Đề thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ gắn với các vấn đề thời sự nóng

Thứ Hai, 28/03/2016, 18:48
Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng và các trường THPT về hướng dẫn ôn tập, đề thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ nằm trong chương trình lớp 12 và tiếp tục được triển khai theo xu hướng đề mở, hạn chế việc học thuộc lòng, phát huy tư duy sáng tạo của học sinh.

Riêng các môn khoa học xã hội và nhân văn sẽ tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của học sinh về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia, do đó, các trường phải tự tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Đề thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ gắn với các vấn đề thời sự nóng của đất nước và hạn chế việc học thuộc lòng

Việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cần quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. 

Hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.Với chủ trương ra đề theo hướng tích hợp, đề mở, các môn thi khoa học xã hội và nhân văn, học sinh cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. 

Với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.Các môn tự chọn khác, nhà trường cần cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, quan tâm đến những học sinh có học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.

Nhận định về xu hướng ra đề thi THPT quốc gia năm 2016 của Bộ GD&ĐT, cô Phạm Thúy Nga, giáo viên trường THPT Mericuire Hà Nội cho biết: Đối với môn Ngữ văn nói riêng và các môn khoa học xã hội khác nói chung, trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đã đề cập đến những nội dung như Tình yêu gia đình, quê hương đất nước; nhân ái, khoan dung; trung thực, tự trọng, chí công vô tư; tự lập, tự tin, tự chủ và có tinh thần vượt khó; có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; thực hiện nghĩa vụ đạo đức tôn trọng, chấp hành kỷ luật, pháp luật... 

Trên cơ sở những chủ đề lớn đó, cô Phạm Thúy Nga dự đoán, rất có thể các vấn đề thời sự xã hội gần đây sẽ được đưa vào đề thi, chẳng hạn như trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền đất nước, sự hy sinh của những người lính trong trận chiến Gạc Ma, vấn đề biển đảo... sẽ được đưa vào đề thi môn Ngữ văn. 

Còn một số vấn đề thời sự khác như cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập TTP, biến đổi khí hậu và ngập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiến tranh biên giới năm 1979... sẽ được đưa vào đề thi các môn Địa lý, Sinh học và Lịch sử.

Đồng quan điểm trên, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng cho rằng: Đề thi năm 2016 sẽ tiếp tục được ra theo hướng tăng độ mở cao, hạn chế tình trạng học thuộc lòng, khuyến khích tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức gắn với thực tiễn, nhất là các vấn đề thời sự nóng của đất nước. 

Do đó, học sinh hoàn toàn có thể yên vì không phải nhớ máy móc, học thuộc lòng theo sách giáo khoa. Để đạt điểm cao, các em phải phát huy tối đa tư duy sáng tạo, khả năng xâu chuỗi gắn kết vấn đề, đặc biệt là có quan điểm cá nhân đối với các vấn đề lớn của đất nước, các vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Đối với môn Lịch sử, thầy Hiếu lưu ý các em tập trung ôn tập vào các sự kiện, các mốc thời gian quan trọng như 70 năm ngày Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, chiến tranh biên giới năm 1979.

Huyền Thanh
.
.
.