Đại học Tôn Đức Thắng đang làm tổn thương đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư

Thứ Bảy, 26/09/2015, 19:19
Trở lại câu chuyện Đại học Tôn Đức Thắng tự phong Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS), đến nay câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết. Hiện xuất hiện hai luồng quan điểm, quan điểm ủng hộ, ngược lại, rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo cho rằng, ĐH Tôn Đức Thắng đã “phạm luật”...

Ngày 25/9, trao đổi với PV Báo CAND, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Chính phủ, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), Bộ GD & ĐT cần phải sớm có văn bản đề nghị các trường ĐH thực hiện đúng những quy định của Thủ tướng về phong chức danh GS, PGS như thế mới là “kỷ cương phép nước”…

PV: Giáo sư có quan điểm ra sao quanh câu chuyện tự phong GS, PGS của ĐH Tôn Đức Thắng đang gây ồn ào dư luận?

GS.TSKH Vũ Minh Giang.

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Thủ tướng đã có quyết định 174 Ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức GS, PGS và sau đó là Quyết định 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 174. Đây là những văn bản có tính pháp quy rất là cao về chức danh, học hàm, giúp chúng ta tiến tới hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo. Hội nhập chính là những chuẩn mực chung, có thể liên thông, bao hàm cả những cái mà chúng ta học tập về phương thức nghiên cứu của nền giáo dục tiên tiến. Ở đây có câu chuyện về bổ nhiệm các chức vụ khoa học vào các vị trí của các cơ sở giáo dục đại học. Đó chính là tự chủ, mà tự chủ đại học cao nhất là tự chủ về mặt học thuật. Thứ hai là tự chủ về tài chính. Thứ ba là tự chủ bổ nhiệm các chức danh. Trên ý nghĩa này, nhiều người cho rằng, cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng như thế mới là chuẩn, nhưng theo tôi, cách làm đó không sai, đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ ở đây là như thế nào?

Quay trở lại câu chuyện chúng ta đang bàn luận. Việc tự phong GS, PGS phải trên nền “tự chủ đại học” hay “tự trị đại học” ở trình độ cao. Còn nhìn vào giáo dục ĐH Việt Nam, chúng ta đang bước những bước đi ban đầu trong quá trình tự chủ. Chúng ta vừa công bố Luật Giáo dục ĐH có nội dung tự chủ. Nhưng thực tế là chất lượng các trường ĐH của chúng ta còn chưa được như mong muốn, ngoài trường truyền thống thì có hàng trăm trường mới lập, non nớt, đội ngũ không được như kỳ vọng. Trong bối cảnh ấy, những người có trách nhiệm đã bàn rất nhiều, làm thế nào để chúng ta có thể hội nhập theo đúng tình hình, đặc điểm của ta. Và Quyết định 174 của Thủ tướng đã đề cập đến điều này: Hội đồng CDGSNN làm nhiệm vụ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh còn việc bổ nhiệm giao cho các trường.

Tôi nói trường Tôn Đức Thắng tự phong GS là một xu thế của giáo dục tiên tiến trong tương lai, còn hiện tại nếu áp dụng thì “chưa đủ”, “chưa chín muồi”. Chúng ta phải căn cứ những quy định hiện hành của pháp luật, làm gì thì cũng phải dựa trên những văn bản đã ban hành. Hiện nay, việc phong hàm chức danh GS, PGS do Thủ tướng quy định, anh làm khác đi nhưng lại “biện minh” thế giới làm được thì chúng ta cũng làm được, là khó chấp nhận. Việc đó chưa đầy đủ về cơ sở pháp lý. Tôi biết trường ĐH Tôn Đức Thắng có đề án thí điểm nhân sự, nhưng trong đó không có nội dung được phong hàm GS, PGS.

PV: Thưa ông, hiện cũng đang tranh cãi về cụm từ “giáo sư”, cho rằng, HĐCDGSNN không nên “độc quyền”, trong khi đó chỉ là danh từ chỉ nghề nghiệp, có giáo sư tiểu học, trung học, đại học…

Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh Huyền Nga.

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Nếu nói GS là danh từ chỉ người dạy, ngày xưa dạy phổ thông cũng gọi là GS để đánh lập lờ việc mình tự phong chức danh là không ổn, thậm chí lộn xộn, như thế sao không gọi là “sinh viên mầm non”. GS, PGS ở Việt Nam lâu nay vẫn được coi là danh hiệu cao quý, còn tôi cho đó là một chức vụ khoa học, hiện đang có hệ thống pháp lý do Thủ tướng quyết định để không nhầm lẫn. Với các trường đại học mới, non nớt, đội ngũ đang xây dựng, nếu trường nào cũng sở hữu từ “giáo sư” thì sẽ không đúng với thực tế hiện nay, không nên phá rào, phá lệ với những dẫn chứng chưa thuyết phục.

