Sẽ “loạn” chức danh Giáo sư nếu các trường đều có quyền bổ nhiệm

Thứ Tư, 16/09/2015, 19:40
Mới đây, trường ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh đã công bố thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nhà trường. Vấn đề này đang làm dư luận xôn xao...


Hiện trường đã làm xong việc ban hành quyết định, đã đưa ra quy trình, thủ tục bổ nhiệm, cũng như ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài có thể nộp đơn đăng ký bổ nhiệm GS, PGS…

Việc công bố trên ngay sau đó đã gặp nhiều luồng dư luận đánh giá, khác nhau. Trưa ngày 16/9, một số PV Báo chí tại khu vực TP. Hồ Chí Minh đã được đại diện phía nhà trường đồng ý gặp gỡ, trao đổi, và giải thích xung quanh về quyết định trên.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng tổ chức hành chính Nhà trường, cho biết, việc Nhà trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện chủ trương bổ nhiệm chức danh GS, PGS là hoàn toàn nằm trong quyền tự chủ của nhà trường.

Theo quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/1/2015 về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Trong đó nhà trường được quyền tự chủ, được quyền tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài độ tuổi lao động …

PGS, GS mà trường bổ nhiệm không phải là để “vinh danh” mà chỉ là được bổ nhiệm một Chức vụ quản lý chuyên môn.  “Đó là một “chức danh chuyên môn” của nhà trường chứ không phải là Học hàm GS, PGS của Nhà nước. Sau khi được bổ nhiệm một thời gian, nếu người được bổ nhiệm không còn đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ sẽ bị miễn nhiệm.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn của nhà trường đã xây dựng tiêu chí riêng, đảm bảo nghiêm túc và không thấp hơn hơn so với tiêu chuẩn điều kiện của Hội đồng chức danh Nhà nước khi xem xét bổ nhiệm các chức danh GS, PGS. Một trong những yêu cầu đầu tiên đối với đối tượng bổ nhiệm GS, PGS là chuyên gia, nhà khoa học có học vị Tiến sĩ trở lên, phải có hợp đồng làm việc với trường từ 1 năm trở lên. Mỗi ứng viên sẽ có một nhóm Chuyên gia thẩm định, đánh giá gồm GS trong và ngoài nước. Từ ý kiến thẩm định của Chuyên gia, Hội đồng xét duyệt tiêu chuẩn và bổ nhiệm sẽ phân tích, kết luận để ra quyết định bổ nhiệm. Theo đó, mọi việc được trình bày và bảo vệ công khai trước hội đồng, không bỏ phiếu kín để loại trừ chuyện ghen ghét, đố kỵ…

Ngoài ra, cũng theo ông Vũ An Ninh, Trường Tôn Đức Thắng là một ngôi trường được thí điểm làm nhiều việc có tính chất “đi trước” một chút, và đã đạt được một số thành quả nhất định trong công tác đào tạo ĐH, được Chính phủ đánh giá và có sự quan tâm.

Quyết định 158 cũng đã cho trường thí điểm làm nhiều việc mà không có qui định trong pháp luật. Mặt khác, chưa có qui định nào là trường Tôn Đức Thắng không được phép bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Cũng chưa có một qui định nào nói rằng, trường này hay trường kia không được bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Học hàm GS, PGS được Hội đồng chức danh Nhà nước phong tặng là tồn tại suốt đời, còn chức vụ” GS, PGS do Nhà trường bổ nhiệm chỉ tồn tại trong thời gian người đó làm việc tại trường. Hoàn toàn không thể so sánh, đặt ngang hàng với Học Hàm GS, PGS được Hội đồng chức danh Nhà nước phong tặng. Và theo nhà trường, việc trường tự công nhận và bổ nhiệm các chức danh này nằm trong các quy định khi trường được giao cơ chế là trường tự chủ nên không cần phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các chức danh khác như Trưởng khoa, Trưởng bộ môn không phải là chức danh khoa học mà đó chỉ là các chức danh quản lý, còn GS, PGS là chức danh nghiên cứu khoa học. Và tới thời điểm này, mới chỉ có 1 người được ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức vụ GS.

Đại diện Nhà trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp xúc, trả lời các câu hỏi của Nhà báo ngày 16/9.

Hiện TP Hồ Chí Minh có 3 cơ sở giáo dục ĐH được trao quyền thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, tuy nhiên, các trường ĐH mới được giao quyền đào tạo và cấp bằng cử nhân, thạc sĩ…, còn phong các học hàm thì chưa được giao vì có nhiều tiêu chí cao hơn và cần được Hội đồng Học hàm Nhà nước thẩm định chặt chẽ. Nếu cứ là trường ĐH “tự chủ” thì được xét, và bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng trạng “loạn” về chức danh cao quí và vinh dự này cũng như khó có thể quản lý được.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Luật của ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, vì các ứng viên này không phải là công chức, chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường nên mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập cũng như giao nhiệm vụ, cung cấp điều kiện làm việc …có giá trị nội bộ nhà trường.

Ông Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ ĐH Tôn Đức Thắng cũng phân tích, trước khi ra qui định về tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục bổ nhiệm các chức danh GS, PGS làm nhiệm vụ chuyên môn của trường ĐH tôn Đức Thắng (ban hành kèm theo quyết định số 881/2015/TĐT-QĐ ngày 8/7/2015 của Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng) thì Nhà trường đã tham khảo hoạt động của các trường ĐH ở những nước tiên tiến nhất và thấy rằng, ở các nước khác, chức danh GS, PGS thường gắn liền với một trường ĐH nào đó và việc các trường ĐH bổ nhiệm GS, PGS là rất bình thường. Chức danh PGS, GS được định nghĩa là chức danh nghề nghiệp như các chức danh Luật sư, Kiến trúc sư, bác sĩ chuyên khoa 1, 2…

H.Nga
.
.
.