Chương trình giáo dục mới có gây áp lực cho giáo viên và học sinh?

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:10
Như Báo CAND đã đưa tin về dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, trong đó có đề cập đến một số vấn đề mà hàng ngàn phụ huynh và học sinh quan tâm: Đó là dạy học tích hợp và phân hóa, môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Vậy so với chương trình hiện hành, những đổi thay này có gây áp lực, xáo trộn cho giáo viên và học sinh?
Theo dự thảo về CTGDPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, 12 năm học sẽ được chia ra làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10, 11, 12). Thay vì 13 môn như hiện nay, CT GDPT mới sẽ có 8 lĩnh vực giáo dục gồm: Ngôn ngữ và văn học, Toán học, Đạo đức-công dân, Thể chất, Nghệ thuật, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Công nghệ - Tin học. Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn.

Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn, có thể là tự chọn tuỳ ý gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9); tự chọn trong môn học gồm: Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), sẽ có 4 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1.

Ngoài ra, học sinh được tự chọn nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2. Hoặc có thể  tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Nếu chọn môn Khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nếu chọn môn Khoa học xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.

Chương trình giáo dục mới sẽ tăng cường kỹ năng cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Bộ GD&ĐT lưu ý, trong tất cả cấp học THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục. Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu của học sinh và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (giáo viên, phòng học, thời gian…) của nhà trường. Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi học sinh sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp học sinh… để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh. Về thời lượng giáo dục, một năm học sẽ có 35 tuần thực học.

Nhận xét về CTGDPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: Vừa là giáo viên, đồng thời cũng là phụ huynh học sinh, điều khiến cô quan tâm nhất ở chương trình này là học sinh sẽ được học những môn học mới nào? Chương trình học có khác gì so với trước? Và sau khi nghiên cứu kỹ, cô cảm thấy khá thích thú với một số môn học mới.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, học sinh sẽ học thêm môn Cuộc sống quanh ta và Giáo dục lối sống. Ở cấp THCS, học sinh sẽ học thêm 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ở cấp THPT, học sinh sẽ được học thêm môn Công dân với Tổ quốc với các kiến thức nhằm giáo dục nhân cách công dân và an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, ở tất cả các cấp học, học sinh đều được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, điều khiến cô Huệ băn khoăn là song song với chương trình mới, Bộ GD&ĐT cần chú trọng vào việc tập huấn và đào tạo giáo viên để có thể thích ứng, đặc biệt là các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. 

Thầy Vũ Đình Nam, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cũng cho rằng: Số môn học mà Bộ phân bổ như trên là tương đối hợp lý nhưng quan trọng là nội hàm của từng môn học đó như thế nào, liệu có giảm tải kiến thức, áp lực học tập so với chương trình cũ hay không. Rồi vấn đề tích hợp liên môn cũng không đơn giản vì cái quan trọng là chuẩn bị về mặt con người, cơ sở vật chất mới đáp ứng được.

“Thực tế cho thấy, không phải bất kỳ giáo viên Lý, Hóa, Sinh nào cũng có thể dạy được môn tích hợp Khoa học tự nhiên và các môn tích hợp Khoa học xã hội cũng vậy. Do đó, nếu môn học thay đổi nhưng kỹ năng và kiến thức của người thầy không thay đổi theo để thích ứng thì sự thay đổi thì đó cũng chỉ là hình thức, không có nhiều ý nghĩa”-thầy Nam cho biết.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Việc tăng các môn tự chọn để người học được phát huy thế mạnh của mình ở môn học đó, đồng thời giảm tải chương trình các môn bắt buộc để giảm bớt gánh nặng kiến thức cho học sinh, trên thế giới họ đã áp dụng  từ lâu. Lâu nay xã hội hoài nghi về việc giáo dục các kỹ năng, kiến thức xã hội còn xa rời thực tế, nặng lý thuyết, ít có những hoạt động thực tiễn gần gũi cuộc sống. Lần này chương trình của Bộ tập trung vào giáo dục phẩm chất và kỹ năng, đó là điều chúng ta cần ủng hộ. 

Tuy nhiên, thầy Lâm cũng lưu ý một số vấn đề cần đặt ra trước khi áp dụng chương trình mới: Một là, SGK phổ thông mới chưa có, việc đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu của chương trình mới đòi hỏi phải được thực hiện trước năm 2018. Thứ hai, giáo viên phải có kiến thức tích hợp các môn học, những môn học sáng tạo, môn học tự chọn, học theo nhóm… đáp ứng theo chương trình. Việc này, Bộ GD&ĐT cũng cần phải xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo cho giáo viên về vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần sớm đưa ra lộ trình cụ thể về cách tổ chức thực hiện, bởi thực tiễn cho thấy, kế hoạch và ý tưởng hay mới chỉ là một vế, vế quan trọng hơn vẫn là khâu tổ chức thực hiện bởi đây mới là điều kiện quyết định sự thành bại của chương trình. 

Đồng quan điểm trên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Chương trình đề ra mục tiêu đổi mới rất lớn, có nhiều môn học mới. Do vậy, để thực hiện được cần có lộ trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp, đa năng, chuẩn bị cơ sở vật chất tương ứng… chứ không thể ồ ạt áp dụng khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt này. 

“Nếu Bộ GD&ĐT không thực hiện song song giữa 2 nhiệm vụ là xây dựng chương trình SGK và đào tạo giáo viên, đặc biệt là các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên và xã hội thì việc đổi mới không những không mang lại thành công mà còn tạo thêm áp lực và gánh nặng cho người dạy”- ông Cương cho biết.

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.