Xuống cấp đạo đức trường học: Do còn nặng dạy chữ, nhẹ dạy người...

Thứ Tư, 06/06/2018, 18:09
Tại phiên đăng đàn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, vấn đề xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh trong nhà trường được dư luận quan tâm đặc biệt.


Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, xảy ra 16 vụ học sinh đánh nhau, trong đó có một số vụ có tính chất nghiêm trọng như nam học sinh bóp cổ cô giáo, học sinh đâm trọng thương thầy giáo chủ nhiệm. Tình trạng trên khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về “dạy chữ”, “dạy người” trong nhà trường và truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vị thế người thầy đang bị biến thái. 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Lê, nguyên Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương để cùng bàn về nội dung này.

PV: Là một nhà giáo, ông nghĩ sao về những con số nêu trên?

PGS.TS Nguyễn Văn Lê: Thứ nhất, tôi khẳng định rằng: Đây là những con số biết nói, khiến nhiều người bất bình. Nó báo động một thực trạng đau lòng, về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên và học sinh hiện nay. Nhưng nó cũng đặt ra những thách thức ghê gớm, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt không chỉ nhà trường mà của cả gia đình và toàn xã hội. 

Thứ hai, tôi cho rằng, đây mới chỉ đơn thuần là những con số thống kê trong lĩnh vực GD&ĐT, ta nên có cái nhìn toàn cảnh và tổng thể. Bạo lực, bạo hành hiện nay không chỉ diễn ra ở học đường. Ví dụ nhiều người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, y tá. Đầu gấu, lái xe táo tợn dám tấn công công an... Bạo lực đang hình thành trong nhiều gia đình. Nhưng con số đau lòng trên là có thật, nhưng chúng ta không thể phủ nhận, xem nhẹ hàng vạn thầy cô đang ngày đêm lăn lộn vì sự nghiệp trồng người, nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

PV: Theo ông, vì sao có tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh?

PGS.TS Nguyễn Văn Lê: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Trước hết ta phải thừa nhận một thực tế rằng: nền kinh tế thị trường bên cạnh nhiều mặt tích cực đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, giáo viên do cuộc sống khó khăn, chi vượt thu quá nhiều, buộc họ phải tự bươn chải kiếm sống, không toàn tâm toàn ý cho nghề dạy học.

Thứ hai, sâu xa nhất ta đang có vấn đề về chọn đầu vào đối với giáo viên, công tác hướng nghiệp trong nhà trường chưa tốt.

Thứ ba, công tác đào tạo giáo viên lâu nay chú trọng quá nhiều vào việc truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng đến việc phát triển phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo của người học.

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp tạo môi trường sư phạm thân thiện, học sinh tích cực, lành mạnh.

Hầu hết những vụ bạo hành trẻ mầm non đang diễn ra ở các cơ sở ngoài công lập, nhà trẻ độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình...Điều đó cho thấy, công tác quản lý lỏng lẻo, dễ dãi, buông lỏng ở rất nhiều khâu, từ việc cấp phép đến các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chúng ta cũng phải thừa nhận giáo viên mầm non hết sức vất vả (vừa nuôi, vừa dạy, lớp học quá đông các cháu)...Sức ép từ công việc ấy khiến một số giáo viên mầm non không làm chủ được hành vi của mình, tôi nói như vậy để ta có cái nhìn nhân văn hơn, tất nhiên không cổ súy cho các hành động này.

PV: Ông có đánh giá gì về việc đào tạo chuẩn mực đạo đức cho những giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay? Có hay không sự coi nhẹ vấn đề này tại một số nhà trường?

PGS.TS Nguyễn Văn Lê: Đạo đức lối sống là cốt lõi của nhân cách. Vì vậy song song với việc dạy chữ, nhà trường phải chú trọng dạy người. Thật ra lâu nay ta quá chú trọng đến dạy chữ, truyền thụ kiến thức là chủ yếu. Nay ta đổi mới chuyển sang định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đây là chủ trương đúng đắn được nhà trường và xã hội hết sức quan tâm và đánh giá cao.

PV: Theo ông, chương trình dạy môn học Đạo đức - Giáo dục công dân ở các cấp học hiện nay đã đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Văn : Giáo dục đạo đức lối sống là một nội dung quan trọng của giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, theo tôi việc này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt về các phương pháp mang tính chất áp đặt, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Công tác giáo dục đạo đức công dân nặng về lý thuyết, thiếu các chương trình trải nghiệm do thiếu kinh phí và thời gian. Đặc biệt còn tình trạng thiếu giáo viên, buộc các thầy, cô có tuổi phải dạy các môn học này.

Cách đây hơn 15 năm, khi đang còn là Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tôi đã có kiến nghị: Mỗi trường phổ thông, nhất là cấp THPT cần một giáo viên được đào tạo bài bản về tâm lý giáo dục, để sau khi tốt nghiệp về các trường phổ thông làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; tư vấn sức khỏe sinh sản vị thanh niên để giúp học sinh lí giải và có hành vi đúng đắn về những vấn đề thắc mắc mà các em không dám hỏi, để giúp các em có quyết định đúng đắn trong việc chọn nghề tương lai…

PV: Gia đình, nhà trường, xã hội - được coi là “tam giác” giáo dục quan trọng mà chủ thể trọng tâm là học sinh. Tuy nhiên, khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức, tội phạm vị thành niên thì nhiều người cho rằng, do trẻ không được giáo dục từ nhà trường. Theo ông, chúng ta cần làm gì để hài hòa “tam giác” này, để gia đình và toàn xã hội cùng vào cuộc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, để cân bằng giữa “dạy chữ” và “dạy người”?

PGS.TS Nguyễn Văn Lê: Trước hết, nhà trường cần chủ động, sáng tạo, chủ động việc phối hợp và phải có chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực cho giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Tuy nhiên nhiều nhà trường đơn độc, nhà trường không thể một mình mà làm được. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trường đóng, đặc biệt là cơ quan đảng và cơ quan pháp luật cần chủ động kịp thời hỗ trợ nhà trường trong công việc đột xuất, những tình huống khẩn cấp...

Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải pháp về vấn đề này. Tôi cho rằng đây là các giải pháp có tính tổng thể và khả thi cao, hi vọng sẽ sớm khắc phục được tình trạng xuống cấp đạo đức trường học. Ngoài ra, tôi cho rằng, cần bổ sung giải pháp về tăng cường ý thức tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân. Nhà trường, gia đình, xã hội cần tạo mọi điều kiện để mỗi cá nhân được tự khẳng định mình, được thể hiện cái tôi, sáng tạo và sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh đổi mới hiện nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Anh (thực hiện)
.
.
.