc học hay lĩnh vực giáo dục khác như dạy nghề, chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong cơ cấu khung chương trình giáo dục quốc dân, không thấy mối liên hệ rõ ràng giữa giáo dục chính quy và giáo dục phi chính quy, mặc dù có nói nhiều tới trải nghiệm sáng tạo ngoài trường.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Hơn nữa, việc triển khai chương trình GDPT tổng thể mới thì sư phạm phải là đầu tàu, không phải là toa kéo. Nếu sư phạm chỉ là toa kéo thì sẽ “hỏng”. Trước khi có cải cách giáo dục phổ thông thì phải cải cách sư phạm. Mặt khác, giáo dục đại học phải định hướng cho giáo dục phổ thông, có tác động đến giáo dục phổ thông và không thể tách rời. Tuy nhiên, trong dự thảo, sự phân luồng và mối liên hệ này còn rời rạc và rất mơ hồ.

TS. Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GD&ĐT đã đặt ra 8 vấn đề, cũng là 8 câu hỏi đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó, chuyên gia này nhấn mạnh: “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT liệu có quá chủ quan không khi khẳng định trên phương tiện thông tin đại chúng rằng chương trình GDPT tổng thể mới này chỉ trong vài năm thực hiện sẽ thành công ở 90% số trường? Dựa trên cơ sở nào? Liệu Bộ đã lường hết những khó khăn và sự rối loạn ở cơ sở khi thực hiện chưa? Ví dụ, Bộ đã chắc có sẵn phần mềm quản lý môn tự chọn để điều hành hướng dẫn các trường, sở khi mà chỉ công bố kết quả thi PHTH đổi mới vừa qua còn lúng túng? Trong khi hệ thống GDPT của ta chưa áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, làm sao các trường thiếu giáo viên dạy môn học sinh đăng ký, lại có thể gửi đi các học truờng khác?.

Đại diện Hiệp hội giáo dục cho mọi người nhấn mạnh: Trong chương trình mới cần chú ý tới nội dung dạy tích hợp và phân hóa. Vì tích hợp kiến thức thì dễ, nhưng tích hợp 2 khoa học vào nhau là rất khó. Ví dụ tích hợp môn Dân số vào Toán, vào Sinh thì dễ, nhưng tích hợp các môn khoa học khác nhau thì rất khó, vì mỗi môn là một khoa học chuyên sâu. Nếu không cẩn thận dạy tích hợp giáo viên sẽ dạy kém đi, và điều này chúng ta cần cẩn trọng...

Huyền Thanh
.
.
.