Hiện nay, việc xét phong chức danh có ba cấp: cơ sở, ngành và nhà nước. Hội đồng cơ sở thì cả một trường là một hội đồng, ví dụ có trường, có cả toán, lý, văn, sử, toán đều thuộc một hội đồng, toán cũng phát biểu về sử, sử cũng phát biểu về lý, lẫn lộn. Giờ nếu giao hoàn toàn cho trường tự phong chức danh thì sẽ xảy ra tình trạng đó. Quay trở lại, nếu như ĐH Tôn Đức Thắng  tức là lúc đó không có hội đồng ngành nữa) thì sẽ đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có rất nhiều GS, PGS. GS gắn tên trường, đấy là nói cho hay thôi, người ta sẽ bỏ đi, đi đâu cũng gặp GS, có ai biết trường nào với trường nào đâu.

PV: Vậy có nên song song hai hệ thống: GS do trường phong và GS do HĐCDGSNN phong không?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Muốn song song thì phải có cơ sở giáo dục đại học thí điểm. Nhưng phải làm thí điểm đàng hoàng, có đề án, có lộ trình, phải là một số cơ sở giáo dục có chất lượng cao, đội ngũ đông đảo làm thử nghiệm. Còn ĐH Tôn Đức Thắng nói là được là tự chủ nhân sự, nhưng đó không phải là tự chủ phong GS, PGS. Cũng không nên hiểu tự chủ là muốn làm gì thì làm.

PV: Cho thí điểm, vậy chức danh GS, PGS của trường sẽ bình đẳng với GS, PGS nhà nước, thưa ông?

GS.TSKG Vũ Minh Giang: Tới đây sẽ có vấn đề liên quan đến quan niệm. Nếu như cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng cao, thì phải có được cam kết tiêu chuẩn, chế độ ngang như GS do HĐCDGSNN phong, thì mới có giá trị. Anh không thể cứ phong, rồi đòi hỏi mọi người công nhận là không được. Phải có đề án. Phải chứng minh mình đủ sức làm như HĐCDGSNN. Nhưng tôi biết nhiều trường chất lượng cao họ chưa muốn làm, còn e ngại.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, giáo dục đại học của ta chưa xếp hạng, chưa phân tầng chất lượng, nên chưa nên thể đặt vấn đề cho trường ĐH tự phong GS gắn với tên trường ĐH. Quan điểm của ông như thế nào?
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng gặp gỡ báo chí. Ảnh Huyền Nga.

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Xếp hạng, phân tầng giáo dục lại là một câu chuyện khác. Phân tầng lại là một thuộc tính của giáo dục đại học vì giáo dục đại học là nơi cung ứng nhân lực chất lượng cao cho xã hội, xã hội lại cần nhiều trình độ khác nhau, nên không có trình độ nhất loạt cho tất cả các trường ĐH. Một thời kỳ chúng ta cứ cổ súy trường chất lượng cao, nhưng nhu cầu xã hội có những nơi cần chất lượng rất cao, có nơi lại rất vừa phải. Có nơi cần kế toán cho tập đoàn, có nơi cần kế toán cho doanh nghiệp gia đình dăm ba chục công nhân. Các cơ sở giáo dục cung cấp nhân lực trình độ khác nhau tạo ra sự phân tầng tự nhiên. Xếp hạng chỉ là một chứng chỉ “sức khỏe” của các tổ chức kiểm định độc lập. Ta hay đồng nhất xếp hạng với phân tầng.

PV: Vậy theo ông, điều kiện cần và đủ để một cơ sở giáo dục đại học có thể bổ nhiệm GS,PGS để được xã hội công nhận là gì?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Theo tôi, cơ sở giáo dục đó phải có đủ đội ngũ giáo viên trình độ cao, để có thể tổ chức ra các hội đồng ngành xét phong được các chuyên gia ngành ấy. Với trường ĐH, mà hiệu trưởng là tiến sĩ, số GS, PGS lác đác như thế ngồi phong với nhau thì chất lượng không cao. Chúng ta nhớ Nghị Quyết TƯ 6 có một nhận định: một trong những nguyên nhân giáo dục chất lượng kém đó là chạy theo hư danh. Trường nào cũng chạy theo số lượng GS, PGS lúc đó không ai kiểm soát được nữa. Chỉ một thời gian sau, đội ngũ GS, PGS của Việt Nam dưới danh nghĩa tự chủ sẽ thành một thứ hỗn loạn.

Tôi cho rằng đã đến lúc cơ quan nhà nước phải vào cuộc, phải có sự thống nhất. Chính phủ, HĐCDGSNN, Bộ GD & ĐT phải đứng ra phân định đúng sai. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang làm sai luật cần điều chỉnh lại ngay và không được phép tổ chức hội đồng tự phong GS, PGS lộn xộn. Những tranh luận về ĐH Tôn Đức Thắng đang làm tổn thương rất nhiều đến đội ngũ GS, PGS.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.